Cơ quan chức năng vào cuộc vụ voi chi chít vết thương oằn lưng chở khách

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra báo cáo việc voi nhà bị thương vẫn chở khách du lịch gây xôn xao dư luận.

Chiều 9/2, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nắm thông tin về việc voi có nhiều vết thương vẫn chở khách du lịch tham quan được báo chí phản ánh. Đơn vị cũng đã cử cán bộ xuống huyện Lắk và Buôn Đôn làm việc với các chủ voi để nắm bắt tình hình, đồng thời quán triệt, yêu cầu ký cam kết không được dùng bạo lực, hành hạ voi.

Theo ông Phước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hơn 1 năm qua, voi nhà ở Đắk Lắk được thả vào rừng, không phục vụ du lịch. Nay voi bị bắt chở khách nên nhiều con không chịu nghe lời. Nài voi đã dùng roi, móc sắt để điều khiển khiến voi bị thương. Hành động trên đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe của voi và ảnh hưởng đến công tác bảo tồn đàn voi nhà.

“Chúng tôi đang đi kiểm tra, làm việc với các chủ voi và các công ty du lịch có sử dụng voi để quán triệt, yêu cầu cam kết không được dùng bạo lực, hành hạ voi nhà”, ông Phước nói.

Cơ quan chức năng vào cuộc vụ voi chi chít vết thương oằn lưng chở khách ảnh 1

Voi tham gia chở khách tại huyện Lắk

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cũng cử cán bộ xuống 2 địa phương (Lắk và Buôn Đôn) để kiểm tra việc voi bị thương vẫn chở khách du lịch được phản ánh, gây xôn xao dư luận.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, chưa thể cấm chủ voi dùng voi chở khách du lịch bởi voi đang thuộc sở hữu của người dân. Theo quy định, voi chở khách không quá 4 giờ và không quá 15 ngày trong tháng.

UBND tỉnh Đắk Lắk đang hợp tác với Tổ chức Động vật châu Á để chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình này cần lộ trình, kinh phí để triển khai.

Trước đó, ngày 8/2,Tiền Phong đăng bài "Voi bị thương vẫn oằn lưng chở khách, bao giờ chấm dứt du lịch cưỡi voi?", phản ánh việc voi nhà Đắk Lắk bị nhiều vết thương rỉ máu trên đầu, gần vành tai… nhưng vẫn hì hục chở khách tham quan.

Cơ quan chức năng vào cuộc vụ voi chi chít vết thương oằn lưng chở khách ảnh 2

Hình ảnh voi chi chít vết thương trên đầu được nữ du khách ghi lại

Việc voi bị hành hạ này do một nữ du khách tham quan chụp lại hình ảnh kèm cảm nhận đầy ám ảnh như: “Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và "răn" chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới ...”, trích chia sẻ của nữ du khách.

Bài chia sẻ của nữ du khách trên mạng xã hội nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng, phần lớn bày tỏ bức xúc trước việc voi bị đối xử tệ, vắt kiệt sức phục vụ du lịch. Nữ du khách và cộng đồng mạng mong muốn cơ quan chức năng sớm thực thi những thỏa thuận với Tổ chức Động vật châu Á về việc chấm dứt loại hình du lịch cưỡi voi, chuyển sang mô hình du lịch thân thiện để bảo vệ voi trước nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện Đắk Lắk có 37 cá thể voi nhà, đang bị "vô sinh", hầu hết đã qua tuổi sinh sản. Phần lớn cá thể voi nhà đang tham gia chở khách du lịch. Duy nhất Vườn Quốc gia Yok Đôn đang triển khai mô hình du lịch thân thiện với voi. Theo đó, voi được gỡ bành, tháo xích, được thả trong rừng; du khách trải nghiệm theo voi vào rừng, tìm hiểu đặc tính thú vị của voi. Mô hình này thu hút du khách yêu động vật hào hứng trải nghiệm.

MỚI - NÓNG