“Cô tiên” ở làng phong

“Cô tiên” ở làng phong
TP- Trước lúc gặp bà, tôi cứ băn khoăn: Không hiểu điều gì đã khiến một người con gái xinh đẹp là vậy dám hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc gia đình để gắn bó suốt hai chục năm trời với những người bệnh phong.

Nhưng khi nhìn bà mỉm cười trìu mến, ân cần bón cháo cho một cụ bà bên giường bệnh, nhìn bà xoa đầu dỗ dành một em nhỏ làng phong, tôi biết tâm hồn của người phụ nữ ấy, tình yêu thương của người phụ nữ ấy - dường như đã gửi trọn nơi này…

Bà là Nguyễn Thị Xuân, 51 tuổi - kỹ thuật viên phòng điều dưỡng Trại phong Quả Cảm (Yên Viên, Bắc Ninh).

Nhắc đến tên bà, bệnh nhân phong không ai không biết. Người ta trìu mến gọi bà là sơ Xuân, dì Xuân, là “bảo mẫu xóm cùi”… Có cụ già đã ngoài 80 tuổi, rưng rưng nói về bà: “Cô Xuân ấy à? Cô ấy là cô tiên ở trại phong Quả Cảm này…”.

Tôi biết, mình đã lựa chọn đúng!

Nguyễn Thị Xuân sinh ra ở Quế Võ, Bắc Ninh. Tuổi thơ bà là một chuỗi những bất hạnh. 9 tuổi mồ côi cha, mười năm sau mồ côi mẹ, cô bé Xuân sớm phải đứng mũi chịu sào, gánh vác hết mọi việc trong gia đình.

Dưới Xuân còn bốn em nhỏ, một mình bà chạy vạy ngược xuôi, xoay đủ nghề làm thuê cuốc mướn nuôi các em ăn học. Nhớ lại quãng thời gian đó, bà ngậm ngùi: “Nhà mình hoàn cảnh lắm. Cả tháng trời không biết đến bữa cơm no. May có bà con xóm giềng cưu mang đùm bọc”.

Thời con gái, bà Xuân nổi tiếng đẹp người tốt nết. Nhiều chàng trai trong vùng để ý, đưa lời dạm hỏi, song bà một mực chối từ. Bà chỉ tâm niệm “Đợi khi các em khôn lớn trưởng thành, lúc đó lo cho bản thân cũng chưa muộn”.

Năm 1982, sau khi bốn đứa em yên bề gia thất, bà chuyển sang nghề dạy trẻ. Cuộc sống cứ thế êm đềm trôi nếu không có một lần, bà tình cờ đọc cuốn “Lạc quan trên miền thượng”. Câu chuyện thấm đẫm nhân văn về một vị linh mục người Pháp sang Việt Nam lập Trại phong Di Linh ở Lâm Đồng khiến bà thực sự cảm động. Và bà trăn trở: “Tại sao một người nước ngoài có thể sẵn sàng giúp đỡ đồng bào mình không toan tính. Mình là người Việt Nam lại không thể?”.

Cái mong muốn được tri ân cuộc đời nhen lên mỗi lúc một mạnh mẽ!

Bà giấu gia đình đi học y tá ở Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định). Năm 1988, khóa học kết thúc, bà viết đơn tình nguyện làm việc tại Trại phong Quả Cảm. Cái tin ấy làm cho cả gia đình bà bị sốc. Các em hết lời can ngăn, khuyên nhủ, bà chỉ cười kiên định “Chị đi trả nợ cuộc đời, đâu có gì là không nên không phải?”.

Thời đó, bệnh phong bị xã hội hắt hủi. Việc một cô gái trẻ dám từ bỏ tất cả, gắn bó với những nạn nhân của căn bệnh nan y trở thành chủ đề được đem ra bàn tán, dèm pha. Người ta nói bà là “gàn”, là “khùng”, có kẻ độc mồm còn kêu bà cái biệt danh “Xuân hủi” - Bà bỏ ngoài tai tất cả.

Ngày đầu tiên bước chân vào trại, hình ảnh những người bệnh quằn quại cơn đau, lê lết từng chút một đập vào mắt khiến bà nhói lòng.

