Có một cộng đồng thức trước bình minh

Năng lượng tích cực từ những người trẻ thích dậy sớm
Năng lượng tích cực từ những người trẻ thích dậy sớm
TP - Nếu trước đây, bạn là một “tín đồ” của thói quen dậy sớm thì cũng “riêng mình mình biết, chuyện mình mình hay”; thế nhưng trong thời dịch bệnh COVID-19, khi mọi người phải ở trong nhà thì thói quen này bỗng được kích hoạt chế độ cộng đồng. Các bạn trẻ từ rủ rê đến thách nhau cùng dậy sớm để chạy bộ, khiêu vũ, đọc sách, nấu ăn… sôi sùng sục trên mạng xã hội.

Trót mê là khó bỏ

Chủ nhật, lúc trời còn tờ mờ, một góc công viên Gia Định (Q.Gò Vấp, TPHCM) đã râm ran tiếng nói cười của nhóm bạn trẻ mang tên 5h30. Sau bài khởi động nhẹ nhàng, mọi người chỉnh lại giày, nhắc nhau đeo khẩu trang rồi cùng chạy bộ. Mục tiêu hôm nay là chinh phục cự ly 10km quanh công viên.

Không có chuyện tính thời gian hay so kè nhanh chậm, tất cả đều nhằm mục đích chung là vui- khỏe. Anh Ngô Công Quang, người thành lập nhóm 5h30 cho biết: “Nhóm được thành lập ngay từ lúc có dịch COVID-19, lúc đó giãn cách xã hội nên mọi người hạn chế ra đường. Để khuyến khích mọi người tập thể thao rèn sức khỏe, tôi lập nhóm 5h30 - tên nhóm chính là thời gian khuyến khích mọi người cùng dậy. Không nhất thiết phải chạy bộ, mỗi thành viên có thể tập bất cứ môn thể thao nào như Yoga, Aerobic, đạp xe… và cùng chia sẻ lên nhóm, rủ rê người khác cùng thử thách với mình”.

Chị Trương Tố Như (công tác tại trường ĐH Kinh tế TPHCM) chia sẻ, rất thích các hoạt động ngoài trời nhưng do bận việc nên thường tập thể dục buổi tối, hoặc tranh thủ vận động mọi lúc có thể ngay nơi làm việc. “Mình “bén duyên” với 5h30 một phần là nhờ… COVID, khi những hoạt động thường nhật bị đảo lộn. Lúc đầu dậy sớm chưa quen nên mình còn cài đồng hồ, nay thì dậy trước cả báo thức. Riết thành quen! Giờ, ngày nào không dậy thể dục là thấy người uể oải, khó chịu lắm” - chị Như bộc bạch.

Theo chị Như, dậy sớm vận động giúp tinh thần chị sảng khoái, ăn uống điều độ, đúng giờ hơn. Chị cũng có thêm nhiều thời gian tĩnh tâm, suy nghĩ hơn về những điều đã làm, những kế hoạch sắp tới. Đặc biệt, chị còn thuyết phục được 2 con gái cùng tham gia thể dục mỗi buổi sáng để rèn luyện sức khỏe.

Trước khi tham gia nhóm 5h30 để thành công, cô gái trẻ Lý Thu Trang (20 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV TPHCM) là “cú đêm”, buổi sáng của Trang thường là lúc mặt trời đã lên ngọn sào. “Mình ở chung ký túc xá với 7 bạn khác, ai cũng thức khuya để học bài hoặc chơi game, tám chuyện đến tận 1-2h sáng rồi mới đi ngủ. Cà phê, trà đặc là “vật bất ly thân”của tụi “cú đêm” chúng mình”. Trong một lần giao lưu của các phòng trong ký túc với nhau, có bạn “rủ rê” chúng mình tham gia nhóm 5h30 để thành công. Nghe ngồ ngộ nên tụi mình tham gia thử, không ngờ có nhiều hoạt động mà mình còn cảm nhận được nhịp sống buổi sáng thật khác biệt, từ đám mây, ngọn gió, ánh nắng cũng lạ. Dậy sớm còn giúp tinh thần sảng khoái, học thuộc bài rất nhanh”- Thu Trang hào hứng kể.

Chỉ cần gõ cụm từ “dậy sớm” trên Google, hàng loạt nhóm khuyến khích dậy sớm được lập ra đều ở chế độ công khai, ai cũng có thể đăng ký làm thành viên. Như nhóm Dậy sớm và đọc sách với hơn 480.000 thành viên, Dậy sớm để thành công tới 621.000 thành viên…5h30 dù mới thành lập cũng có hơn 3.000 thành viên và không ngừng tăng từng ngày. “Tính mình hay nổi nóng, chồng con làm gì không vừa ý là mình làm ầm lên. Từ lúc tham gia cộng đồng thiền và dậy sớm, mình kiểm soát cảm xúc tốt hơn, công việc trôi chảy; gia đình lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Quan trọng là sức khỏe đã cải thiện nhiều theo chiều hướng tích cực” - chị Minh Trang (37 tuổi, nhân viên kinh doanh một công ty bất động sản) chia sẻ.

