Có một lớp học mang tên Trái tim

Có một lớp học mang tên Trái tim
TPO - Đi qua khu cầu Vượt Ngã Tư Sở, Hà Nội, ít ai biết rằng có một lớp học nhỏ, khiếm tốn nép mình bên sông Tô Lịch, hằng ngày, vang tiếng cười ngây thơ hồn nhiên của bọn trẻ lang thang.
Có một lớp học mang tên Trái tim ảnh 1
Niềm vui trong ngày khai giảng lớp học Trái tim cầu mới

Hơn 6h chiều, cậu bé Hưng hớt hải bán nốt tập vé số, rồi tất tả chạy vội vào lớp học.

Gần chục cái đầu trẻ đang vây quanh cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thùy Trang (sinh viên năm thứ nhất – khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương).

Trang tỉ mỉ dạy chúng tập viết, tập làm tính. Tiếng nô đùa, cười nói râm ran. Những đôi mắt sáng lấp lánh, những gương mặt rạng rỡ…

Khó có thể tưởng tượng được rằng, mới đây thôi – những đứa trẻ kia còn phải quăng mình vào cuộc mưu sinh cực nhọc.

“Mấy em ở đây cực lắm, ngày nào cũng đi làm từ mờ sáng mà cơm chẳng đủ no” - Trang ngậm ngùi.

Những học sinh đặc biệt của lớp học đa phần ở độ tuổi từ 8 -15.  Chúng đến từ mọi miền khác nhau (Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Quảng Nam...) Kinh tế gia đình ở quê quá khó khăn, các em phải xa nhà lên Hà Nội kiếm sống (làm các công việc đánh giầy, bán báo).

Ban ngày thì lang thang khắp phố phường, đêm về trú chân ở những khu nhà trọ tạm bợ dọc bờ sông Tô Lịch. Mỗi đứa một số phận, một mảnh đời bất hạnh.

Cá biệt có những em hoàn cảnh éo le như H.A (12 tuổi, quê Thanh Hóa), mẹ mất sớm, cha bệnh nặng. Em đi bán đĩa dạo, cả ngày chỉ dám ăn tạm ổ bánh mỳ lót dạ. Hai chị em N.Q thì mồ côi từ nhỏ, phải dắt díu nhau đi ăn xin kiếm sống qua ngày

“Phần lớn các em không được cắp sách tới trường. Nhiều em đã 12, 13 tuổi rồi mà viết chữ “a” còn quá khó khăn”. – Phạm Ngọc Nguyên (cựu sinh viên Đại học Xây dựng), Đội trưởng nhóm tình nguyện Cầu Mới nhớ lại.

Nhóm của Nguyên tiền thân là đội tình nguyện Lang thang thuộc CLB Tình nguyện Trẻ. Các thành viên hầu hết đang là sinh viên. Những ngày tham gia khảo sát trẻ ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội (Cầu Vượt, Bờ hồ, sân Mỹ Đình, cầu Long Biên…) cùng các em chuyện trò, vui chơi, tâm sự, họ thêm thấu hiểu và thấm thía những thiệt thòi của trẻ lang thang.

Có một lớp học mang tên Trái tim ảnh 2
Các tình nguyện viên và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn

Dự định xây dựng lớp học cho trẻ khu vực Cầu Mới mà các tình nguyện viên ấp ủ từ lâu càng được tiếp thêm nhiệt huyết. Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 9/2005, một lớp học tình thương tên gọi: Trái tim cầu mới đã ra đời với Slogan thật giản dị Hãy đưa em tới trường. Đó là lời nhắn nhủ của rất nhiều trẻ lang thang khi tâm sự với tụi mình” - Đội phó Trần Huy Quân vui vẻ.

Lớp chỉ rộng chừng 10m2, vừa đủ kê 3 bộ bàn ghế, chiếc bảng và một giá sách nhỏ. Mỗi tháng, nhóm phải trả hơn 400 ngàn tiền thuê phòng.

Tất cả các buổi chiều và tối trong tuần đều có “thầy cô tình nguyện” đứng lớp, thời gian cũng khá linh hoạt. Bất cứ lúc nào trẻ rảnh rỗi, hay khi các em xong việc, đều có thể tới học bài.

Không chỉ dạy trẻ viết chữ, làm tính, các tình nguyện viên còn thiết kế những chương trình đặc biệt, giúp các em từng bước hòa nhập cộng đồng bằng sự tôn trọng, tự tin, chủ động.

Đồng thời, trang bị những kiến thức cơ bản tự chăm sóc bản thân và phòng tránh tệ nạn xã hội cho các em. Định kỳ hàng tháng, lớp tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ.

Mỗi trẻ một độ tuổi, một trình độ, thêm nữa hàng ngày các em phải ngược xuôi lăn lộn mưu sinh. Trong ý thức thường trực của nhiều em, chúng muốn kiếm tiền hơn là đi học. Cho nên, việc duy trì lớp đều đặn hết sức khó khăn.

Có những lúc các em nghỉ học hàng loạt, các tình nguyện viên lại kiên trì cả tháng trời tìm gặp, thuyết phục, chia sẻ… “Khi cần, bọn mình có thể trở thành những giáo viên lưu động, giúp trẻ ôn bài, nhớ lại kiến thức ngay trên đường, ngoài công viên hay bất cứ nơi nào khác…” - Đội trưởng Ngọc Nguyên cho biết.

Chúng tôi đến thăm lớp học khi trời nhá nhem tối. Phố xá lên đèn, nhưng cô giáo trẻ Thùy Trang vẫn hăng say đứng lớp. Trang tâm sự: “Nhiều em bận đi làm kiếm ăn, mấy ngày rồi mới tới lớp được. Nên mình tranh thủ giảng bù, củng cố kiến thức và giải đáp thắc mắc cho tụi nhỏ”.

Đám học sinh bên dưới chăm chú như nuốt từng lời “cô giáo”. Cậu bé Hưng hớt hải vào lớp được ít phút, vừa hí hoáy chép lại bài bạn, vừa nhanh nhảu:

“Học bài xong, chị Trang đọc tiếp chuyện cổ tích hôm trước nhé”. Cả bọn nhao nhao hùa theo tán thưởng.

Cô giáo trẻ cười giòn tan thay lời đồng ý. Nụ cười lấp lánh một cái gì - như là niềm hy vọng cho tương lai sáng hơn của những đứa trẻ nơi đây…

MỚI - NÓNG