Có thực mới vực được đạo

VĐV đua thuyền VN thi đấu tại SEA Games 26 (ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: VSI
VĐV đua thuyền VN thi đấu tại SEA Games 26 (ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: VSI
TP - Câu chuyện hai VĐV đội tuyển bơi thuyền Lương Đức Toàn và Nguyễn Phương Đông bỏ trốn ở lại Australia trong chuyến tập huấn của đội đã gây ra một dư vị chát đối với lãnh đạo ngành thể thao.

> Tổng cục TDTT lên tiếng vụ VĐV bỏ trốn ở Australia

Nói cho đúng, thì đây phải là một nỗi đau, khi tuyển thủ quốc gia chấp nhận đánh đổi chiếc áo đội tuyển, danh dự của một VĐV đại diện cho tổ quốc tranh tài ở đấu trường quốc tế lấy một công việc mưu sinh bất hợp pháp bên xứ người, mà nhiều khi chỉ là bán sức, một cu-li đúng nghĩa.

Phương Đông và Đức Toàn là những VĐV trẻ, theo đánh giá, rất có tiềm năng phát triển khi đều từng đoạt huy chương ở SEA Games 26.

Cách đây bốn năm, ba VĐV môn vật Nguyễn Doãn Dũng, Dương Đình Nam và Nguyễn Văn Phong cũng tạo nên một scandal tương tự khi bỏ trốn ở lại Hàn Quốc.

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT từng cho biết, rất lo ngại khi phải cho các đội tuyển tập huấn tại các nước có cộng đồng người Việt đông, như Hàn Quốc, Australia hay các nước châu Âu. Vì VĐV, hở ra là có thể bỏ trốn.

Điểm chung trong câu chuyện của hai đội tuyển đua thuyền và vật kể trên, như được chỉ ra nhiều lần, là chủ yếu xuất phát từ vấn đề kinh tế.

Cho dù lãnh đạo Bộ môn đua thuyền có cho rằng chế độ đối với các VĐV không thấp (lương, thưởng...cùng mức ăn hàng ngày 200.000 đồng/người), thì vẫn không phủ nhận được thực tế, đời sống của VĐV hiện nay rất khó khăn.

Ba VĐV đội tuyển vật khi bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, có người từng kiếm được hàng chục triệu đồng/tháng chỉ từ công việc bốc vác.

Một câu chuyện khác, trong buổi lễ công bố điều lệ sửa đổi mới diễn ra tại Tổng cục TDTT, lãnh đạo Liên đoàn quần vợt VN (VTF) đã phải đứng lên xin lỗi vì không thực hiện được lời hứa đầu nhiệm kỳ, là không cần nhờ đến sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Nhìn rộng ra nhiều bộ môn khác, ngoại trừ bóng đá và bóng chuyền, việc tìm kiếm nguồn tài trợ đều hết sức khó khăn.

Nếu như bóng đá bây giờ có thể ra điều kiện này khác khi đàm phán với các đài truyền hình thì với quần vợt, như thừa nhận của Phó chủ tịch kiêm TTK Nguyễn Quốc Kỳ, vẫn phải nhờ cậy các nhà đài để đưa hình ảnh đến với công chúng.

Thế đã là một sự thiệt thòi. Kể còn phải khen quần vợt, vì trong số kinh phí hoạt động năm 2011, dự tính khoảng ba tỷ đồng, VTF chỉ phải nhờ đến Tổng cục TDTT khoảng trên dưới 300 triệu.

Trở lại với câu chuyện của đội tuyển đua thuyền, có những ý kiến cho rằng, nếu ngành thể thao chú trọng hơn đến việc giáo dục ý thức cho VĐV, đến lòng tự tôn, tự hào của một con người được đại diện cho cả quốc gia, sự việc đáng buồn chưa chắc đã xảy ra.

Do điều kiện đặc thù, không nhiều VĐV được học văn hóa một cách đầy đủ, số ít có bằng đại học. Đieu này đúng, nhưng sẽ là phiến diện nếu không xét tới thực tế đời sống khó khăn của VĐV.

Khi mỗi VĐV bước vào tập luyện còn phải canh cánh nỗi lo mưu sinh, chiếc HCV không đủ nuôi sống gia đình, thật khó đảm bảo những chuyện buồn như trên sẽ không còn tiếp diễn.

Người xưa vẫn bảo có thực mới vực được đạo là vì vậy. Bởi vậy, bên cạnh việc giáo dục ý thức, các VĐV cũng rất cần sự quan tâm đến đời sống vật chất, để không còn cảnh VĐV phải sống dưới gầm khán đài, phải đi nhổ cỏ hay phải gõ cửa kêu khắp nơi, nhờ cậy sự lên tiếng của báo chí mới mong được chữa trị chấn thương, cứu vãn sự nghiệp thi đấu vốn từng đem không ít huy chương về cho tổ quốc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG