Có thể xử lý hình sự, đóng cửa nhà máy Vedan

Có thể xử lý hình sự, đóng cửa nhà máy Vedan
TPO - Sáng nay 17/9, đại diện Bộ TNMT cho biết sẽ áp dụng khung phạt nặng nhất của Việt Nam cho Vedan. Đại diện Cục Cảnh sát Môi trường cũng khẳng định có đủ cơ sở để  khởi tố, đóng cửa nhà máy này vì những vi phạm nghiêm trọng về môi trường.
Có thể xử lý hình sự, đóng cửa nhà máy Vedan ảnh 1
Những bằng chứng thuyết phục của cơ quan công an đưa ra tại buổi họp báo. Ảnh : Mỹ Hằng.

Ngày 17/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng TNTM Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Trần Hồng Hà và Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Môi trường Lương Minh Thảo trực tiếp trả lời các câu hỏi của báo chí xung quanh vấn đề Vedan “bức tử” sông Thị Vải.

Ông Phạm Khôi Nguyên:

Đây là vụ điển hình về môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng. Chúng tôi đã có đầy đủ căn cứ, cơ sở để có thể xử lý, khởi tố. Đây là vi phạm kéo dài nhiều năm. Cty Vedan đã rất ngoan cố, mưu mẹo, có hành vi lừa đảo mà bằng nghiệp vụ bình thường thì không thể bắt được.

Từ năm 2005 tôi đã vào thị sát sông Thị Vải nhiều lần, đã xác định dứt khoát môi trường nhiều khúc sông Thị Vải ô nhiễm là do Vedan gây ra nhưng nghiệp vụ không đủ để xác minh.

Việc xử lý Cty Vedan một cách nghiêm khắc cũng là để răn đe các doanh nghiệp nước ngoài, không thể mang công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, “ăn giá môi trường” của Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam. Chúng tôi sẽ có công văn đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho dừng nhà máy Vedan để kiểm tra toàn bộ hệ thống xả thải, nhà máy sẽ phải tự đề xuất các phương án xử lý.

- Được biết tháng 4 /2008 bộ TMNT đã cấp phép xả nước thải xuống sông Thị Vải cho Cty Vedan. Vậy, trách nhiệm của sở TNMT địa phương trong việc cấp phép này ra sao? Trách nhiệm của Bộ TNMT trong việc này đến đâu?

Ông Trần Hồng Hà: Việc cấp phép xả thải được thực  hiện theo quy định tại Nghị định 149. Trong đó có quy định về các hồ sơ, thủ tục để có thể cấp phép. Căn cứ vào hồ sơ này, Bộ TNMT theo ý kiến của cơ quan trực tiếp giúp cho bộ thực hiện công tác cấp phép là Cục Quản lý Tài nguyên Môi trường nước, đã tuân thủ đúng quy trình, thủ tục như lập hồ sơ báo cáo, thành lập một hội đồng có đại diện của cơ quan quản lý môi trường địa phương.

Dựa trên hồ sơ báo cáo và ý kiến hội đồng, Bộ mới xem xét có cho phép cấp phép xả thải hay không. Tôi khẳng định Bộ làm đúng Nghị định 149.

Có một vấn đề liên quan đến phân tích mẫu nước tại nguồn tiếp nhận của sông Thị Vải. Bộ không thể trực tiếp tham gia việc này được mà cái này thuộc trách nhiệm của sở TNMT địa phương.

Sở phân tích mẫu nước để có thông tin báo cáo với Bộ về tình hình, hiện trạng môi trường tại khu vực đó. Sau khi phân tích, đánh giá, Sở TNMT Đồng Nai đã có công văn gửi Bộ đề nghị cấp phép.

Trong giấy phép do Bộ cấp, Bộ đã quy định rõ tiêu chuẩn nguồn tiếp nhận nước của sông Thị Vải phải đạt loại B - loại nước có thể phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trong thực tế, quy trình cấp phép có thể có vấn đề, nhưng như tôi nói việc phản ánh về chất lượng của nguồn nước tiếp nhận tại sông Thị Vải cũng không đúng thực tế. Nó liên quan đến ý kiến của Sở TNMT đã có công văn gửi Bộ TNMT khẳng định là có thể cấp được…. Sau này chúng tôi sẽ xem xét lại năng lực, trách nhiệm của các bên liên quan. 

Tôi không nói trách nhiệm này thuộc Sở TNMT Đồng Nai. Nếu quy trình cấp phép có gì sai thuộc về quản lý, thuộc về thủ tục thì đương nhiên Bộ - người ký giấy phép- phải chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên đến giờ phút này có thể khẳng định bộ làm đúng quy trình pháp luật.

- Đến nay, đã có thể đưa ra con số về mức độ thiệt hại do Cty Vedan gây ra cho môi trường và kinh tế Việt Nam hay không, thưa ông?

Ông Trần Hồng Hà: Tính một cách đầy đủ thiệt hại do Vedan gây ra là bài toán kinh tế khó. Nhưng có thể dựa trên pháp lý, dựa vào tổng lượng thải và hàm lượng thải, và trách nhiệm đóng phí môi trường của Cty để tìm ra đáp số.

Phí môi trường mà Cty này phải đóng nhỏ hơn rất nhiều so với phí đầu tư để xử lý các vấn đề về môi trường. Tính theo giá của thị trường Việt Nam hiện nay, để xử lý 1m3 nước tốn 5 triệu đồng. Hiện Bộ TNMT đang xây dựng nghị định hướng dẫn về đền bù thiệt hại, tạo cơ sở pháp lý cho vấn đề này.

- Căn cứ vào quy định pháp luật hiện nay, có quan chức nào sẽ phải mất chức trong vụ việc này không?

Ông Lương Minh Thảo: Chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự bao che hay cản trở, dung túng của cán bộ cho vụ việc này.

- Tại sao Cty Vedan xả một lượng thải lớn như vậy xuống sông Thị Vải suốt 10 năm qua mà Bộ TNMT và sở TNMT Đồng Nai không phát hiện ra, trong khi chỉ cần yêu cầu nhà máy mở toàn bộ van của hệ thống xả là đã rõ?

Ông Lương Minh Thảo: Cty Vedan đã vi phạm pháp luật bằng một cách thức tinh xảo, nếu không có nghiệp vụ thì khôgn thể phát hiện được. Năm 2007, tôi đã vào xem hệ thống xả thải của Cty này với tư cách “tham quan” thì thấy hoa mắt, y như một trận đồ bát quái! Có hàng trăm bể chứa lớn với hàng trăm đường ống, chằng chịt mà không có nghiệp vụ thì không thể biết chúng dẫn ra đâu.

Bình thường các đoàn kiểm tra vào xem hệ thống này thì rất khó phát hiện. Ngoài ra, việc thanh tra theo quy định thường phải báo trước một tuần, do đó doanh nghiệp có sự chuẩn bị. Khi thanh tra họ cho khoá hết các van xả ra sông… Cty Vedan đã sử dụng nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt mà phải mất 6 tháng mật phục chúng tôi mới có được đầy đủ chứng cớ.

- Sau vụ việc Cty Vedan, Bộ TNMT sẽ tiếp tục thanh tra những đơn vị nào để ngăn chặn hành vi tương tự?

Ông Phạm Khôi Nguyên: Chúng tôi đã, đang và sẽ tiến hành thanh kiểm tra nhiều doanh nghiệp có vi phạm tương tự Vedan. Hiện nay, trong số 100 khu công nghiệp thì chỉ có 20% đảm bảo yêu cầu về môi trường. Đã có hiện tượng địa phương lo phát triển kinh tế nên gửi thư cho Bộ đề nghị hạ tiêu chuẩn môi trường để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào.

Hiện đã phát hiện hai doanh nghiệp có hành vi tương tự Vedan là doanh nghiệp Giấy Mỹ Xuân và Doanh nghiệp Thuỷ sản Tiến Đạt, có hệ thống xử lý nước thải đấu nối và xả ra sông Thị Vải.

Bộ TNMT đang cho một tập thể nhà khoa học, kinh tế, môi trường… tính toán mức độ gây thiệt hại kinh tế của Vedan.

Mỹ Hằng (ghi)

MỚI - NÓNG