Chuyện từ cô cháu gái xinh đẹp của đại thi hào Nguyễn Du

Chuyện từ cô cháu gái xinh đẹp của đại thi hào Nguyễn Du
TP - Trong tuần văn hóa nhân kỷ niệm 240 năm sinh của thi hào Nguyễn Du, tại làng Tiên Điền, tôi nhìn thấy một cô gái tóc chấm gót, da trắng, người thon nhỏ, gương mặt xinh xắn trong chiếc áo dài màu hồng.
Chuyện từ cô cháu gái xinh đẹp của đại thi hào Nguyễn Du ảnh 1
Ảnh Huyền tự gửi cho tác giả 

Cô gái gật đầu chào tôi như đã quen biết từ trước. Khi tôi nói tên mình, cô bảo “Em biết. Tiểu thuyết Xuyên Cẩm của anh được tặng thưởng VHNT Nguyễn Du…”.

Anh Đinh Sỹ Hồng, Trưởng ban quản lý khu di tích Nguyễn Du giới thiệu: “Em đây là Nguyễn Thị Vân Huyền, cháu gái đời thứ 8 của cụ Nguyễn”.

“Ra thế” - Tôi bảo Huyền “Mai là ngày thơ Nguyễn Du, em có dự không?”. Huyền gật đầu. Tôi hẹn gặp Huyền để hỏi chuyện, mong có nhiều tư liệu mới cho bài viết số báo Tết của mình.

Trong ngày thơ Nguyễn Du, tôi cũng bận bịu nghe thơ, đọc thơ, rồi theo anh Đinh Sỹ Hồng đi coi những hiện vật tại khu di tích, dâng hương ở nhà thờ cụ Nguyễn, đi viếng mộ Nguyễn Du đến tối mịt.

Thời gian gặp Huyền ít ỏi, nhưng câu chuyện làm tôi nhớ tới bến Giang Đình. “Ngựa xe, sương khói, bến Giang Đình” - đó là câu thơ tôi viết trong bài “Nhớ Vinh”, khi tôi từ chợ Vinh, qua sông Lam, nhìn về bến Giang Đình mờ mịt sương mù của buổi sáng mùa xuân.

Theo chính sử, năm 1771, Nguyễn Nghiễm thôi giữ chức tể tướng về trí sỹ ở quê nhà, Nguyễn Du cũng theo cha về quê.

Ông Đinh Sỹ Hồng kể, như tự mình chứng kiến gia quyến Nguyễn Nghiễm đi trên ba chiếc thuyền Hải Mã, cờ xí rợp trời, dân làng đứng chật bến sông… “ân điển triều đình từ trước tới nay chưa từng có”.

Chính Nguyễn Du đã viết trong “Giang Đình hữu Cảm” với những vinh hoa phú quý của gia đình mình. Vân Huyền, cô cháu gái xinh đẹp của Nguyễn Du cho tôi biết: Tên bến Giang Đình là do thân phụ Nguyễn Du đặt. Sau này, người ta xây lên ở bến một cái đền để những người đỗ đạt khi trở về vinh quy bái tổ dân làng đến bến Giang Đình, đón, chúc mừng và người đỗ đạt vào đền bái tạ thần linh.

“Thời đó, ngựa xe, mũ lọng đi lại như mắc cửi, cảnh trí khác gì Ngọ Kiều nhà đường” - Thái Kim Đỉnh đã dẫn một cuốn sách khi ông viết về làng Tiên Điền quê hương Nguyễn Du.

Tôi đứng rất lâu trong buổi chiều vắng lặng, bến Giang Đình vắng lặng, chỉ có khói sương của mùa xuân bảng lảng bay là là trên mặt nước sông Lam. Một vài con thuyền nhỏ rất xa và chim én đưa thoi chao liệng trên đầu.

Nghe nói, lúc này, ở Đà Nẵng người ta cử những thiện xạ để bắn chim, ở thành phố Hồ Chí Minh thì dùng thuốc độc để giết chim bồ câu. Tôi chỉ lo ai đó bàn cách giết hết chim én trong mùa đại dịch!

Tại bến Giang Đình, Nguyễn Du đã được chứng kiến cảnh vinh hoa phú quý của gia đình mình, nhưng chẳng được bao lâu. Năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nghiễm mất lúc Nguyễn Du mới 11 tuổi.

Hai năm sau (1778), bà Trần Thị Tần lâm bệnh rồi mất ở tuổi 39, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tròn 19 tuổi, Nguyễn Du dự khoa thi hương ở Sơn Nam và đậu Tam Trường.

