Cô nàng viết sách bằng một ngón tay

Tranh: Nguyễn Văn Hổ
Tranh: Nguyễn Văn Hổ
TP - Cô gái bé nhỏ đi giữa nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn bằng chiếc ghế inox để thắp hương trên những nấm mồ vô danh, trong mùa hè Quảng Trị đỏ nắng, được báo chí phản ánh năm nào, giờ đã thành tác giả của những cuốn sách truyền cảm hứng sống nhân văn, thu hút đông đảo độc giả trẻ.

Ca sỹ tí hon Thanh Hằng giới thiệu với tôi về một nhà văn “rất giỏi”. Là một độc giả yêu văn chương Việt và dành không ít thời gian để tìm hiểu về đời sống của nó, nhưng tôi không thể nào “nhận diện” Trần Trà My trong dòng chảy. Chỉ đến khi Thanh Hằng kể sâu hơn, chi tiết hơn tôi mới sực tỉnh: Thì ra là cô gái ấy! Trước đây, tôi đã từng đọc về cô và xúc động với miêu tả cô gái nhỏ lê chiếc ghế inox đi thắp hương trên những nấm mồ vô danh, tại nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ở Quảng Trị trong một ngày tháng 7 nắng như rang. Bây giờ, Trần Trà My đã 32 tuổi, trở thành một người phụ nữ hiện đại với khuôn mặt được điểm trang kỹ càng, cùng những bộ cánh điệu đà, bắt mắt và hơn cả, đó là phong thái tự tin toát ra từ ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ khi cô viết…

Cô nàng viết sách bằng một ngón tay ảnh 1

Trần Trà My trong buổi ra mắt sách gần đây


Độc giả yêu mến Trà My dành cho cô khá nhiều mỹ từ: Nhà văn thiên thần, nhà văn khuyết tật tài năng…. Tôi lại thích gọi My giản dị hơn: Tác giả của những tác phẩm truyền cảm hứng. Bởi không phải ai có vài đầu sách, viết một số truyện ngắn, sáng tác một số bài thơ cũng thành nhà văn, nhà thơ. Nhưng không phải bất kỳ nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp nào cũng có khả năng sinh nở những “đứa con” truyền cảm hứng sống cho độc giả. Trần Trà My đã làm được điều đó, chính vì vậy tác phẩm của cô ngày càng có chỗ đứng trong lòng người đọc, nhất là người đọc trẻ tuổi. Tất nhiên, trong một đời sống có quá nhiều việc phải làm, quá nhiều âu lo, cũng như quá nhiều thú vui, trò giải trí mời gọi, để tác phẩm đến tay nhiều bạn đọc hơn, cũng cần kích thích. Trần Trà My là một người năng động. Cô sử dụng hết công suất kênh bán hàng facebook, những độc giả đọc sách của cô cũng trở thành người quảng cáo sách miễn phí cho cô. Cho nên, ngay trong tháng đầu tiên, đứa con mới chào đời “Tin vào điều tử tế” đã hết veo 3.500 cuốn. Đầu tháng 12 vừa qua, sách đã cán mốc 7.000 cuốn, cô đang rậm rịch tái bản “Tin vào điều tử tế”  lần 3, thêm 3.000 cuốn nữa sẽ  tới tay bạn đọc. Trần Trà My không ngại khi nói rõ kế hoạch bán sách tái bản: “Lần tái bản này sách mình sẽ phát hành 500 cuốn trên khắp các nhà sách lớn. Và giá ở các nhà sách lớn sẽ bán thấp hơn giá của chính tác giả bán. Bởi chính mình sẽ tự tay ký lên tác phẩm. Hy vọng độc giả sẽ hiểu vì sao giá khác nhau và vì sao cuốn sách này lại không giống các cuốn sách trên thị trường kinh doanh sách hiện nay”. Xưa nay, nhà văn Việt Nam hay các ngôi sao giải trí Việt Nam thường miễn phí chữ ký trên tác phẩm của họ. Nhưng đừng tỏ ra khó chịu khi thấy cách làm khác người của Trà My, “thu phí” chữ ký. Bởi mỗi chữ của cô đều thấm mồ hôi, sự nỗ lực theo nghĩa đen của những từ này.