“Gặp một bác bệnh nhân loay hoay đưa thìa cơm vào miệng, run rẩy một hồi để văng vãi mất rồi bất lực bật khóc tức tưởi, mình xa xót lắm. Chạy lại bón cho bác mà nước mắt chảy hoài”... Và ngay lúc ấy, bà biết mình đã lựa chọn đúng!

Bà Xuân rưng rưng nhắc tới một cụ ông suốt thời trai trẻ cống hiến cho cách mạng. Cuối đời phải gặm nhấm nỗi đau bệnh tật, cô đơn - không vợ con, không người thân thích. Một cụ bà quê Bắc Giang bị gia đình chồng ruồng bỏ năm 28 tuổi. Mấy chục năm trời sống vò võ một mình, tới khi con cái trưởng thành cũng không thừa nhận người mẹ bất hạnh …

“Cô tiên” ở làng phong ảnh 1
Hướng dẫn các cụ tập luyện với chân tay giả

Mỗi một kiếp người - một câu chuyện buồn thảm. Phần lớn bệnh nhân nơi đây đều nhập trại trong những tình cảnh trớ trêu.

Người thì được cứu trong một chiếc bè thả trôi sông, người lang thang và gần như mất trí... Tất cả họ chung niềm tuyệt vọng vì bị xã hội xua đuổi, bị người thân xa lánh.

Bấy giờ, toàn trại Quả Cảm có tới 257 bệnh nhân, nhưng chỉ có 17 nhân viên y tế, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Bà gồng mình cáng đáng công việc lớn nhỏ. Có những lúc tưởng chừng kiệt sức. Song không vì thế bà từ bỏ những dự định mình hằng nung nấu. Bà bảo: “Sống cùng với bệnh nhân phong, lấy đôi tai để lắng nghe, lấy con tim để chia sẻ. Còn bàn tay, khối óc – mình muốn làm được điều gì đó, tiếp thêm hi vọng cho những kiếp sống bất hạnh này”…

Nối những bờ vui….

Suốt thời gian gắn bó với trại phong, điều bà Xuân luôn trăn trở là giúp người bệnh lao động như thế nào cho phù hợp. Được bạn bè xa gần giới thiệu, bà lặn lội vào Ninh Bình học nghề dệt chiếu, đan làn rồi dạy lại cho bệnh nhân ở đây.

Đầu năm 1992, bà một lần nữa Nam tiến, đến tận trại phong Bến Sắn (TPHCM) học cách làm chân tay giả. Hành trang lên đường chỉ vẻn vẹn có vài bộ quần áo cũ và 40.000 đồng. Vất vả, cơ cực, nhưng niềm mong mỏi có thể thay thế những vật dụng kim loại nặng nề, đau đớn trên người bệnh nhân phong bằng công cụ tiện dụng hơn khiến bà chấp nhận tất cả.

 Chưa một lần tìm kiếm mái ấm riêng cho mình, nhưng bà Xuân đã gây dựng làng phong thành một gia đình lớn. Ở đó, bà có những người cha, người mẹ, có anh em, con cháu… Họ sum vầy trong tình yêu thương, trong sự cảm thông, chia sẻ

Chẳng bao lâu, bà đã có thể tự chế tác tay chân giả, giày dép cho bệnh nhân. Và không chỉ bệnh nhân phong tại trại Quả Cảm, bà còn thường xuyên xuôi ngược làm giúp khắp các trại phong trên toàn miền Bắc.

Trước đây, trại Quả Cảm nằm trên một bãi rác xơ xác, tiêu điều. Chỗ ở của bệnh nhân là những gian lán ẩm thấp, xập xệ. Thương người bệnh, bà Xuân lại cất công đi vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp tiền xây dựng nhà cửa. Mỗi năm dựng một cái, có năm hai ba cái, dần dần bãi rác ở trại phong trở thành một khu nhà ở khang trang. Phía trên đồi, bà cho xây thành khu mộ riêng làm nơi nhang khói cho những bệnh nhân xấu số.

Từ người già đến thanh niên, trẻ nhỏ đều gọi đùa bà là “bà mối mát tay” bởi cái “biệt tài” tác thành cho những mối tình “đồng cảnh ngộ”.

