Bảo tàng 24 triệu USD của Triều Tiên ở Campuchia

Bức tranh dài 123 mét tại Bảo tàng Toàn cảnh Angkor miêu tả cuộc sống thời cổ đại Angkor. Ảnh: New York Times
Bức tranh dài 123 mét tại Bảo tàng Toàn cảnh Angkor miêu tả cuộc sống thời cổ đại Angkor. Ảnh: New York Times
Với mục đích kiếm về nguồn thu cho đất nước, Triều Tiên chi đến 24 triệu USD để xây dựng một bảo tàng văn hóa lịch sử tại Campuchia.

Du khách đến thăm Bảo tàng Toàn cảnh Angkor ở Siem Reap sẽ được chào đón bởi một bức tranh lớn vẽ gương mặt tượng đá của đức Phật đang tươi cười, tái dựng lại theo kích cỡ thật của một trong các khuôn mặt đá khổng lồ tại đền Bayon, gần quần thể đền đài Angkor Wat nổi tiếng của Campuchia, theo Al Jazeera.

Nhưng hình ảnh đồ sộ này bỗng trở nên lu mờ khi so sánh với tâm điểm thu hút của bảo tàng: một bức tranh toàn cảnh khổng lồ đưa du khách đắm chìm vào thời kỳ huy hoàng của Vương quốc Angkor ở thế kỷ 12.

Một đoạn nhỏ của bức tranh dài 123 m này tái hiện cảnh các nhóm công nhân đang chở đá để xây đền Bayon. Gần đó, người ta có thể thấy một cánh rừng và hồ nước tan hoang dẫn tới một chiến trường ác liệt với những hình ảnh máu me đáng sợ. Tổng cộng, bức tranh miêu tả hoạt động của hơn 45.000 con người.

"Bạn sẽ có cảm giác như đang đứng trên một ngọn núi vậy", Yit Chandaroat, giám đốc bảo tàng nói, mắt vẫn chăm chú quan sát bức tranh.

Chandaroat cho biết 63 họa sĩ đã làm việc cật lực suốt hơn một năm để hoàn thành bức tranh. Theo ông, đây là bức họa lớn nhất ở Đông Á. Tuy nhiên, các tác giả của nó không phải người Campuchia mà lại là người Triều Tiên. Bình Nhưỡng cũng đứng ra thiết kế, xây dựng và đổ tiền đầu tư cho dự án bảo tàng trị giá tới 24 triệu USD này.

Quy mô khổng lồ

Bảo tàng 24 triệu USD của Triều Tiên ở Campuchia ảnh 1

Du khách chiêm ngưỡng bức tranh tái hiện chi tiết cảnh chiến trường tại Bảo tàng Toàn cảnh Angkor. Ảnh: Al Jazeera

Bảo tàng Toàn cảnh Angkor, khánh thành tháng 12 năm ngoái, là dự án quốc tế mới nhất do Xưởng Nghệ thuật Mansudae ở Bình Nhưỡng xây dựng. Mansudae là một trong những trung tâm sản xuất nghệ thuật lớn nhất thế giới. Thành lập năm 1959, Mansudae chủ yếu đảm nhận nhiệm vụ vẽ những bức tranh tuyên truyền, cổ động của nhà nước cũng như chế tác các bức tượng của lãnh đạo Triều Tiên.

Ông Pier Luigi Cecioni, đại diện của Mansudae ở châu Âu và Mỹ, cho hay xưởng nghệ thuật Mansudae sử dụng hơn 4.000 nhân công, 900 họa sĩ trong số này làm việc tại trụ sở chính ở Bình Nhưỡng. Đây là một khuôn viên rộng lớn với nhiều xưởng vẽ, điêu khắc và đúc nghệ thuật.

"Họ là những họa sĩ giỏi nhất nước", Cecioni nói. "Quả là một vinh dự lớn khi được làm việc với Mansudae".

Mansudae những năm gần đây bắt đầu đưa các đài tưởng niệm khổng lồ theo phong cách Triều Tiên ra nước ngoài.

Nhóm dự án nước ngoài Mansudae, bộ phận "xuất khẩu" nghệ thuật của xưởng, đã hoàn thành hàng chục dự án quốc tế, điển hình như tượng ông Robert Mugabe, nhà lãnh đạo Zimbabwe, đài tưởng niệm chiến tranh ở Namibia, hay bản đồ thế giới thêu tay khổng lồ của nhà thiết kế thời trang Luciano Benetton.

Giới quan sát đánh giá dự án nổi bật nhất của Mansudae chính là Tượng đài Phục hưng châu Phi tại Senegal, một cấu trục bằng đồng, cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do ở New York.