Như những hạt mưa bé nhỏ

Trần Trà My sinh ra  miền gió Lào cát trắng Quảng Trị. Cô bị bệnh từ khi mới 3 tháng tuổi nên đôi chân yếu ớt, mười ngón tay cũng yếu, giao tiếp khó khăn vì chức năng nói bị hạn chế… Nhưng bù lại trời cho cô trí tuệ, nghị lực và trái tim ấm áp. Cô chính là tấm gương về tinh thần tự học, tự rèn luyện mình. Trần Trà My chưa một lần được cắp sách tới trường. Cô làm quen với bảng chữ cái qua những bộ trò chơi xếp hình. Khi My 9 tuổi, em gái cô vào lớp 1. Mỗi lần em gái đi học về cô chạy lại hỏi han, để em gái kể cho cô nghe những chuyện trong lớp học. Em gái ngồi học bài, cô ngồi kế bên. “Tôi bắt chước như một bản năng để sinh tồn”, Trà My từng viết vậy trong nhật ký. Cứ bắt chước như thế rồi cô cũng biết đọc, biết viết, biết làm toán… Và cô bé ấy lớn lên, bất chấp sự nghiệt ngã của hoàn cảnh. Trà My tìm đến văn chương, ban đầu, như một hình thức giải tỏa. Cô trút tâm sự, suy nghĩ, trăn trở của mình lên những trang viết. Đến nay, Trần Trà My đã sở hữu gia tài gồm 4 tác phẩm. Tác phẩm đầu tay “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, năm 2009, NXB Lao động, lần đầu in 1.000 cuốn. Năm 2010,  tái bản 2.000 cuốn. Cũng trong năm 2010, cô lại sinh nở “Chúng ta chính là mùa xuân”. 3 năm sau, năm 2013 cô  ra mắt “Yêu trên từng ngón tay”. Mới đây, Trần Trà My khiến nhiều độc giả trẻ bừng tỉnh bởi “Tin vào điều tử tế”. Ít ai tưởng tượng được, một cô gái như Trần Trà My đã lang thang gần hết dải đất hình chữ S, để tìm chất liệu cho tác phẩm của mình. “Tin vào điều tử tế” không hấp dẫn ở câu chữ, thậm chí vẫn có lỗi chính tả nhưng nhiều độc giả trẻ đã phản hồi rất tích cực cho tác phẩm này.

Tôi băn khoăn không biết nên xếp “Tin vào điều tử tế” vào thể loại nào trong văn học? Đương nhiên không phải truyện ngắn, không phải tiểu thuyết, không phải... Tôi đặt câu hỏi với Trà My. Cô trả lời: “Đó là tập tản văn”. Có người nói tản văn không dành cho những cây bút trẻ, một trong những lí do được đưa ra, họ chưa đến độ tuổi nghiệm ra triết lí cuộc sống. Cho nên, cũng không tránh khỏi, “Tin vào điều tử tế” có những đoạn chưa tới.

 Một độc giả viết: “Sách mỏng. Khổ sách nhỏ. Ước chừng sẽ đọc xong trong 30 phút. Ngạc nhiên thú vị là không phải vậy. Từng phần, từng câu chuyện trong sách đều rất ngắn gọn nhưng mỗi khi đọc xong một đoạn ngắn đó, lại cần nghỉ, không phải vì mệt mà vì không thể dừng nghĩ tiếp từ những câu hỏi, đánh giá, lập luận của tác giả. Cuốn sách tốt là cuốn sách gợi nhiều suy nghĩ”. Thế cũng là quá đủ đối với Trà My. Đích đến của cuốn sách hiện lên  từ đề từ: “Như những hạt mưa bé nhỏ tưới mát những hạt mầm tử tế trong tâm hồn chúng ta”.  Sách được lòng độc giả trẻ cũng một phần nữa vì thiết thực, không nói những gì cao siêu: “Và sự tử tế cũng đơn giản là khi chúng ta dám lên tiếng trước những chuyện tiêu cực trong xã hội, thay vì im lặng với ý nghĩ đó không thuộc trách nhiệm của mình”.

