Có nên tiêm thuốc để làm đẹp da?

Có nên tiêm thuốc để làm đẹp da?
TP - Để có sức khỏe tốt, đặc biệt đối với phụ nữ để có được làn da tươi tắn mịn màng, vóc dáng khỏe khoắn chắc chắn phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất, bên cạnh chế độ nghỉ ngơi và vận động thích hợp.
Có nên tiêm thuốc để làm đẹp da? ảnh 1

Không thể có làn da đẹp đẽ nếu người phụ nữ hằng ngày không ăn uống để được cung cấp đầy đủ và có tỷ lệ cân bằng 5 chất dinh dưỡng: chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và chất khoáng. Riêng vitamin với vai trò xúc tác các hệ thống enzym, thúc đẩy quá trình chuyển hóa các dưỡng chất khác, đặc biệt chống oxy hóa, ngăn ngừa sự lão hóa (như vitamin C, vitamin E, tiền vitamin A tức bêta-caroten) nên được xem có vai trò sinh học chủ yếu giúp làn da tươi tắn mịn màng.

Tuy nhiên, có không ít người không xem nguồn thực phẩm, đặc biệt các loại rau quả, là nguồn dưỡng chất thiên nhiên dồi dào và an toàn giúp bổ sung vitamin mà chỉ chuộng dùng thuốc. Từ lâu và cho đến nay, nhiều người, kể cả một số nhà điều trị, rất tùy tiện dùng vitamin dạng thuốc tiêm chích để làm trắng da, đẹp da. Thậm chí có người nhờ y tá tiêm thuốc Laroscorbine (tức vitamin C) trộn lẫn với Bépanthène (vitamin B5 hay dexpanthenol) và tiêm tĩnh mạch với lý do duy nhất là làm “đẹp da”!

Gần đây nhất, trên mạng và qua mua bán trao tay, người ta thổi phồng tác dụng làm trắng da “tuyệt vời” của các chế phẩm tiêm chích chứa vitamin C kết hợp với các chất khác như glutathione, acid alpha lipoic (ALA), collagen (như chế phẩm có tên Biome G Alpha, Aqua skin EGF-Whitening …). Glutathione là chất do gan tiết ra có tác dụng chống oxy hóa giúp cơ thể giải độc (ta uống thuốc paracetamol là chất độc đối với gan mà không việc gì là nhờ có glutathione giải độc). ALA là một acid béo có trong cơ thể có nhiệm vụ chuyển hóa đường glucose thành năng lượng và nó cũng là chất chống oxy hóa.

Còn collagen thực chất là protein (tức chất đạm) dạng sợi có ở mô liên kết của các động vật có vú. Riêng ở người, collagen chiếm đến hơn 25% tổng lượng protein có trong cơ thể. Chức năng của nó là kết nối các mô trong cơ thể với nhau. Collagen có nhiều ở lớp hạ bì của da và giúp da vừa căng mịn vừa đàn hồi tốt. Kết hợp vitamin C, glutathione, ALA là các chất chống oxy hóa, người ta nghĩ rằng sẽ dùng vô hiệu hóa các gốc tự do gây hại nhiều thứ, trong đó gốc tự do gây lão hóa da, còn thêm collagen nhằm để làm làn da tươi mịn, săn chắc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng tác dụng của biện pháp làm đẹp này.

Có nên tiêm thuốc để làm đẹp da? ảnh 2

Nếu phân tích kỹ việc dùng vitamin hay dùng các chế phẩm kết hợp tiêm tĩnh mạch như vừa kể, ta thấy chỉ chuốc lấy sự nguy hiểm hơn là đạt một lợi ích nào đó về mặt sức khỏe.

Trước hết, ta cần biết thuốc dùng dạng tiêm chích là một dạng dược phẩm vô trùng dùng để tiêm vào cơ thể. Ngoài một số ưu điểm so với thuốc uống, nó cũng mang nhiều nhược điểm. Phải lưu ý các nhược điểm của dạng thuốc tiêm như sau:

- Tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như ống tiêm, kim tiêm, tiêm truyền thì phải có bộ dây truyền và phải tuyệt đối vô trùng. Nếu không vô trùng thì có nguy cơ bị nhiễm trùng (như áp xe, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan siêu vi B, C).

- Thuốc tiêm, đặc biệt tiêm tĩnh mạch, có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì thật tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính. Thông thường collagen được lấy từ da heo hoặc bò, đặc biệt, nếu lấy từ da bò (từ bò mới sinh) phải thông qua kiểm tra chất lượng rất gắt gao để phòng ngừa bệnh bò điên (BSE: bovine spongiform encephalopathy) lây nhiễm cho người. Nếu collagen không đạt chất lượng mà lại dùng đường tiêm thì rất tai hại.

- Thuốc tiêm dễ gây phản ứng toàn thân (sốc phản vệ) hay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Nên lưu ý vitamin C, ALA, glutathione, collagen khi tiêm đặc biệt là tiêm tĩnh mạch đều có nguy cơ gây sốc phản vệ.

Có nên tiêm thuốc để làm đẹp da? ảnh 3

Cho tới nay, nhà sản xuất Laroscorbine và Bépanthène chưa bao giờ công bố là hai thuốc này trải qua thử nghiệm lâm sàng để chứng tỏ khi trộn lẫn tiêm tĩnh mạch sẽ đưa đến tác dụng “làm đẹp da” hoặc đem đến một lợi ích nào đó về mặt sức khỏe. Laroscorbine có dạng thuốc tiêm tĩnh mạch và được chỉ định dùng khi bị thiếu vitamin C nặng (bệnh Scorbut), dùng điều trị bổ trợ khi bị bệnh nặng như bị nhiễm trùng kéo dài và sốt (khi sốt xuất huyết), bị bệnh đường ruột, cắt dạ dày và chức năng hấp thu bị tổn thương (không thể uống mà phải dùng tiêm chích). Do lo ngại tiêm tĩnh mạch có thể bị tai biến nên một số người chấp nhận chịu đau và tiêm bắp Laroscorbine (bản chất vitamin C là acid nên dễ gây đau xót khi tiêm bắp). Còn Bépanthène cũng có dạng tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch và được chỉ định dùng phối hợp với Biotin (vitamin H) trong điều trị tấn công chứng rụng tóc khu trú hay lan tỏa (chứ không làm đẹp da).

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức
Dược và Mỹ phẩm

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.