Ngày nay rất nhiều cơ quan của cơ thể con người đã được ghép như gan, tủy, tim, phổi… nhưng ghép thận vẫn là một phẫu thuật đầu tay đối với các bác sĩ chuyên ngành ghép cơ quan.
Hiểu ghép thận để trường sinh theo cách mới
Ngay từ thời xa xưa con người tuy biết sự sống là vô hạn và cuộc sống của mỗi con người lại là hữu hạn nhưng tất cả đều mong muốn mình bất tử. Tuy nhiên, con người chỉ bất tử qua con cái, mỗi con người sinh ra và lớn lên trên Trái đất này đều mang trong mình những tế bào và âm hưởng của những người đi trước. Vậy phải chăng qua việc cho, tặng cơ quan cho những người thân mà đặc biệt là việc cho một trái thận để cứu cha, mẹ, anh em, vợ hay người yêu, mình đã có một con đường mới để thực hiện ước mong bất tử của con người? Nếu mọi người đều nghĩ như vậy thì số bệnh nhân được ghép thận hằng năm sẽ tăng lên rất nhiều và sẽ có nhiều bệnh nhân suy thận mạn được cứu sống.
“Thủ phạm” thường gặp: Cao huyết áp và tiểu đường
Đơn vị chức năng của thận là các nephron. Những nephron này giúp thận làm tốt chức năng lọc các chất độc sinh ra trong quá trình sống của cơ thể và bài tiết ra ngoài dưới hình thức nước tiểu. Một số bệnh làm ảnh hưởng và hủy hoại các đơn vị này. Nếu số đơn vị thận bị hủy hoại dưới 85% sẽ có hiện tượng gia tăng hoạt động để bù trừ và bệnh nhân vẫn chưa có các dấu hiệu của suy thận. Tuy nhiên, nếu số đơn vị thận bị hủy hoại đến trên 85% thì chức năng thận bị suy giảm rõ rệt và bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện lâm sàng của suy thận mạn tính.
Các bệnh hay gây suy thận mạn là viêm cầu thận mạn tính, viêm đài bể thận mạn, hẹp động mạch thận, cao huyết áp, tiểu đường, các bệnh tự miễn, các bệnh làm tắc nghẽn đường tiết niệu như sỏi thận, sỏi niệu quản… Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất ở bệnh nhân Việt Nam là cao huyết áp và bệnh tiểu đường.
Ghép thận của người sống hay người chết?
Hiện nay trên thế giới và ở các nước tiên tiến có hai nguồn lấy thận để ghép. Đó là thận lấy từ người cho thận còn sống, thông thường là từ người thân cùng huyết thống như cha, mẹ, anh, chị, em… Và thận từ những người bị chết mất não: tai nạn, tử tù… Thận ghép từ người sống, cùng huyết thống có những lợi thế hơn hẳn so với thận nhận từ người chết, đó là khả năng sống của thận cao hơn trong những năm đầu, tỉ lệ thành công cao hơn, việc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch cũng đơn giản và ít hơn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tại Mỹ chỉ có 35% số người ghép thận được nhận thận từ người thân còn sống. GS Trần Văn Sáng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Niệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, một người thầy có nhiều kinh nghiệm trong ghép thận, đã cho rằng có thể lấy thận của người yêu, vợ hoặc chồng để ghép cho nhau cũng cho kết quả tốt mặc dù họ không cùng huyết thống. Ở Việt Nam, do chưa có luật lấy cơ quan nên tất cả bệnh nhân ghép thận đều được nhận thận từ người sống.
Nguồn thận cho thứ hai là lấy từ người chết nhưng cần phải có luật cho cơ quan. Phần lớn các nước phát triển trên thế giới đều đã có luật này. Nhưng thật ra số lượng thận ghép lấy từ người chết đủ tiêu chuẩn cũng không nhiều. Ở Mỹ, trung bình bệnh nhân phải mất 3-4 năm chạy thận nhân tạo mới được ghép thận. Càng ngày cung càng ít hơn cầu, gây rất nhiều khó khăn cho ngành y tế và cũng không ít những chuyện rắc rối đã xảy ra.
15% bệnh nhân bị suy thận mạn được ghép thận
Mặc dù có nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh sau khi ghép như việc gia tăng tần số ung thư của bệnh nhân, việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch thường xuyên sẽ làm nảy sinh các rối loạn trong cơ thể, ký ức tế bào của cơ quan người cho mà một số công trình nghiên cứu đã nhắc đến… Nhưng cho đến nay ghép thận vẫn là một phương pháp điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, nhất là những người trẻ tuổi. Nếu tính chung cho toàn thế giới thì tỉ lệ người được ghép thận lên đến 15% tổng số bệnh nhân bị suy thận mạn.