Ông lấy vợ là bà Đoàn Thị Huệ con gái Đoàn Nguyễn Thục, đỗ tiến sĩ năm Nhâm Thân (1752) vốn quê ở xã Nam Hải, Quỳnh Côi, trấn Sơn Nam (nay là tỉnh Thái Bình).

Chuyện từ cô cháu gái xinh đẹp của đại thi hào Nguyễn Du ảnh 2
Bến Giang Đình.  Ảnh: Nguyễn Đăng Việt

Năm Giáp Thìn (1784) kiêu binh nổi loạn đốt phá tư dinh Nguyễn Khản ở phường Bích Câu. Năm Bính Ngọ (1786) Tây Sơn đánh Thuận Hóa rồi tiến ra Bắc Hà, Trịnh Tông bị bắt và tự tử, kết thúc 216 năm “Vua Lê, Chúa Trịnh”.

Năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung, Lê Chiêu Thống chạy đi cầu viện nhà Thanh.

Nguyễn Du lánh về ở nhờ nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn tại Thái Bình.  Năm Tân Hợi (1791) anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh chống Tây Sơn bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn Tiên Điền cũng bị đốt phá.

Mười năm lưu lạc “ăn nhờ ở đậu” quê vợ là những năm cô đơn cùng cực của Nguyễn Du, đói không cơm ăn, rét không áo mặc. Nguyễn Du gọi quãng thời gian này là “mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần), nếm trải biết bao khổ đau, nên mới 30 tuổi mà tóc đã bạc trắng như ông đã giãi bày trong bài U Cư:

Mười năm trọn quê người nấn ná
Nương quê người tóc đã điểm sương.

Khi Đoàn Nguyễn Thục mất, Nguyễn Du đành cõng người con trai còn lại là Nguyễn Tứ về quê cha đất tổ ở Tiên Điền. Khác với lần trước trở về trong ba con thuyền Hải Mã, cờ xí rợp trời ở bến Giang Đình, “ân điển chưa từng có”… lần này trở lại quê, nhà cửa tan hoang, anh em ly tán khắp nơi, Nguyễn Du đã phải thốt lên “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (Trở về Hồng Lĩnh gia đình không còn, anh em lưu lạc khắp nơi).

Được bà con gia tộc chia cho một mảnh đất ở thôn Thuận Mỹ để làm nhà ở, nhưng vốn sinh ra trong cảnh nhung lụa, đâu biết cuốc cày, Nguyễn Du chẳng biết làm gì ngoài mớ sách vở thánh hiền.

“Đêm nằm nghe gió Bắc thổi qua liếp cửa, tiếng chuột chạy trên đống sách khiến ông càng buồn” (theo tài liệu của Sở VHTT Hà Tĩnh đã dẫn).

Nguyễn Du toan trốn vào Gia Định theo Nguyễn ánh, nhưng bị tướng Tây Sơn là Quận công Nguyễn Thận bắt giam. Nhờ Nguyễn Thận là bạn thân với anh ruột cùng mẹ là Nguyễn Nễ nên Nguyễn Du chỉ bị giam vài tháng rồi được thả. Ông đã than trong bài “My trung mạn hứng” :

Bốn bề gió bụi nghĩ tình nhà 
việc nước mà rơi lệ…

Đâu phải thi sĩ thì “thương vay, khóc mướn”, như người ta thường nói. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, bởi Nguyễn Du đã khóc vì chính thân phận mình, gia đình mình, quê hương mình trong cảnh nước nhà “Bốn bề gió bụi”. Có lẽ vì thế mà hậu duệ của Nguyễn Du sau này ly tán khắp nơi.

Những lần về Tiên Điền gần đây, tôi thường trò chuyện với Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Đậu Văn Côi. Anh vốn là Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, một người có văn hóa và rất trân trọng những giá trị văn hóa của quê nhà. Khi hỏi anh về con cháu cụ Nguyễn, anh nói: Hình như ít người có danh phận trong sử sách!

Tôi đem câu hỏi này hỏi cô cháu gái đời thứ 8 của cụ Nguyễn Du. Nguyễn Thị Vân Huyền cũng không biết con cháu cụ Nguyễn có bao nhiêu người và ở những  đâu trên khắp đất nước Việt Nam. Huyền chỉ nhớ vị tiến sĩ cuối cùng của dòng họ Nguyễn là Nguyễn Mai, mất năm 1954.

