Năm 2015:

Cổ phiếu ngân hàng chạm đáy

Cổ phiếu ngân hàng chạm đáy
TP - Các chuyên gia dự đoán rằng năm 2015 là thời hạn cuối cùng cho giai đoạn 1 của kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng, đặc biệt là trong việc làm sạch những khoản nợ xấu, qua đó rất có thể cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam sẽ chạm đáy vào năm 2015.

Bộ phận phân tích công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa đưa ra bức tranh đánh giá về cổ phiếu ngân hàng. Nhìn về khách quan, bộ phận này đánh giá: Giá dầu giảm cùng lãi suất được duy trì ở mức thấp khiến nhu cầu tiêu dùng tăng, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Cho vay tiêu dùng hiện nay đang là tâm điểm tập trung sự chú ý của nhiều ngân hàng và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tại khu vực này đang ở mức cao.

Những ngân hàng như VCB, BID, ACB, STB và MBB đều có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở mức cao trong năm 2014. Trong đó, tăng trưởng cho vay tiêu dùng của VCB là 38%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của ngân hàng này là 17,8%; còn tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của BID là 36%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân là 13,4% năm 2014.

Doanh thu từ phí dịch vụ của ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động xuất nhập khẩu. Những khoản thu khác từ những khoản nợ xấu vốn đã bị xóa có thể đóng góp thêm vào doanh thu của các ngân hàng khi ngành ngân hàng tăng cường xử lý các khoản nợ xấu trong tình hình thị trường bất động sản (loại tài sản hay được dùng để thế chấp cho các khoản nợ ngân hàng) đang dần được cải thiện.

Mặt khác, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng có thể tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2015 (NIM của ngành ngân hàng đã liên tục giảm từ mức đỉnh vào năm 2011), trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp và sự gia tăng cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng nhằm thu hút thêm khách hàng cùng với xu hướng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Việc xử lý các khoản nợ tồn đọng có thể sẽ vẫn được tiếp tục trong năm 2015 nhưng sẽ có xu hướng giảm dần do lãi suất được duy trì ở mức thấp. Trong năm 2014, lợi nhuận chủ yếu của ngành ngân hàng đến từ việc kinh doanh trái phiếu, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này khó có thể lặp lại trong năm 2015.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất của ngành ngân hàng trong năm 2015 vẫn nằm tại hệ thống nợ xấu và SSI Research cho rằng ngành ngân hàng vẫn cần trích lập dự phòng cho năm 2015. Theo lý thuyết, khi kết thúc giai đoạn 1 của kế hoạch tái cơ cấu ngành ngân hàng thì các ngân hàng phải giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3%, do đó làm gia tăng các khoản dự phòng và thúc đẩy tiến trình mua bán sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng, đặc biệt là trong quý 1/2015.

Báo cáo ngày 30/9/2014 cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng là 3,88%, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự đoán rằng tỷ lệ này thực tế có thể ở mức 5,43%. Trong 3 quý đầu năm 2014, các ngân hàng niêm yết trên thị trường đã xử lý nợ xấu được bình quân khoảng 0,2% tổng dư nợ cho vay (ngoại trừ ngân hàng MBB với 1,25% và ngân hàng BID với 0,82%). Trong ngắn hạn, SSI Research cho rằng thu nhập của ngành ngân hàng sẽ không tăng đáng kể trong năm 2015. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng tích cực giải quyết nợ xấu trong năm 2015 theo những quy định ban hành thì thu nhập của họ trong năm 2016 có thể sẽ được cải thiện.

Ngoài việc bán các khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý Tài dản Việt Nam (VAMC) nhằm giảm bớt tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm 2015 thì ngành ngân hàng vẫn phải sử dụng một phần đáng kể thu nhập của mình nhằm trích lập dự phòng và thanh lý nợ xấu trong năm 2015.

Theo SSI Research
MỚI - NÓNG