Ai người ta hại mình

Ai người ta hại mình
TP - Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai lâu nay âm thầm “nghiên cứu” sơ chế rác thải y tế loại nguy hại với nghi ngờ để bán ra ngoài. Khi báo chí phát hiện, thì được biết đây chỉ là thử nghiệm do Khoa tự ý làm, chứ chưa được hội đồng khoa học của bệnh viện thông qua.

Nghĩa là chưa hề có một cơ sở khoa học lẫn chứng chỉ an toàn nào. Dư luận không khỏi liên tưởng những bơm kim tiêm, dây truyền còn dính máu mủ người bệnh với không ít sản phẩm nhựa tái chế mà họ đang dùng hằng ngày, kể cả dùng cho việc ăn uống.

Chưa hình dung cháy xe hơi sẽ thế nào, đã phải nơm nớp lo bình chữa cháy trên xe phát nổ. Do nắng nóng, va chạm, bình dỏm… Vị lãnh đạo Cục Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) vừa lên báo giải thích “việc lo bình chữa cháy nổ, tôi cho rằng không ai ngồi trên xe với nhiệt độ vượt quá 55 độ C cả”. Vậy khi người ra khỏi xe, có yên tâm để lại “quả bom” mini ấy trên khối tài sản đang phơi nắng của mình không? Hay lại phải ôm kè kè bình chữa cháy mỗi khi lên phòng làm việc, vào hội trường, hay ghé quán nhậu để cho bình nó… mát?! Xe nhập nguyên chiếc lại phải hàn xì, bắt vít để chế thêm bộ phận gắn bình chữa cháy, không khéo thành chuyện lạ thế giới!

Khi rộ lên thông tin dầu cá Omega-3 của Trung Quốc ăn mòn thùng xốp, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) bèn tổ chức thử nghiệm trước mặt các nhà báo. Bằng cách cho dầu cá xuất xứ từ các nước khác nhau cùng tiếp xúc với thùng xốp. Thật bất ngờ: dầu cá của Mỹ “ăn” thùng xốp mạnh nhất. Có vẻ thực nghiệm thô sơ nói trên đã đủ để trấn an không ít người đang sử dụng loại thực phẩm chức năng này.

Từ viên dầu cá, thấy thế giới bao lâu nay vẫn xài xe hơi không cần đeo thêm bình cứu hỏa cũng là chuyện thường. Có đâu như mình, chưa làm được cái ốc vít, lại đi lo ngược giùm thiên hạ.

Một quy định đưa ra áp dụng cho số đông, nhưng lại thiếu những thử nghiệm cần thiết. Như với loại xe 4 chỗ, đã tính xem có bao nhiêu vụ cháy xe, nguyên nhân gì, xuất phát từ bộ phận nào chưa? Đã thực nghiệm và hướng dẫn quy trình, thao tác sử dụng bình chữa cháy trên xe ô tô thế nào chưa? Chứ cứ vứt cái bình trên xe cho khỏi bị phạt, nhưng khi cầm lên không biết xuôi ngược ra sao, chỉ béo giới buôn bán món hàng này.

Khi đã dùng những chiếc xe tiền tỷ, công nghệ hiện đại từ nước ngoài, thì đừng lo người ta hại mình, mà hãy tập trung lo chuyện trong nhà. Để bớt chuyện rau tưới dầu nhớt, bớt nạn heo bò, trái cây tẩm chất độc, nhựa tái chế từ rác thải dính mủ máu bệnh nhân… Đó mới là nỗi lo lớn nhất hiện nay, đe dọa sự sinh tồn của nhiều thế hệ người Việt. Điều khiến Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phải vừa lên tiếng kêu gọi: “Người Việt Nam không nên đầu độc nhau bằng sản phẩm không an toàn…”.

MỚI - NÓNG