Dám tạo ra những sản phẩm khác biệt

“Tôi đã mất 4 năm cho việc đi, trải nghiệm và sáng tác. Thành ra, tôi đã vắng bóng trên thị trường sách 4 năm qua”, Trần Trà My chia sẻ về quá trình ra đời “Tin vào điều tử tế”. Tôi hỏi cô: “Vậy điều tử tế nhất cô từng tin là gì?”. My đáp: “Với tôi không có cụm từ “từng tin”, mà tôi luôn tin vào những điều tử tế đã đang và sẽ xảy ra trong xã hội này. Nhất là trong kỷ nguyên 4.0, mọi thứ đều rất dễ bị phanh phui nên chúng ta cần phải sống chân thành và tử tế với nhau”. Ít ai biết rằng, “Tin vào điều tử tế” từng bị một nhà xuất bản từ chối mua bản quyền. Theo Trà My lí giải: “Vì họ lo sợ viết thẳng thắn và khô khan vậy sao bán được sách?”. Cô mất gần 2 năm lao đao cho việc tìm nhà xuất bản mua bản quyền, tự nhận đó là một trong những thất bại gần đây của mình. Tuy nhiên, Trần Trà My không quá nặng nề với thất bại, bởi “nó là một phần của cuộc sống”.

Trần Trà My là một người năng động. Cô sử dụng hết công suất kênh bán hàng facebook, những độc giả đọc sách của cô cũng trở thành người quảng cáo sách miễn phí cho cô.

Trần Trà My chú trọng tên tác phẩm. Cô  xem nó như thỏi nam châm hút độc giả ngay từ phút đầu tiên. Tựa sách của cô được đặt theo hướng “khiến người đọc như tìm thấy thứ gì đó bấy lâu nay họ đang kiếm tìm trong cuộc sống hiện đại này”, cô nói. Tất cả những tựa sách đều do tác giả tự đặt: “Nghĩ ra những tựa sách hút độc giả là một thủ thuật trong ngành Marketing”. Cô gái bé nhỏ từng tốt nghiệp khóa giám đốc PR, giám đốc Marketing... Những ngành học này giúp công việc bán sách của cô chạy hơn, bởi “suy cho cùng sách cũng là một sản phẩm và đã là một sản phẩm thì chính tác giả phải am hiểu thị trường, thấu hiểu độc giả và dám tạo ra những sản phẩm khác biệt”.

 Một số người chê văn Trà My không trau chuốt, thậm chí bị khô. Còn cô lại nói đó là thủ thuật của mình: “Tôi viết cực ngắn, mộc mạc như thể tôi đang trò chuyện với độc giả. Ngoài ra, tôi tìm những từ dễ hiểu thay vì như ngày xưa tôi phải cố gồng mình lên để tìm những từ hoa mĩ, cố viết ra những thứ cao siêu”.

Còn vì sao My viết sách bằng một ngón tay? Cô bật mí: “Nó là giải pháp cho tôi gõ nhanh vì 10 ngón tay tôi yếu. Tôi vẫn có thể gõ được 10 ngón nhưng sẽ chậm. Còn nếu tôi gõ bằng ngón trỏ thì tốc độ 500 chữ/h, không tính thời gian suy nghĩ”.

Yêu và được yêu, như bao người

Cũng như bao thiếu nữ trên thế gian này, Trà My khát khao được yêu thương, chăm sóc, khát khao có một bờ vai để dựa vào: “Tôi nhớ có lần vô tình nghe được ba và mẹ ngồi nói chuyện với nhau rằng: người ta khuyên ba mẹ nên đem tôi đi cắt buồng trứng để sau này mẹ tôi không phải lo chuyện kinh nguyệt hằng tháng của tôi và lỡ tôi có bị ai đó quấy rối thì chẳng sợ để lại hậu quả gì. Tim tôi nhói đau khi vô tình nghe điều đó. Tôi biết rằng nếu làm chuyện đó thì sau này nếu tôi lấy chồng sẽ không có khả năng làm mẹ! Và tôi khóc... khóc nguyên một tối”. May thay, ba mẹ cô đã không nghe theo lời khuyên của người ta. Đó là câu chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Còn hiện tại hỏi về chuyện riêng cô từ chối trả lời. Nhưng đọc thơ của cô, ai cũng biết cô đang hạnh phúc: “… Và rồi em nhận ra mình như một chú mèo con sau những tháng ngày đi hoang/Vội chạy về phía anh cuộn mình nũng nịu/Dù có thể chú mèo kia đã thử tìm những người chủ mới/Nhưng sự kiếm tìm khỏa lấp chẳng thể nào tạo ra những hạnh phúc ngọt ngào/Em, chú mèo hoang- cuộn mình bên chủ cũ”.

Cô nàng viết sách bằng một ngón tay ảnh 2 Trần Trà My luôn tự tin
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.