Lan tỏa điều tích cực

Dậy sớm chạy bộ không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà bạn còn có thể chinh phục đường đua ảo (cuộc đua giả lập) để lấy tiền quyên góp cho các hoạt động xã hội.

Theo anh Trần Ngọc Chính, người sáng lập iRace - nền tảng kết nối tập luyện thể thao mỗi ngày, trong mùa dịch, những cuộc đua giả lập trở thành động lực đáng kể thôi thúc mọi người tập luyện. “Cách thức quen thuộc của cuộc đua ảo là sử dụng thiết bị công nghệ để ghi lại quá trình, thành tích thi đấu, có kèm video, sau đó đối chiếu với những người tham gia khác để xếp hạng. Lợi thế lớn nhất của cuộc đua giả lập là không bị giới hạn về không gian, thời gian. Chẳng hạn sắp tới có một giải chạy bộ ở Hà Nội, nhưng tôi kẹt công việc ở TPHCM và không thể tham dự. Cuộc đua giả lập cho phép tôi tham dự mọi giải đấu ở mọi nơi và bất kỳ lúc nào” - anh Chính cho hay.

Chị Thủy Trúc (ngụ Q.2, TPHCM) cho biết, có đăng ký cuộc thi chạy bộ online của một hãng giày thể thao tổ chức nhằm quyên góp cho chương trình Tết ấm cho người nghèo. Mục tiêu chị Trúc đặt ra là chạy đủ 22 ngày và đạt tối thiểu 200km. Do vậy, dù cùng nhóm bạn thân vi vu du lịch ở Nha Trang nhưng vẫn không quên thực hiện lời hứa. “Vì cam kết này mà đi chơi hay công tác cũng phải 5h sáng thức dậy chạy bộ. Chỉ 4 ngày ở Nha Trang tôi đã chạy dọc bờ biển Trần Phú, chợ Đầm, công viên Yến Phi… khá nhiều lần để được ghi nhận thành tích” - chị Trúc chia sẻ.

Theo tìm hiểu, tùy từng cuộc thi mà ban tổ chức quy định số tiền khác nhau. Trong đó, điểm chung là căn cứ vào số km người đăng ký tham gia hoàn thành được để quy thành tiền. Ví dụ 25.000 đồng cự ly 5 km, 50.000 đồng cự ly 10 km… Càng đăng ký cự ly lớn, số tiền càng nhiều. Hoặc chỉ cần hoàn thành số bước, km ban tổ chức đề ra là có tiền. Đơn vị tổ chức sẽ thay mặt người tham gia đóng góp số tiền ấy vào mục đích ban đầu như ủng hộ miền Trung, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch…

Theo anh Ngô Công Quang, gần như không có khoảng cách hay phân biệt của các nhóm dậy sớm trên cộng đồng mạng, chủ yếu tìm thấy sự thoải mái nhất định giữa bộn bề cuộc sống. Bởi vậy các thành viên đều là người tích cực từ suy nghĩ đến hành động. “Bạn không chạy để giành huy chương, hay sống ảo khoe facebook mà là chạy vì sức khỏe và tham gia ủng hộ cho các chương trình từ thiện, xã hội. Vì thế mỗi người cần tự nhắc nhở, đảm bảo phần tham gia minh bạch, thành thật và trung thực nhất” - anh Ngô Công Quang nhấn mạnh.

Có một cộng đồng thức trước bình minh ảnh 1 Chạy bộ để ủng hộ các chương trình xã hội được nhiều người hưởng ứng

BS Huỳnh Thành Hiển, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM cho rằng, dậy sớm vận động, luyện tập thể dục thể thao rất tốt cho sức khỏe mỗi người như giúp tinh thần thoải mái, cải thiện làn da, tăng năng suất làm việc, khả năng tập trung, nâng chất lượng giấc ngủ… “Hiện, phong trào rủ nhau dậy sớm không chỉ có nhiều bạn trẻ tham gia mà cả người lớn tuổi cũng nhiệt tình hưởng ứng. Thời gian ngủ tốt nhất là lúc 21-22h và dậy lúc 5h-5h30 sẽ cực kỳ lý tưởng với mọi người” – BS Hiển tư vấn.

MỚI - NÓNG