Có vấn đề!?

Có vấn đề!?
TP - Văn học vốn dĩ sử dụng ngôn từ để chuyển tải ý tưởng. Mà ý tưởng thì luôn đi liền với sự liên tưởng. Mà liên tưởng thì đồng nghĩa với sự mở rộng biên độ ngữ nghĩa của ngôn từ.
Có vấn đề!? ảnh 1

Mọi rắc rối từ đấy mà ra cả. Nhất là khi người đọc có chủ định nào đó thì sự liên tưởng đối với văn học càng… có vấn đề hơn.

Một thời gian dài ở ta phổ biến cụm từ “có vấn đề” khi nói về một tác phẩm, một tác giả nào đó có cách viết dễ khiến liên tưởng ra ngoài ý tưởng, hình tượng cụ thể được phản ánh trong tác phẩm. Chuyện này đã làm không ít người lận đận trong công tác và cuộc sống. Một vài cái tên như Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt… dễ gợi nhớ điều này.

Phải thống nhất rằng, cũng có khi “có vấn đề” thật. Nhưng điều này chỉ xảy ra ở một bộ phận nhỏ nào đó có những biểu hiện ở hẳn về phía chống đối, phía bất mãn. Con sâu làm rồi nồi canh, từ đó những ý tưởng, những hình tượng nghệ thuật có cách hiểu “ý tại ngôn ngoại” đều dễ bị coi là có vấn đề!

Chuyện đầu tiên gợi nhớ là giai thoại từ sử sách xa xưa. Trong một bữa yến tiệc, vua Tự Đức vô tình cắn phải lưỡi mình đau điếng, bèn bảo các quan ngẫu hứng làm thơ vịnh việc này. Bài nào được coi là hay nhất sẽ thưởng.

Nguyễn Hàm Ninh đọc: “Sinh ngã chi sơ nhữ vị sinh/ Nhữ sinh chi hậu ngã vi huynh/ Bất tư cộng hưởng trân cam vị/ Hà nhẫn tương vong cốt nhục tình”. Nghĩa là “Lúc bác sinh ra chú chửa sinh/ Từ sinh ra chú, bác làm anh/ Ngọt bùi sao chẳng cùng nhau hưởng/ Cốt nhục đan tâm nghiến đứt tình”!

Vua khen hay, thưởng 4 lạng vàng như đã hứa nhưng bắt nọc ra đánh mỗi chữ 1 roi, vị chi 28 roi, vì… có vấn đề! “Vấn đề” ở đây là dường như bài thơ có mang hơi hướm của chuyện Vua đã âm mưu ám hại anh Hồng Bảo để chiếm ngôi báu!

Chuyện nữa kể rằng, có nhà Nho nọ, Tết về làm đôi câu đối dán lên nhà cửa để vừa đón xuân, vừa tự dưỡng tu khí tiết và răn dạy cháu con: “Phú phi ngô nguyện/ Đức bản gia cơ”. Nghĩa là “Giàu có khôn là điều ta mong/ Đức hạnh mới là gốc rễ nhà ta”.

Đang thế chiến thứ 2, có tên gần nhà nịnh Pháp bèn tâu với quan sở tại rằng câu đối có ý “Nước Pháp (Phú Lãng Sa) không phải là mong ước của hắn/ Nước Đức mới là chỗ mong chờ của nhà hắn”! (Lúc đó ta gọi tên nước Pháp France là Phú Lãng Sa. Thế thì nói tắt “Phú” ở đây đích thị là Pháp rồi!). Chữ nghĩa quả thật nhiêu khê!

Từ những chuyện “xa xưa” nghe cứ như đùa ấy khiến nhớ lại một số chuyện gần đây của giới “chữ nghĩa”. Báo, sách đã viết đã nói nhiều, khó kể hết, ở đây chỉ nhớ đâu nhắc đó một vài trường hợp để cùng suy ngẫm, không hẳn là tiêu biểu, đặc biệt gì.

Ví dụ chuyện nhà thơ Phạm Tiến Duật, một “tượng đài thơ Trường Sơn” của thời đánh Mỹ, thế mà chỉ vì bài thơ “Vòng trắng” ví von những vòng khói trắng của bom như vòng khăn tang ảm đạm mà thành… có vấn đề! Đến nỗi, theo một bài tùy bút của nhà văn Đỗ Chu, việc cơ cấu nhà thơ vào Trung ương Đoàn đành phải xem xét lại.

