Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đức Thụ:

Có sự nể nang khi thu hồi nhà công vụ

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ trả lời phỏng vấn. Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ trả lời phỏng vấn. Ảnh: Như Ý.
TP - Trao đổi với Tiền Phong về vụ việc liên quan đến ông Trần Văn Truyền và việc một số cán bộ nghỉ hưu “quên” trả nhà công vụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Bùi Đức Thụ cho rằng, phải lập lại kỷ cương trong quản lý nhà công vụ bởi vừa qua một số cán bộ nghỉ hưu chưa gương mẫu trong trả lại nhà, đối tượng chịu trách nhiệm quản lý thì nể nang khi thu hồi.

Ông Thụ nói: Chính sách nhà ở của chúng ta là công khai, bình đẳng theo từng cấp có tiêu chuẩn. Vụ việc ông Trần Văn Truyền đã bộc lộ một số vi phạm về nguyên tắc quản lý đối với nhà ở công. Qua việc này phải làm rõ việc chuyển tài sản công thành tài sản tư không đúng quy định là do pháp luật sơ hở hay do người quản lý? Nếu pháp luật chưa quy định cụ thể thì cần hoàn thiện ngay, còn nếu do người quản lý thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Giao nhà công vụ thì phải có cơ quan quản lý. Kiểm tra phát hiện sai phạm trước hết phải xử lý người sai phạm, đồng thời xử lý trách nhiệm quản lý của người đứng đầu. Trong khuôn khổ xử lý, trước hết về trách nhiệm cá nhân, nếu có vướng do những quy định chưa đầy đủ, chưa kín kẽ thì cơ quan được nhà nước giao quản lý phải có kiến nghị để hoàn thiện cơ chế. Ngoài ra chúng ta đã có những thiết chế để giám sát như kiểm toán nhà nước, hệ thống thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành… Bên cạnh đó, các cơ quan dân cử từ Quốc hội (QH), HĐND cũng có chức năng giám sát mọi hoạt động của nhà nước, trong đó có hoạt động về tài sản công. Như vậy có rất nhiều cơ quan thực hiện giám sát, vấn đề ở chỗ trách nhiệm và phương thức triển khai như thế nào? 

Phải chăng có tâm lý nể nang trong thu hồi nhà công vụ,
thưa ông?

Tôi khẳng định là có sự nể nang. Tuy nhiên, cần phải nói rằng một số cán bộ lãnh đạo về nghỉ hưu chưa gương mẫu, chưa ý thức rõ trách nhiệm của mình nên vẫn còn tình trạng chiếm dụng nhà công vụ. Còn những cán bộ quản lý được giao nhiệm vụ cũng ngại ngần nhất định vì trước đó những người thuê nhà này là lãnh đạo. Tôi cho rằng tình cảm cần trân trọng nhưng pháp luật cần nghiêm minh, tình cảm phải nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định.

Trên bình diện chung, Chính phủ có nên rà soát tổng thể toàn bộ nhà công vụ, tiến hành kiểm toán toàn bộ nhà công vụ để thi hành đúng Luật Nhà ở (sửa đổi) mà QH vừa thông qua không, thưa ông?

Đây là vấn đề nóng, đang bộc lộ nhiều trường hợp chiếm dụng trái phép, sử dụng không đúng quy định nhà công vụ. Trước tình trạng này đương nhiên Chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo để đánh giá thực trạng ở mức độ nào? Kiểm điểm trách nhiệm người được giao, trên cơ sở đó lập lại trật tự kỷ cương đảm bảo mọi tài sản của nhà nước phải được quản lý, sử dụng theo pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước cũng có thể thực hiện kiểm toán chuyên đề để trả lời trước QH những câu hỏi: Có bao nhiêu nhà công vụ, chất lượng như thế nào, quản lý sử dụng ra sao… Phải báo cáo rõ thực trạng của bức tranh quản lý, sử dụng nhà công vụ để kiến nghị cơ chế, chấn chỉnh lại công tác quản lý, sử dụng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG