Cổ phiếu nhỏ "lên đời"

Cổ phiếu nhỏ "lên đời"
Trong bối cảnh lình xình đi ngang với biên độ khá hẹp của chỉ số giá trên cả hai sàn thời gian qua, nhóm CP có giá trị vốn hóa nhỏ và thị giá thấp (penny-stocks) bất ngờ đón nhận dòng tiền lớn đổ vào và tăng trần liên tục.

Xu hướng tăng giá mạnh của nhóm penny-stocks thường chỉ bắt đầu sau khi những CP đầu tàu - blue-chips - hết đà tăng và báo hiệu giai đoạn cuối của quá trình tăng trưởng.

Tuy nhiên diễn biến hai tuần qua lại cho thấy một xu hướng khác: Trong khi các CP lớn bị áp lực bán quá mạnh thì dòng tiền đầu cơ lại tìm kiếm lợi nhuận ở những CP nhỏ vốn đã tụt dốc không phanh trong một thời gian dài và được mệnh danh là "rẻ như cho".

Để xác định xu hướng này, có thể nhóm các CP có giá trị vốn hóa thấp lại thành một chỉ số chung và so sánh với chỉ số chính, chẳng hạn VN-Index. Một khảo sát sơ bộ đối với 116 CP có giá trị vốn hóa nhỏ nhất sàn HoSE và thấp hơn 300 tỉ đồng cho thấy, trong hai tuần qua, mức tăng giá trung bình của nhóm này tốt hơn mức tăng trưởng chung của thị trường.

Cụ thể, chỉ số được khảo sát cũng chạm đáy ngày 24/2/2009 tương tự với VN-Index. Trong 10 phiên sau đó (tính đến ngày 10/3), nhóm CP nhỏ đã tăng trưởng bình quân 8,98% trong khi VN-Index chỉ tăng 6,96%.

Đặc biệt, nhóm 26 CP có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HoSE - những blue-chips tác động nhiều nhất đến VN-Index - lại chỉ tăng 6,43%. Riêng nhóm 4 chứng chỉ quỹ lại chỉ tăng 1,63% dù đây cũng là những CK có giá rất thấp.

Tuy nhiên đó cũng chỉ là so sánh trên cơ sở chỉ số trung bình. Trong nhóm CP nhỏ cá biệt có những mã có mức sinh lời cao gấp nhiều lần thị trường, chẳng hạn TTP đã tăng 20,13%, SFI tăng 25,22%, BMC tăng 33,33% trong cùng thời gian trên.

Điều đó cho thấy rõ hơn một xu hướng là dòng tiền đang được hướng về những CP có quy mô vốn hóa và thị giá thấp.

Kết thúc ngày 10/3, sàn HoSE có tới 58 CP kịch trần trong tổng số 140 mã tăng giá. 40 mã xuất hiện dư mua trần với tổng khối lượng trên 1,82 triệu đơn vị. Đây là độ rộng lớn nhất của thị trường kể từ đầu năm 2009. Tuy nhiên, VN-Index chỉ tăng 1,62%, trong khi chỉ số của nhóm penny-stocks tăng 2,1% và nhóm blue-chips tăng 1,7%.

Rủi ro nào?

Nguyên nhân khiến dòng tiền đổ vào những CP nhỏ khá đa dạng. Trước hết có thể xuất phát từ việc giá nhiều CP đã xuống bằng hoặc thấp hơn cả mệnh giá. Mặc dù mệnh giá chỉ là một con số quy ước nhưng nó có thể được xem như là một cái mốc tâm lý rất quan trọng.

Mua CP với giá bằng hoặc thấp hơn mệnh giá có thể xem như NĐT góp vốn thành lập DN từ đầu. Mặc dù khả năng tăng giá trong tương lai còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhưng rõ ràng giá quá rẻ giúp CP có cái vẻ "ưa nhìn" hơn, nhất là khi NĐT chỉ cần bỏ ra một số vốn ít cũng có thể sở hữu một khối lượng CP lớn.

Đó là chưa kể đến tâm lý phổ biến là cho rằng khi CP giảm về dưới 10.000đ/CP thì khả năng giảm thêm là rất ít. Chẳng hạn CP có giá 7.000đ/CP sẽ được xem là ít rủi ro hơn CP có giá 50.000đ/CP nếu thị trường xấu hơn.

Thứ hai, một số DN thông báo chia cổ tức khá cao trong khi giá đã giảm rất mạnh khiến tỉ lệ cổ tức so với thị giá trở nên hấp dẫn và cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm. Chẳng hạn CP TAC mới đây đã tăng trần liên tục trước và sau khi có tin chia cổ tức tiền mặt 20%. TAC đã được mua gom rất mạnh quanh mức 14.000-15.000đ/CP.

Thứ ba, không loại trừ khả năng dòng tiền đầu cơ tham gia quá nhiệt tình vào giao dịch của CP, nhất là khi đã phải nằm yên trong thị trường một thời gian quá dài. Trong khi khối lượng lưu hành lẫn thị giá thấp, nguồn tiền tham gia không cần quá lớn cũng có thể tạo sức mua mạnh và làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn cung - nhất là khi giá về gần mệnh giá, NĐT đã chịu lỗ càng không muốn bán ra.

Khi cung cầu mất cân đối thì việc CP tăng giá cả tuần liên tục cũng không có gì khó hiểu. Những phiên vừa qua, nhiều CP xuất hiện tình trạng chặn mua giá trần và giá ATO, ATC rất lớn là biểu hiện của sức mạnh này.

Việc cuốn theo xu hướng mua vào CP nhỏ, nhất là chạy theo những CP đã tăng trần nhiều phiên có thể tiềm ẩn rủi ro đối với những NĐT thiếu kinh nghiệm. Đối với chiến lược mua đầu tư dài hạn hưởng cổ tức, rủi ro sẽ rất lớn nếu DN đó không có chính sách cổ tức ổn định mà chỉ "chia chác" lớn nhờ kết quả lợi nhuận đột biến nhất thời.

Nếu chỉ là mua để nhận cổ tức một lần thì sẽ không mấy ý nghĩa khi mua ở mức giá quá cao (cổ tức tính trên mệnh giá) và giá luôn được điều chỉnh kỹ thuật tại ngày không hưởng quyền.

Với NĐT đang đầu cơ giá lên những CP nhỏ, dù có chia cổ tức hay không thì khả năng thoát ra an toàn phải đặt lên hàng đầu. CP nhỏ thường có mức độ thanh khoản thấp và để đẩy giá cao hơn, bên mua phải thu gom hết lượng bán rải rác trên đường đi, tức là khối lượng tích lũy thường lớn.

Khi quá trình phân phối khối lượng này kết thúc, khả năng thanh khoản của CP sẽ sụt giảm do lượng tiền mua ít đi. NĐT thiếu kinh nghiệm có thể bị mắc kẹt và không thể hiện thực hóa lợi nhuận như kế hoạch.

Theo Nguyễn Hoàng
Lao động

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.