Ví dụ, nhà thơ Nguyễn Long ở Thái Bình, thủ khoa cuộc thi thơ Lục bát của tuần báo Văn nghệ năm 2002 với bài thơ nhan đề “Thường dân” cũng… có vấn đề, khi nó được giải!

Bài thơ mang nội dung rất nhân văn, nhân bản muôn thuở của quảng đại quần chúng nhân dân: “Đông thì chật ít thì thưa/ Chẳng bao giờ thấy dư thừa thường dân/… Khi làm cây mác cây chông/ Khi thành biển cả khi không là gì/… Hoà vào trời đất mà xanh/ Vô tư mấy kiếp mới thành thường dân”!

Thế mà khi nghe tin được giải, có nhiều thư từ kiến nghị gửi về Ban Tổ chức và Ban Giám khảo đặt… vấn đề. Hai Ban bèn lấy thêm 2 giải nhất đồng hạng nữa và đưa tên bài thơ xếp xuống hàng thứ 3 trong xê-ri giải nhất để… pha loãng bớt nồng độ chú ý đi!

Ví dụ, gần đây truyện “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau cũng được cho là… có vấn đề, bèn dấy lên xôn xao dư luận. Nhưng thời nay phải khác thời trước chứ, mọi chuyện đã đâu vào đấy.

Tác phẩm không những không có vấn đề gì cả mà còn đoạt giải của Hội Nhà văn Việt Nam, liền sau đó đoạt luôn giải văn học khu vực Đông Nam Á của Nhà vua Thái Lan, được lên sân khấu, màn hình nữa…

Cũng có kiểu tưởng “có vấn đề” mà… không có vấn đề gì cả. Ấy là trường hợp nhà thơ Nguyễn Châu, hiện Phó Tổng biên tập báo Hạ Long của Hội Văn nghệ Quảng Ninh.

Khoảng giữa những năm 70 thế kỷ XX ông có bài thơ thiếu nhi in báo Văn nghệ: “Ông mặt trời bên bé/ Cả lúc học lúc chơi/ Bố lại bảo mặt trời/ Cày đồng cao với bố/ Mẹ bảo ông cùng mẹ/ Xới đất ngoài vườn rau/ Bà bảo ông hong cau/ Khô cong trong nong nhỏ/ Vậy, cô ơi, tất cả/ Có mấy ông mặt trời”?

Vì tên thật là Nguyễn Thanh Châu nên ký tắt Thanh Châu. Trên là Thanh Châu tác giả tập truyện “Hoa Ti-gôn” (ông này có nhiều bài phản ánh những hiện tượng tiêu cực trên báo Văn trước đó) nên chỉ đạo tìm hiểu. Thì ra không phải là Thanh Châu “có vấn đề” kia nên Thanh Châu này mới… không có vấn đề gì cả! Và vì thế mà bút danh Thanh Châu vội chuyển thành Nguyễn Châu cho nó… đỡ rắc rối!

Vừa rồi tạp chí Văn nghệ một tỉnh Tây Nguyên cho in bài bút ký về Tây Nguyên khá hay của tác giả Trần Sáng, thiếu tá quân đội, Trợ lý Tuyên huấn Bộ Chỉ huy quân sự Thái Nguyên, đang học khoa Viết văn Đại học Văn hoá Nghệ thuật quân đội.

Toà soạn được cơ quan chỉ đạo của tỉnh gọi lên góp ý bóc bỏ bài ấy ra vì… có vấn đề “tế nhị, nhạy cảm”! Chính ra ở đây đã chậm tay in sau thiên hạ mà thôi, chứ báo điện tử Vietimes đã in hai kỳ, trả 1 triệu đồng nhuận bút cho tác giả và tạp chí Văn nghệ Gia Lai hàng xóm cũng đã in trước đó rồi! Các nơi đó không biết… có vấn đề gì không?

Một tác phẩm văn nghệ bao giờ cũng hàm nhiều khía cạnh giá trị văn học, sử học, mỹ học, triết học, xã hội học v.v… Mà đã đụng đến những vấn đề đó thì lại có… lắm vấn đề! Vậy, vấn đề nêu ra ở đây là cách sao đặt vấn đề mà tránh chuyện… có vấn đề?!

Ngẫm ra, muốn không có vấn đề thì… Xin vái anh linh Tổ sư Vũ Trọng Phụng, cho con được dùng lại câu kinh nhật tụng của Người: “Biết rồi! Khổ lắm! Nói mãi!”.

MỚI - NÓNG