Huyền có một ông bác tên là Nguyễn Nuôi, Trưởng khoa Châm cứu của một bệnh viện ở T.Ư, là một người rất giỏi y thuật. Bố của Nguyễn Thị Vân Huyền là ông Nguyễn Ban, cháu đời thứ 7 của Nguyễn Du viết kịch, và nghe nói ông là người đầu tiên ở Việt Nam tìm cách đưa dân ca vào dạy trong trường học.

Chuyện từ cô cháu gái xinh đẹp của đại thi hào Nguyễn Du ảnh 3

Tôi hỏi Vân Huyền có yêu văn chương không? Huyền nói, cô không những yêu văn chương mà còn làm thơ.

Chồng Huyền làm kế toán ở một cơ quan đóng tại Vinh, Huyền vừa sinh cháu được 6 tháng. Tôi rất muốn được đọc thơ Huyền, nhưng cô chỉ cười: “Em chưa đưa cho ai đọc đâu”.

Gia đình Huyền thừa hưởng một gia sản văn hóa lớn lao như vậy, nhưng lại không được thừa hưởng một chút gì về vật chất theo nghĩa đen của từ này.

Truyện Kiều xuất bản bao nhiêu lần, ở bao nhiêu nước trên thế giới, nhưng gia đình Huyền chưa bao giờ được nhận một đồng nhuận bút. “Kể cả sách gia đình em cũng không được tặng chứ đừng nói gì nhuận bút”. Huyền tâm sự.

Huyền vốn học nghề kế toán, nhưng cô vẫn xin về làm việc ở khu quản lý di tích Nguyễn Du. “Lương mấy trăm ngàn, nhưng em rất vui, rất tự hào”. Huyền mong muốn khu di tích có thêm nhiều hiện vật và được quan tâm, đầu tư thích đáng hơn.

Trên 1.000 hiện vật, chủ yếu là các bản Kiều, cổ nhất là bản Kiều được xuất bản năm 1866. “Liễu Văn Đường – Tự Đức thập cửu niên” tôi đọc trên bìa cuốn sách và ngước nhìn bức “Đại tự”” do vua Càn Long tặng sau bữa đại tiệc “Yến thiên Tẩu” với một ngàn người dự nổi tiếng trong sử sách Trung Hoa.

Dòng dõi khoa bảng với hai người làm tể tướng là Nguyễn Nghiễm thân phụ Nguyễn Du và Nguyễn Nể anh ruột Nguyễn Du, trong 5 nhà thơ nổi tiếng thời ấy ở trời Nam có Nguyễn Du và một người cháu là Nguyễn Hành.

Ấy vậy nên, tôi rất muốn biết những đời sau này con cháu cụ Nguyễn danh phận ra sao! Có ai phải thay tên, đổi họ do những thù hận trong cơn binh lửa! Hình như chưa có công trình nào nghiên cứu sâu sắc về đề tài này.

Trở lại chuyện cô cháu gái Nguyễn Du xinh đẹp, lại đang âm thầm làm thơ, tôi đã chụp ảnh Huyền vào buổi tối nhá nhem bên tượng đại thi hào; Huyền điện thoại cho tôi nói là sẽ gửi tấm ảnh đẹp hơn của chính Huyền để tôi đăng báo. Có thế chứ!

Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới được phong tặng cùng với 9 danh nhân trong đó có nhà thơ La Mã (2.000 năm trước Công nguyên) là Ho Ra Xơ và thi hào nước ý (700 năm trước) là Đăng Tơ với tác phẩm “Thần khúc” bất hủ.

Họ Nguyễn sinh thời còn được coi là “Khách đa tình” chẳng phải vì trong sử sách thân phụ Nguyễn Du có 8 đời  vợ và Nguyễn Du cũng nhiều vợ con, mà theo giai thoại, Nguyễn Du rất thích đi hát ví với những người đẹp ở Tiên Điền, Trường Lưu…

Cái tình là cái tình chi
Anh làm tham tri em đã biết rồi
Cõi phù sinh được mấy anh ơi.
Đó là lời o Tuyết, bạn hát cũ của thi sĩ.

Đại thi hào Nguyễn Du có lẽ suốt đời yêu và tôn thờ cái đẹp, chẳng thế mà ông đã đưa nàng Kiều tuyệt thế giai nhân từ lầu xanh vào ngôi đền thờ văn hóa của nhân loại!

Và, tôi bỗng hiểu vì sao cô cháu gái đời thứ 8 của cụ, cứ hỏi tôi ảnh cô tôi chụp có đẹp không? để cô gửi cho bức ảnh đẹp hơn mà đăng báo!

Tiên Điền, Hà Nội 2005

Dương Kỳ Anh

MỚI - NÓNG