Cơn lốc tăng giá hàng hóa trong dịp Tết

Cơn lốc tăng giá hàng hóa trong dịp Tết
Càng gần đến Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng dùng cho ngày Tết như rượu, bia, bánh kẹo và thực phẩm liên tục tăng giá từng ngày, phần lớn tăng khoảng 20-30% và cá biệt có những mặt hàng tăng tới 70-80%, khiến người tiêu dùng chóng mặt.
Cơn lốc tăng giá hàng hóa trong dịp Tết ảnh 1
Giá nhiều mặt hàng tăng cao, đặc biệt là thực phẩm gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Ảnh : TP

Theo Sở Thương mại Hà Nội, giá hàng nông sản và thực phẩm tăng mạnh do nguồn cung giảm vì các chủ trại, nông dân găm hàng chờ đến dịp Tết mới tung ra tiêu thụ.

Hiện lượng gia súc về các lò mổ tập trung đã giảm 10-20% so với cuối tuần trước, lượng thực phẩm sơ chế từ các tỉnh chuyển về Hà Nội cũng giảm 30-40%. Nguồn gia cầm cung ứng cho thị trường những ngày gần đây cũng rất khó khăn.

Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 của thành phố đã tăng 3,25% so với tháng trước, trong đó nhóm hàng thực phẩm tăng 6,36%, nhóm hàng đồ uống và thuốc lá tăng 3,65%.

Tại các chợ, giá các loại thịt đã tăng 10-20% so với tháng trước, giá thủy hải sản cũng tăng gần 10%, dầu ăn tăng khoảng 5%. Giá các mặt hàng rau, củ, quả và các mặt hàng đồ khô như măng, miến, nấm hương cũng tăng đáng kể.

So với hai tuần trước, giá các loại rượu, bia đã cao hơn khoảng 20.000-40.000đồng/thùng và tiếp tục tăng theo từng ngày, do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Giá bán mặt hàng này tại các siêu thị cũng có sự chênh lệch khá lớn, điển hình là một thùng bia Hà Nội tại siêu thị FiviMart được bán với giá là 201.600 đồng, tại Intimex là 187.200 đồng và tại đại lý là 165.000 đồng.

Dự báo giá cả các mặt hàng sẽ tiếp tục tăng nhanh cho đến ngày 30 Tết (ngày 6/2) và dừng lại ở mức cao trong những ngày sau Tết. Đặc biệt, sức nóng sẽ đè nặng lên vai các mặt hàng hoa tươi, thực phẩm tươi sống, gạo, đỗ, chè và rau quả.

Theo báo cáo của các Sở Thương mại các tỉnh, thành phố, đến thời điểm này, các doanh nghiệp trên địa bàn đã cơ bản dự trữ đủ lượng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân trong dịp Tết Mậu Tý 2008.

Bốn doanh nghiệp lớn của Hà Nội đã dự trữ khoảng 1.000 tấn thịt lợn, gà và giò, hơn 410 tấn nem, 22 tấn dầu ăn và gần 2 tấn trứng gà. Các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã được thành phố hỗ trợ 400 tỷ đồng để dự trữ hàng hóa thực phẩm thiết yếu.

MỚI - NÓNG