Trong trại còn người chưa vợ chưa chồng bà tổ chức giao lưu với trại khác, giúp họ cơ hội tìm kiếm sự đồng cảm. Thấy hai người yêu nhau nhưng còn ngần ngại, bà tìm gặp để khuyên giải, khuyến khích…

Hai vợ chồng Bùi Thị Hòa và Nguyễn Văn Trung được bà Xuân tổ chức đám cưới đầu năm 2006 xúc động kể: “ Mọi việc lớn nhỏ, từ hậu cần nước non đến trang trí phòng cưới cô Xuân chạy đôn chạy đáo lo tất. Người ngoài nhìn vào cứ tưởng cô Xuân đang lo cưới cho con ruột của mình”.

Mới đây, trại Quả Cảm cùng chia vui với hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ Trần Văn Chất – Dương Thị Đoàn. Anh Chất là bệnh nhân của trại phong Sóc Sơn (Hà Nội), còn bà Đoàn ở tại trại Quả Cảm. Tối giao lưu giữa hai trại phong cũng là hôm hai anh chị bén duyên nhau. Vượt lên những mặc cảm bệnh tật, lại được bà Xuân “hậu thuẫn”, hai người quyết định làm đám cưới.

“Đám cưới không tổ chức ở họ nhà trai - nhà gái mà tổ chức ngay ở trại phong “quê vợ”. Những người tham dự hầu hết là người bệnh trong trại ”- Anh Chất vui vẻ nhớ lại.

Sau hôn lễ, đôi nào chưa có nhà, bà Xuân chạy vạy quyên góp tiền xây nhà ngay tại trại phong; đôi nào không có đất, bà thuyết phục lãnh đạo trại phong chia cho một phần đất trên quả đồi của trại để trồng cây ăn quả. Thu nhập mỗi năm từ chăn nuôi trang trại cũng trên dưới 10 triệu đồng.

Hơn 20 đám cưới đã diễn ra tại đây, quá nửa số cặp vợ chồng được ở lại; được trại cấp đất, giúp xây nhà. Họ quây quần sống bên nhau như ruột thịt. Từ rất lâu rồi, người ta không còn nghe thấy tiếng khóc ấm ức, tiếng kêu than âm ỉ vì đau bệnh, thay vào đó là giọng trẻ con ríu rít nô đùa, là những tiếng nói cười hoan hỉ…

Ơn trời có cô Xuân!

Chúng tôi tới thăm nhà cụ Nguyễn Thị Mão khi cụ đang tất bật chuẩn bị cơm chiều. Cụ đon  đả cho chúng tôi xem đôi chân giả, hồ hởi khoe: “Nhờ cô ấy mà tụi tôi đỡ vất vả, đi đứng nhẹ nhõm, thoải mái hơn trước nhiều. Làm việc không còn khó khăn nữa”.

Nói đoạn, cụ chỉ lên tấm trần chống nóng mới lợp, giọng xúc động: “Cũng là nhờ cô Xuân cả đấy bà ạ”.

Gia đình anh chị Dân - Luyến cũng vừa đón tin vui: Cô con gái lớn tên Quyên tốt nghiệp Cao đẳng Kế toán đã tìm được việc làm ổn  định.

Trong câu chuyện với tôi, anh chị luôn miệng nhắc: “Không có bà Xuân động viên giúp đỡ, rồi hỗ trợ tiền học phí hàng tháng, có trong mơ vợ chồng tôi cũng chẳng dám cho con đi học”.

Cả làng phong coi bà Xuân là ân nhân. Ai nấy kể về bà không giấu niềm yêu mến lẫn cảm phục. Riêng bà, chỉ cắt nghĩa thật giản dị: “Bệnh nhân phong cũng có quyền có một cuộc sống hạnh phúc như bao người khác. Mình chỉ gắng sức để giúp họ tìm thấy hạnh phúc mà thôi”. Đưa mắt nhìn xa xăm, bà cười buồn: “Nhìn mọi người vui vẻ, mình cũng đủ lây chút ấm áp”.

Khuôn mặt phúc hậu, nụ cười hiền và cái dáng luôn tất bật, bà hình như không lúc nào cho phép mình được nghỉ ngơi. Khi thì qua lại thăm nom các bệnh nhân, khi thì chuẩn bị cơm trưa cho người nhà bệnh nhân từ xa đến, rồi tranh thủ làm “gia sư” cho lũ trẻ trong làng… Người phụ nữ ấy đã bận rộn hơn hai chục năm nay, và có lẽ suốt cuộc đời này, bà sẽ vẫn luôn tất bật như thế.

MỚI - NÓNG