Chuyện tình đẹp bên cây chổi chít

Chuyện tình đẹp bên cây chổi chít
Họ là những VĐV khuyết tật trong đội đua xe lăn VN dự Para Games 4, quen và yêu nhau từ những ngày tập tành vất vả trên đường đua.

Rồi họ vượt qua những thử thách gian nan khắc nghiệt nhất trong cuộc sống để trở thành vợ chồng, với công việc mưu sinh chính là làm và bán chổi chít (*)...

Cô gái ấy là Hoàng Hồng Kiên, 28 tuổi, người dân tộc Tày. Không được đến trường nhưng Hồng Kiên tự học, biết làm thơ và từng đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác Người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn 1999. Còn chàng là Phạm Hồng Thức, bị mất hai chân trong một tai nạn giao thông đường sắt. Cả hai đã giành rất nhiều huy chương ở những kỳ tranh tài thể thao dành cho người khuyết tật.

Hoàng Hồng Kiên - hoa trên đất núi

Tuổi thơ của cô gái trẻ ở một tỉnh địa đầu tổ quốc - Lạng Sơn  - buồn và bất hạnh như những vần thơ của cô sáng tác:

Giá đừng có chiến tranh - thì đâu có;

Những mái đầu xanh- phải chịu cảnh tàn phế-đâu có;

Những cuộc tiễn đưa nhiều  nước mắt;

Vợ tiễn chồng; Mẹ tiễn con;

Để rồi từng đêm-từng đêm;

Mẹ ngồi thao thức nhớ thương con;

Ôi chiến tranh!

Chiến tranh đã qua đi;

Nhưng vết thương đau còn đó;

Có biết bao mái đầu xanh  vô tội;

Phải mang trong mình chất độc  màu da cam;

Và trong đó có tôi!

Chuyện tình đẹp bên cây chổi chít ảnh 1

Hồng Thức giúp vợ sửa xe lăn chuẩn bị thi đấu tại Para Games 4 

Mẹ của Hồng Kiên là người dân tộc Tày. Như nhiều cô gái VN khác trong thời chiến tranh, bom đạn đã lấy mất của bà một cánh tay và một chân.

Mãi đến năm 30 tuổi mới có một người đàn ông người Kinh đến với bà. Nhưng buồn thay, sau đó ông cũng vội vã ra đi, để lại cho bà cái thai bốn tháng.

Tưởng đâu cô bé Hồng Kiên ra đời là niềm an ủi duy nhất của người mẹ tật nguyền. Nhưng số phận nghiệt ngã lại một lần nữa không buông tha bà khi đứa con mới chào đời, do ảnh hưởng của chất độc màu da cam, nên đã bị liệt cả hai chân.

Hồng Kiên lớn lên, vẫn sống và tồn tại một cách tự nhiên như bao chồi non của miền sơn cước. Dù chẳng được đến trường nhưng cô bé vẫn đọc được, viết được bằng cách nhờ bạn bè chỉ dẫn và siêng năng đọc sách báo.

Thỉnh thoảng cô lại làm thơ rồi gửi cho các báo, tạp chí như Phụ Nữ Và Gia Đình, Thế Giới Phụ Nữ, An Ninh Thủ Đô... Riêng bài thơ Hồng Kiên đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác Người khuyết tật tỉnh Lạng Sơn 1999, xuất phát từ cảm hứng sau một lần được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn tặng chiếc xe lăn. Ngay sau đó cô đã vội vã ghi lại cảm xúc chân thật của mình.

Với Hồng Kiên, làm thơ chỉ để khuây khỏa nỗi buồn chứ đâu thể nuôi sống bản thân. Và thế là khi đến tuổi trường thành Kiên quyết định rời làng quê Đình Lập, Lạng Sơn tìm về Hà Nội để kiếm sống bằng nghề bán chổi chít. Ngày ngày trên chiếc xe lăn, bóng dáng cô gái tật nguyền với giọng rao lảnh lót đã trở nên quen thuộc với người dân khu vực Hà Đông, Hà Nội.

Chuyện tình đẹp bên cây chổi chít ảnh 2
Hồng Thức và Hồng Kiên hạnh phúc bên nhau - Ảnh: Tuổi trẻ

Năm 2002, có một câu chuyện đặc biệt đã làm thay đổi cuộc đời phiêu bạt của Hồng Kiên khi trong một lần tình cờ đến CLB Khúc Hạo - Hà Nội bán chổi, cô phát hiện tại đây có nhiều người hoàn cảnh giống mình đến tập luyện thể thao.

Và thế là vì tính tò mò cô đã xin vào tập thử. Ban đầu là tập chơi, nhưng dần dần Hồng Kiên bắt đầu mê môn đua xe lăn.

Nhờ tình yêu mãnh liệt dành cho môn thể thao mới và nỗ lực tập luyện hăng say nên Hồng Kiên đã sớm gặt hái thành công. Tại Para Games 2003 ở VN, ngay trong giải đấu đầu tiên tham dự, cô đã mang về cho đoàn VN 1 HCV.

Hai năm sau tại Para Games 2005 diễn ra ở Philippines, Hồng Kiên cũng là một trong những gương mặt vàng của thể thao người khuyết tật VN khi giành đến 4 HCV và 1 HCB. Còn tại giải lần này, cái tên Hoàng Hồng Kiên hứa hẹn sẽ làm nên những kỳ tích bất ngờ...

Những nhà vô địch bán chổi chít

Hồng Thức sinh năm 1975, cầm tinh con mèo nên còn được các VĐV trong đội xe lăn VN gọi vui là "mèo hoang". Có một câu chuyện mà giới xe lăn Hà Nội nhớ mãi không quên về sự tận tụy và lòng đam mê thi đấu của Hồng Thức.

Số là trên đường cùng đoàn Hà Nội vào Huế dự Đại hội người khuyết tật năm 2007, chiếc xe đò chở đoàn bất ngờ bị tai nạn. Hồng Thức và bà xã bị thương nặng nhất. Sau khi đưa Hồng Kiên về Hà Nội chữa trị, Hồng Thức đã nén đau, cắn răng quay trở lại Huế thi đấu. Thật bất ngờ, tại giải đó anh đã xuất sắc đoạt đến 4 HCV.

Hồng Thức tâm sự: "Chiêm nghiệm qua những cột mốc trong cuộc đời, có lẽ với tôi mỗi sự thành công đều bắt nguồn từ đau khổ...". Điều đau khổ nhất trong cuộc đời mà đến nay Thức vẫn còn nhớ như in xảy ra ngày 7-2-1989.

Vào một đêm tối trời, trên đường đến nhà người bạn, anh đã bị xe lửa cán làm đứt lìa đôi chân. Năm ấy Hồng Thức mới 15 tuổi. Tai nạn khiến anh suy sụp hoàn toàn và đã từng nghĩ đến cái chết!

Tuy nhiên, trong một lần xem truyền hình, Hồng Thức thấy có những người đau khổ hơn mình, nhưng nhờ chịu khó học hỏi, họ vẫn thành công. Những câu chuyện vượt qua số phận khắc nghiệt của cuộc sống đã an ủi, động viên và giúp Hồng Thức gượng dậy.

Anh quyết định ở lại với đời, bươn chải, tìm tòi kế sách mưu sinh để tự nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Điều may mắn là Hồng Thức dù tật nguyền nhưng rất khéo tay. Anh có thể làm được bất cứ chuyện gì dù chỉ qua một lần học lóm!

Nhờ khéo tay nên Hồng Thức và Hồng Kiên đã tự sản xuất ra chổi chít để bán. Câu chuyện cây chổi chít là một chương buồn trong cuộc tình của đôi VĐV khuyết tật này. Như bao mối tình trong thể thao, việc Hồng Thức và Hồng Kiên quen và yêu nhau bắt đầu từ những ngày tập tành vất vả trên đường đua xe lăn. Nhưng khắc nghiệt thay tiếng gọi từ trái tim của hai VĐV tật nguyền này đã không được gia đình hai bên chấp thuận.

Theo tiếng gọi của tình yêu, Hồng Thức quyết định ra đi bằng hai bàn tay trắng. Anh đã thuê một phòng trọ ở Hà Đông làm tổ ấm cho gia đình nhỏ của mình. Tình yêu và công việc mưu sinh đối với những người lành lặn vốn đã khó, đối với hai con người tật nguyền lại càng gian nan hơn.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, Hồng Thức quyết định bắt tay vào việc làm chổi chít để vợ đi bán, không phải mua đi bán lại kiếm lời như thời gian trước đó. Từ một người không biết gì về kỹ thuật bó, xếp chổi... nhưng nhờ óc quan sát nhanh nhạy cộng với sự khéo tay nên những cây chổi chít được Hồng Thức làm ra rất đẹp.

Hiện nay với thu nhập từ việc làm chổi cộng với mức phụ cấp tiền công tập luyện từ Sở TDTT Hà Nội, sau khi trả tiền thuê nhà, chi phí ăn uống... mỗi tháng cả hai vợ chồng son này dành dụm được trên dưới 1 triệu đồng. Ước muốn hiện tại của họ là sẽ giành thật nhiều huy chương tại Para Games 4 với hi vọng có thêm tiền thưởng, rồi mới nghĩ đến việc sinh con.

Theo Trung Dân
Tuổi trẻ

(*) Chổi chít được làm bằng vật liệu lấy từ cây chít, loại cây có rất nhiều ở những tỉnh vùng núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình...

MỚI - NÓNG