Đó là một trong những nội dung được nhấn mạnh tại hội thảo "Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM" do Công an thành phố phối hợp với Sở Y tế vừa tổ chức.
Theo báo cáo của TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2022, các bệnh viện trên địa bàn thành phố ghi 240 vụ trộm cắp lừa đảo móc túi, 84 vụ việc gây mất an ninh trật tự, 15 trường hợp hành hung nhân viên y tế trong các cơ sở y tế. Có 167 vụ việc được chuyển sang công an địa phương xử lý.
Mất an ninh trật tự trong bệnh viện đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của cả bệnh nhân và nhân viên y tế |
Phó giám đốc Sở Y tế cho rằng, tình trạng an ninh trật tự bất ổn trong bệnh viện và vấn nạn hành hung nhân viên y tế xảy ra là do các bệnh viện công bị quá tải do lượng bệnh quá đông nhưng thiếu nhân lực nên nhân viên y tế không đủ thời gian tương tác, giải thích với người nhà bệnh nhân. Sự bức xúc của người bệnh và thân nhân dẫn đến hành vi thiếu kiềm chế khiến nhiều nhân viên y tế bị hành hung.
Bên cạnh đó, mất an ninh trật tự tại bệnh viện đang xuất phát từ vấn nạn “cò” các loại hình dịch vụ như xe cứu thương, bốc số khám bệnh, dắt bệnh… đang lộng hành. Không chỉ ngang nhiên hoạt động, lực lượng “cò” tại các bệnh viện còn thể hiện sự manh động, đe dọa hành hung cả nhân viên y tế.
BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 cho biết, lực lượng "cò" thường tổ chức hoạt động theo nhóm. Nhóm “cò” xe cứu thương trà trộn, tiếp cận thân nhân người bệnh để phát danh thiếp, tờ rơi nhằm lôi kéo người bệnh và thân nhân sử dụng dịch vụ. Nhiều sự việc chèn ép người bệnh và thân nhân của lực lượng cò đã xảy ra gây mất an ninh trật tự trong khuôn viên bệnh viện nhưng khi bị bảo vệ bệnh viện nhắc nhở các đối tượng thường có hành vi đe dọa, chống đối.
Hình ảnh cắt từ camera vụ việc bác sĩ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định bị người nhà bệnh nhi hành hung |
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, hiện ngoài cò xe cứu thương tại bệnh viện còn có 2 loại “cò” gây mất an ninh trật tự gồm “cò” bốc số thứ tự khám bệnh và “cò” dắt bệnh. Để giải quyết tình trạng trên bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin trong phát số thứ tự khám bệnh và ngăn chặn xe cứu thương hoạt động “chui” vào bệnh viện.
Ngoài tình trạng trên, đại diện nhiều cơ sở y tế còn cảnh báo sự gia tăng của các loại hình tội phạm tín dụng đen trong bệnh viện và trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người bệnh và thân nhân. Thực tế trên cần sự phối hợp của các lực lượng chức năng nhằm đảm bảo an ninh trật tự giúp y bác sĩ an tâm công tác, giúp bệnh nhân và thân nhân an tâm khám chữa bệnh.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, từ năm 2017 đến nay, công an thành phố ghi nhận 314 vụ việc liên quan an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế, trong đó 2 vụ giết người, 6 vụ cố ý gây thương tích, 244 vụ gây rối trật tự công cộng, 13 vụ cò mồi, môi giới dịch vụ khám, chữa bệnh gây rối trật tự công cộng tại bệnh viện; 59 vụ trộm cắp tài sản…
Theo ngành công an TP.HCM, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự; tình trạng quá tải, tập trung đông người tại các bệnh viện, cơ sở y tế tại TP.HCM thời gian qua đã và đang là điều kiện làm nảy sinh những hoạt động phức tạp, gây mất an ninh trật tự như trộm cắp, bắt cóc trẻ em, bảo kê, "cò" khám chữa bệnh, cạnh tranh dịch vụ người nuôi bệnh, xe cứu thương chở bệnh… Trước tình hình các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở khám chữa bệnh đang có chiều hướng gia tăng, Công an thành phố sẽ phối hợp với Sở Y tế thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh.