Cổ phiếu NVL sang tay nghìn tỷ sau tin đáng chú ý ở Lâm Đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phiên giao dịch đầu tuần tiếp tục chứng kiến VN-Index đi lên. Tâm điểm của phiên hôm nay (25/7) là giao dịch đột biến tại NVL, với gần 96 triệu cổ phiếu sang tay, giá trị hơn 1.532 tỷ đồng.

VN-Index xác lập mốc cao mới trong năm 2023, ở mức 1.190 điểm. Thanh khoản toàn thị trường xấp xỉ ngưỡng tỷ USD, tăng cao nhờ giá trị giao dịch đột biến tại NVL. Gần 96 triệu cổ phiếu NVL được giao dịch, khối lượng lớn nhất toàn thị trường. Thị giá cổ phiếu tăng kịch trần ngay đầu phiên sáng, và đóng cửa ở mức 16.200 đồng/cổ phiếu. Tạm tính sau 3 phiên tăng gần nhất, cổ phiếu NVL tăng 10,2%.

Cổ phiếu NVL sang tay nghìn tỷ sau tin đáng chú ý ở Lâm Đồng ảnh 1

Giao dịch tại NVL tăng đột biến, khối lượng cao gấp 3 lần phiên cuối tuần trước.

Diễn biến tích cực của NVL xuất hiện sau tin UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất tiếp nhận ý tưởng quy hoạch khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng do Novaland tài trợ.

Trong bối cảnh gía cổ phiếu phục hồi, ngày 14-20/7 vừa qua, công ty chứng khoán tiếp tục bán cầm cố hơn 2 triệu cổ phiếu NVL thuộc sở hữu của NovaGroup. Sau giao dịch trên, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup tại Novaland đã giảm từ 23,3% vốn điều lệ (tương đương 453,8 triệu đơn vị) còn 23,2% vốn điều lệ (tương đương 451,6 triệu cổ phiếu). Vừa qua, NovaGroup đã bán ra gần 83 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong thời gian từ ngày 16/6 - 14/7.

Số lượng bán ra trên tương đương 61% trong tổng số gần 136,4 triệu cổ phiếu NVL mà đơn vị trên đã đăng ký bán ra trước đó. Nguyên nhân không hoàn tất giao dịch mà NovaGroup đưa ra là công ty thay đổi thời gian giao dịch để phù hợp với kế hoạch hỗ trợ cơ cấu nợ của công ty.

Cùng với sự khởi sắc của NVL, nhiều mã khác trong nhóm bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu nhỏ, vừa cũng tăng mạnh. ITA tăng trần, LDG, HPX, TDH, HQC, QCG, CRE... ngập trong sắc xanh. Nhóm xây dựng có EVG, VCG tăng trần, PLC, C4G, HHV, BCC, FCN, HTN cùng tăng giá. Ngược lại, CTD của Coteccons giảm sàn. Diễn biến trái chiều của cổ phiếu các doanh nghiệp đấu thầu thi công sân bay Long Thành càng khiến giới đầu tư bàn tán về khả năng trúng thầu gói thầu 5.10 dự án Sân bay Long Thành của các đơn vị.

Giao dịch tại các cổ phiếu trên không quá lớn, tạo ảnh hưởng đến kể đến thị trường chung. Nhóm dẫn dắt thị trường vẫn do các cổ phiếu “vua” chiếm lĩnh, với một số đại diện ngân hàng như VPB, SHB, VIB. Chỉ số chính chỉ tăng hơn 4 điểm, đóng góp của các trụ cột không quá lớn.

Thị trường cũng ghi nhận sự bứt phá từ những nhóm cổ phiếu nhỏ, có câu chuyện. Cổ phiếu gạo tăng mạnh sau thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo trắng phi basmati từ ngày 20/7 với mục tiêu kìm hãm đà tăng của giá lương thực. Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới (chiếm hơn 40% thương mại gạo thế giới) và cũng là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc). VSF của Tổng công ty Lương thực miền Nam tăng trần 15%. TAR, AGM cũng tăng hết biên độ, PAN tăng sát giá trần 6,5% lên 22.900 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index tăng 4,82 điểm (0,41%) lên 1.190,72 điểm. HNX-Index tăng 1,55 điểm (0,66%) lên 236,53 điểm. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (0,61%) lên 88,69 điểm. Thanh khoản gia tăng, giá trị giao dịch 3 sàn gần 1 tỷ USD. Trong đó, thanh khoản HoSE đạt hơn 20.049 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại vẫn là điểm trừ, bán ròng hơn 333 tỷ đồng, tập trung vào MSB, SSI…

MỚI - NÓNG