"Kích cỡ rất quan trọng", Cecioni nói. "Mansudae tự hào rằng có thể tạo dựng những thứ khổng lồ như vậy".

Thu lợi

Michael Madden, nhà phân tích kiêm biên tập viên một trang tin chuyên theo dõi các hoạt động ở Triều Tiên, nhận định các dự án của Mansudae ở nước ngoài là một kiểu xuất khẩu nghệ thuật mang tính cạnh tranh cao, đồng thời là nguồn tạo ra thu nhập cho Triều Tiên.

"Họ là những người duy nhất còn làm các kiểu tượng đài đồ sộ như thế. Họ giống như đang độc chiếm thị trường", Madden nhận xét.

Bảo tàng Toàn cảnh Angkor, nằm trên một con đường bụi bặm chỉ cách quần thể đền đài Angkor vài km, sở hữu rất nhiều nét riêng biệt. Không giống các dự án ở nước ngoài khác của Mansudae, bảo tàng được các kiến trúc sư Triều Tiên lên ý tưởng và Bình Nhưỡng đổ tiền xây. Người Triều Tiên cũng ở đây để quản lý dự án.

"Thông thường, họ xây dựng xong rồi về nước. Nhưng lần này, họ giữ nhân viên ở lại", một quan chức cấp cao Campuchia am hiểu vấn đề cho biết.

Theo Chandaroat, Mansudae và Apsara, cơ quan quản lý quần thể đền đài Angkor, đang hợp tác điều hành bảo tàng. Trong 10 năm đầu tiên đi vào hoạt động, lợi nhuận mà nó mang lại sẽ chuyển cho Triều Tiên. 10 năm tiếp theo, số tiền thu về được chia đôi cho cả Mansudae và Apsara. Sau đó, bảo tàng sẽ thuộc quyền quản lý của chính phủ Campuchia.

Ngoài bức họa toàn cảnh, bảo tàng còn sở hữu một rạp chiếu phim hơn 200 chỗ ngồi, một phòng tiếp khách VIP, các mô hình quần thể đền đài Angkor với tỷ lệ lớn cùng một quán nước bán trà Insam của Triều Tiên. Cách đó không xa, các bức tranh của những họa sĩ Triều Tiên cũng được bày bán.

Chandaroat cho biết bảo tàng hiện có 20 người Triều Tiên làm việc, trong đó 5 họa sĩ nhận trách nhiệm bảo dưỡng bức tranh toàn cảnh. Ông quả quyết dự án không mang dụng ý truyền đạt bất kỳ tuyên bố chính trị nào.

"Vai trò của bảo tàng này là bảo tồn văn hóa", ông nói. "Không nhiều nước đầu tư vào văn hóa nhưng Triều Tiên lại quan tâm đến điều đó".

Bình Nhưỡng hiện cũng mở một chuỗi nhà hàng ở Campuchia, gồm hai cơ sở ở Siem Reap và 4 cơ sở ở Phnom Penh, để mang về nguồn thu ngoại tệ.

Việc mô hình xây dựng bảo tàng này chưa từng xuất hiện trước đây cho thấy nó chắc chắn phải nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao nhất của chính phủ Triều Tiên, Madden nhận định.

Bảo tàng 24 triệu USD của Triều Tiên ở Campuchia ảnh 2

Bức họa gương mặt của đức Phật đặt ở lối vào Bảo tàng Toàn cảnh Angkor. Ảnh: New York Times

Theo số liệu thống kê từ Apsara, quần thể Angkor năm ngoái thu hút tới 2,1 triệu du khách tham quan. Theo Madden, nguồn thu của Mansudae có thể sẽ được các cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý, bao gồm Bộ Văn hóa Triều Tiên và Ban Tuyên truyền Vận động thuộc đảng Lao động Triều Tiên.


Tuy nhiên, Bảo tàng Toàn cảnh Angkor có vẻ đang gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút khách du lịch. Trong một chuyến thăm gần đây tới bảo tàng, nhiều du khách còn nhìn thấy các bóng đèn được tắt để tiết kiệm điện, nhân viên đi lại với tâm trạng chán nản giữa những căn phòng trống lát đá cẩm thạch. Một tấm biển quảng cáo giảm giá 50% cho du khách Campuchia treo ở vị trí dễ thấy bên ngoài bảo tàng.

Tại tiệm cà phê vắng khách, duy nhất một người phụ nữ Triều Tiên đang đứng quản lý quầy thu ngân. Khi được hỏi liệu bảo tàng này có thu được lợi nhuận không, cô trả lời khá trôi chảy bằng tiếng Anh, giọng Mỹ.

"Chưa có nhiều du khách đến đây vì chúng tôi chỉ mới mở cửa nhưng rồi mọi người sẽ sớm biết đến chúng tôi", cô nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.