> Thêm khối thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012
Thí sinh tại kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2011. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Theo tin từ Bộ GD&ĐT, việc đổi mới dài hạn về tuyển sinh đại học, cao đẳng phải đến sau năm 2015 mới có thể có phương án mới.
Từ nay đến lúc đó, Bộ sẽ dự thảo phương án thi cho 3 kỳ thi quan trọng trong mỗi năm học là: Thi học sinh giỏi quốc gia, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Sẽ có danh mục các ngành được tuyển thẳng
Về kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (HSG QG), Bộ đang lấy ý kiến đóng góp cho những đổi mới như sau: Tổ chức thi HSG QG sẽ tổ chức theo mô hình các cuộc thi Olympic quốc tế. Cụ thể, sẽ đưa phần thực hành vào theo đúng mô hình quốc tế nhằm khuyến khích dạy thực hành trong trường phổ thông. Với thi HSG QG môn ngoại ngữ, sẽ đưa thêm phần thi kỹ năng nói.
Một thay đổi quan trọng khác cũng đang được lấy ý kiến: Những học sinh đạt từ giải ba trở lên tại cuộc thi HSG QG sẽ được tuyển thẳng vào ĐH theo chủ trương khuyến khích các ngành đào tạo khoa học cơ bản, các ngành như sư phạm, nông nghiệp…
Khi vấn đề được thảo luận và lấy ý kiến rộng rãi xong sẽ có quyết định cụ thể và kèm theo một danh mục các ngành được tuyển thẳng từ giải ba trở lên tại cuộc thi HSG QG. Nếu thí sinh nào không muốn tuyển thẳng có thể dự thi TS bình thường và chỉ cần đủ điểm sàn là có thể đỗ. Bộ sẽ mở rộng thành phần trong các khâu giới thiệu đề thi, làm đề thi, chấm thi… theo hướng tăng cường tham gia các viện các hội… để tạo ra sự kết nối trong hệ thống.
Thi tốt nghiệp: Các tỉnh tự chấm
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (TN THPT) cũng có nhiều đổi mới theo nguyên tắc tăng cường trách nhiệm của trưởng ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các sở. Phương án tuyển sinh hiện hành là tách rời trách nhiệm các tỉnh thành phố bằng cách sử dụng thanh tra ở tỉnh khác đến, gửi bài thi của học sinh đi địa phương khác để chấm chéo…
Năm nay ngành GD&ĐT chủ trương: Các địa phương chịu trách nhiệm từ khâu tổ chức thi đến khâu chấm thi. Việc tổ chức thi tốt nghiệp dự kiến được thực hiện theo phương thức: Giao cho lãnh đạo các sở và trưởng ban chỉ đạo thi địa phương; tỉnh nào sẽ tổ chức thi và chấm thi tỉnh đó nhưng giáo viên chấm sẽ đổi chéo để đảm bảo giáo viên không được phép chấm bài thi của chính học sinh mình.
Tại điểm thi Đại học Luật Hà Nội, kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Trưng cầu ý kiến về kỳ thi đại học, cao đẳng
Về kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (thi TS), Bộ chủ trương đảm bảo công bằng, nghiêm túc và có cơ chế để tập thể nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát…, Bộ đang giao cho một số trường đại học trọng điểm và hai ĐHQG (Hà Nội và TPHCM) nghiên cứu phương án tuyển sinh cho năm 2012 và đề xuất ý kiến.
Về kỳ thi này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng vừa ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục ĐH năm học 2011-2012. Theo đó, tuyển sinh 2012 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” và sẽ bổ sung thêm một số khối thi, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu kiểm tra năng lực đầu vào của các ngành đào tạo, tạo sự linh hoạt trong xét tuyển của các trường và tăng cơ hội đăng ký dự thi của thí sinh.
Nguồn tin riêng của Tiền Phong tại Bộ GD&ĐT cho hay, sẽ trưng cầu ý kiến về phương án chỉ thi tuyển sinh theo 6 môn và không phân biệt theo các khối A,B,C …
Theo đó, sau khi có kết quả thi, các trường sẽ tùy yêu cầu của chuyên ngành đào tạo mà lựa chọn thí sinh theo điểm thi của một số môn nhất định nào nó. Nguồn tin này cho biết: Cũng sẽ có điểm sàn nhưng điểm sàn theo từng môn. Nếu phương án này là tối ưu và được nhiều ý kiến ủng hộ nhất thì sẽ được chọn thực hiện chính thức vào năm nay.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, tất cả mọi chủ trương mới sẽ được trưng cầu ý kiến rộng rãi trong và ngoài ngành giáo dục và, sau hội nghị tuyển sinh (sẽ diễn ra ngày 14-1-2012) mọi thay đổi mới được chính thức quyết định.