Vì nếu không phải là chuyên gia, không được tiếp cận các nguồn thông tin chính thống và chính xác thì khó mà nói số liệu đó đúng hay sai.
Nhưng cùng là hai cơ quan nhà nước mà giữa Tổng cục Thống kê, một cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính lại đưa ra hai mức GDP vênh nhau gần 300 ngàn tỷ đồng thì chắc chắn không còn là chuyện biết chỉ để mà biết nữa. Và điều đáng chú ý là các con số của Bộ Tài chính được công bố sau, “phù hợp” hơn và “thuận lợi” hơn với các kế hoạch thu chi tài chính-ngân sách. Có chuyên gia nói nếu vênh nhau thì phải điều chỉnh theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đơn vị được giao trách nhiệm chính.
Việc các con số vênh nhau, thực ra cũng không phải là chuyện hiếm và trên thế giới cũng đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến chỉ số GDP. Ở Ấn Độ hồi tháng 9/2015, chuyện chỉ số GDP trở thành chủ đề tranh cãi. Số là trong chuyến công cán đến Mỹ, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói GDP của nước này ở mức 8 ngàn tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, Quốc hội Ấn Độ “cải chính”, rằng khi chính phủ tiền nhiệm của đảng UPA rời nhiệm sở, GDP của Ấn Độ ở mức 2,27 ngàn tỷ USD và hiện nay ở mức 2,5 ngàn tỷ USD. “Cấp dưới của ông ta (thủ tướng Modi) cần cung cấp số liệu chính xác, đúng lúc để ông ta không mắc sai lầm bởi vì ông ta không nói ở một bữa tối riêng tư”, Anand Sharma, một lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội Ấn Độ nói.
Trở lại trường hợp của hai cơ quan Việt Nam. Ít nhất trong việc này cũng có hai con số để đối chiếu, so sánh và công chúng mới có “điều kiện” biết rằng những con số mà cơ quan nhà nước đưa ra hoàn toàn có thể thiếu chính xác. Về việc này, chắc chắn Bộ Tài chính phải xem lại cách tính toán của mình và có giải thích với công luận. Giữa Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê, bên nào sai, sai ở chỗ nào, cần được minh định. Công tác thống kê, nhất là thống kê ở cấp độ quốc gia, có liên quan mật thiết đến chất lượng điều hành, hiệu lực, hiệu quả của các chính sách. Số liệu sai dẫn đến nhận định sai và đương nhiên khi nhận định sai sẽ dẫn đến quyết định sai.
Việc hai cơ quan cùng công bố số liệu thống kê ít ra cũng có cái lợi. Người nghe có quyền nghi vấn, có quyền đòi hỏi tiếp cận sự thật. Và cơ quan quản lý, giám sát có quyền phản biện và đòi hỏi được tiếp cận nguồn. Minh bạch và trung thực thông tin là đòi hỏi không chỉ của hôm nay.