Ngày 2/4, các cơn bão nghiêm trọng tiếp tục tàn phá các hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hy Lạp, gây ra thiệt hại nghiêm trọng về hạ tầng và đời sống người dân. Hòn đảo Crete là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất khi mưa lớn kéo dài, khiến đường sá bị phong tỏa và lở đá diễn ra trên diện rộng.
![]() |
Một cơn bão mạnh đã làm ngập nhà cửa và làm hư hại đường sá ở Paros. |
Trước đó, vào ngày 1/4, các hòn đảo Paros và Mykonos đã bị càn quét bởi mưa đá và gió lớn, gây ra cảnh tượng hỗn loạn. Tại Paros, dòng nước xiết cuốn trôi nhiều ô tô ra biển, trong khi nhà cửa và cơ sở kinh doanh chìm trong nước lũ và bùn đất.
Mức độ thiệt hại nghiêm trọng đến mức chính quyền địa phương phải cầu cứu sự hỗ trợ khẩn cấp từ chính phủ để khắc phục hậu quả. "Đường sá đã bị hư hỏng nghiêm trọng, chúng tôi cần thêm thiết bị để dọn dẹp", ông Costas Bizas - Thị trưởng Paros - phát biểu trên đài truyền hình ERT. "Chỉ trong hai giờ, thảm họa đã xảy ra" - ông Costas Bizas nói thêm.
![]() |
Cảng Naousa trên đảo Paros sau trận lụt. |
Không chỉ Paros, đảo Mykonos cũng hứng chịu sự tàn phá của thời tiết cực đoan khi gió giật mạnh và mưa đá trắng xóa phủ kín nhiều khu vực. Chính quyền bảo vệ dân sự đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ trường học tại Mykonos và nhiều đảo khác như Syros, Symi, Kalymnos và Kos để đảm bảo an toàn.
Tại hòn đảo Crete, mưa lớn tiếp tục kéo dài sang ngày thứ hai khiến nhiều tuyến đường bị sạt lở và giao thông đình trệ. Lực lượng cứu hộ đã được huy động để giải cứu bảy người bị mắc kẹt trong xe giữa dòng nước lũ. Theo Đài quan sát quốc gia Athens, cảng Chania tại đảo Crete ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ qua.
Trong khi đó, tại Rhodes, gió mạnh cấp bão đã quật đổ cây cối và làm hư hại nhiều phương tiện giao thông. Hàng loạt chuyến phà cũng buộc phải tạm dừng hoạt động do thời tiết xấu.
![]() |
Công nhân dọn bùn bằng xẻng tại cảng Naousa. |
Những cơn bão lần này chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực quần đảo Cyclades, trung tâm biển Aegean - nơi nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp và những ngôi nhà sơn trắng đặc trưng.
Trong những năm gần đây, Hy Lạp liên tục hứng chịu các đợt thiên tai nghiêm trọng. Các nhà khoa học cảnh báo tình trạng nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Đáng chú ý, chỉ vài tuần trước, một loạt trận động đất hiếm hoi đã khiến hàng nghìn người phải sơ tán khỏi Santorini và các đảo lân cận như Ios, Amorgos và Anafi. Giờ đây, khi các trận bão tiếp tục tàn phá khu vực, người dân Hy Lạp lại phải đối mặt với một cuộc chiến mới để khắc phục hậu quả thiên tai.