Các nhà đầu tư ngần ngại cấp vốn cho những doanh nghiệp có thể phải đối mặt với sự tàn phá hoặc gặp khó khăn để hoạt động do nhân viên phải nghỉ để tham gia chiến đấu hoặc bị thương vong do giao tranh. Ảnh: AA |
Theo nhận định của tờ Wall Street Journal mới đây, khi xung đột với Nga bước sang năm thứ 3, khắp nơi ở Ukraine tràn ngập những mảnh kính vỡ, nhưng nước này không có một nhà máy sản xuất kính nào có thể đáp ứng được nhu cầu sửa chữa lớn như vậy. Thay vào đó, họ phải nhập khẩu kính tấm, bao gồm cả từ đồng minh Belarus của Nga.
Igor Liski, nhà đầu tư Ukraine có cổ phần ở một số công ty, muốn xây dựng một nhà máy thủy tinh gần Kiev với chi phí khoảng 240 triệu USD. Ông đang tìm kiếm các nhà cung cấp thiết bị châu Âu và nói rằng sẵn sàng đầu tư khoảng 80 triệu USD vào dự án, nhưng phải đối mặt với những khó khăn trong việc cấp vốn cho phần còn lại vì các ngân hàng lo lắng về việc cho vay trong thời kỳ bất ổn do xung đột.
Ông Liski nói: “Vấn đề lớn nhất không phải là nhân lực, công nghệ hay vốn chủ sở hữu. Vấn đề lớn nhất là huy động vốn từ các nguồn khác cho dự án”, lưu ý thêm rằng các doanh nhân ở lại Ukraine và tạo việc làm là những người yêu nước nhất.
"Cơn đau đầu" này của ông Liski đang diễn ra ở khắp Ukraine, nơi bên cạnh cuộc giao tranh với Nga, một trận chiến thầm lặng hơn vì sự "sống còn" của nước này đang diễn ra khốc liệt: cuộc chiến của Ukraine để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.
Mặc dù ít được thể hiện hơn so với những nỗ lực tìm nguồn cung cung vũ khí từ phương Tây, nhưng cuộc chiến thầm lặng trên không kém phần quan trọng: Hoạt động kinh doanh tạo ra việc làm, doanh thu từ thuế và nguồn lực để tiếp tục tồn tại.
Thỏa thuận của EU vào đầu tháng 2 vừa qua nhằm hỗ trợ Kiev khoảng 54 tỷ USD tiền tài trợ và khoản vay trong vòng 4 năm để duy trì các hoạt động của nhà nước sẽ bù đắp một phần sự thiếu hụt. Các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu của EU và Ngân hàng Thế giới cũng đang cung cấp các nguồn tài chính được coi là "huyết mạch" của Ukraine.
Nhưng sự hỗ trợ trên vẫn không thể bù đắp hoàn toàn sự thiếu hụt của Kiev, vì xung đột vũ trang rất tốn kém và việc duy trì nền kinh tế trong thời chiến là rất nguy hiểm. Để Ukraine tiếp tục chiến đấu và có hy vọng tái thiết, nước này không chỉ phải chiếm ưu thế trên chiến trường mà còn cần đảm bảo các hoạt động ở các nhà máy và nông trại của mình.
Cựu đại diện đặc biệt của Mỹ về Ukraine Kurt Volker nhận định: “Chiến lược để Ukraine giành ưu thế trong cuộc chiến phải là nền kinh tế Ukraine mạnh hơn nền kinh tế Nga”.
Để làm suy yếu nền kinh tế Nga, Mỹ, EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chưa từng có, nhưng tác động của chúng rất hạn chế trong bối cảnh Nga tiến hành nhiều biện pháp đối phó. Phần còn lại là phương Tây tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Ukraine trong bối cảnh bị các cuộc tấn công từ phía Nga.
Một tòa nhà ở Ukraine bị hư hại do xung đột. Ảnh: AA |
Trong số các mục tiêu lớn nhất mà Nga tấn công là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng mà Ukraine phải chạy đua để sửa chữa, khắc phục với chi phí khổng lồ. DTEK, công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, mùa Đông năm ngoái đã chi khoảng 120 triệu USD cho việc khắc phục các sự cố. Mùa đông năm nay, Nga ít tập trung hơn vào cơ sở hạ tầng năng lượng nên chi phí khôi phục lại thấp hơn và DTEK đang tìm cách mở rộng, tập trung sang lĩnh vực năng lượng xanh.
Giám đốc điều hành của DTEK Maxim Timchenko cho biết công ty có thể giải quyết các vấn đề hậu cần nhưng nguy hiểm khi xây dựng trang trại gió trong thời chiến, tuy nhiên vấn đề tài chính còn khó khăn hơn. Ông nói: “Yếu tố hạn chế nghiêm trọng duy nhất là khả năng tiếp cận vốn".
Timothy Ash, nhà kinh tế tại RBC BlueBay Asset Management ở London, ước tính Ukraine hiện cần khoảng 100 tỷ USD hỗ trợ hàng năm, trong đó khoảng 40 tỷ USD là hỗ trợ ngân sách và 60 tỷ USD là viện trợ quân sự. Chuyên gia này lưu ý, nếu xung đột kết thúc, Ukraine có thể cần 50 tỷ USD mỗi năm để tái thiết trong một thập kỷ.
Ngoài ra còn có rất nhiều trở ngại trong việc hỗ trợ nền kinh tế Ukraine, vốn bị yếu trước khi xung đột nổ ra do hoạt động kém hiệu quả, cơ sở hạ tầng nghèo nàn và vấn đề tham nhũng. Trong giai đoạn xung đột, những cánh đồng nông trại từng là "vựa lương thực" của thế giới giờ trở thành chiến trường. Các cảng từng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine giờ đã bị phá hủy hoặc phong tỏa. Các nhà máy và hầm mỏ từng tạo ra việc làm và cung cấp hàng hóa thiết yếu giờ nằm trong đống đổ nát.
Vì vậy, các nhà đầu tư và người cho vay thường ngần ngại cấp vốn cho những doanh nghiệp có thể phải đối mặt với sự tàn phá hoặc gặp khó khăn để hoạt động do nhân viên phải nghỉ để tham gia chiến đấu hoặc bị thương vong do giao tranh.
Gennadiy Chyzhykov, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Ukraine cho biết: “Chúng tôi không ảo tưởng rằng cuộc chiến này là một cuộc chạy nước rút - đó là một cuộc chạy đua đường dài”.