Chuyện tình cô sơn nữ lặng câm

Chuyện tình cô sơn nữ lặng câm
TP - Tên cô là Mây, Triệu Hải Mây. Mẹ cô, một người đàn bà dân tộc thiểu số ở vùng cao khi sinh con đã ước mơ, cuộc đời của con mình sẽ nhẹ nhàng, bình yên như áng mây trắng. Song chẳng may đứa con chị gieo nhiều hi vọng lại mang khuyết tật câm điếc bẩm sinh. Nhưng không có gì ngăn cản nổi giấc mơ được sống như người bình thường của một sơn nữ không được học hành đầy đủ.

 tuổi 25, Triệu Hải Mây đã dệt nên câu chuyện cổ tích khiến những người khuyết tật khác tự tin hơn trên hành trang vào đời: Một người chồng khỏe mạnh, là kỹ sư nông nghiệp ngay tại nơi cô đang sống; Một cậu con trai kháu khỉnh. Câu chuyện đẹp như mơ được dệt bằng sự nỗ lực, khát vọng sống không ngừng của cô, cũng như tình yêu không đo đếm của những người thân sống bên cô.

Người mẹ vĩ đại

“Làm sao một chàng trai sáng sủa, học đại học lại yêu đứa con gái câm điếc của mình?”.

Mẹ Triệu Hải Mây 

xót xa thương con.

Sinh ra ở huyện Bảo Lạc, một huyện heo hút nhất của tỉnh Cao Bằng, nơi trập trùng núi đá, đèo cao khiến những đứa trẻ mơ giấc mơ “hái” được râu ông trời, Triệu Hải Mây lớn lên như cây rừng,  không có điều kiện học tập. Người thầy của cô chính là mẹ.  

Mẹ của Mây kể rằng: “Hồi mang bầu Mây chưa có siêu âm như bây giờ, nên tôi không biết đứa con mình sắp sinh sẽ ra sao. Khi cháu mới chào đời, tôi và gia đình chưa biết ngay về hiện trạng của cháu. Đến ngày làm đầy tháng,  ở quê có lệ đốt pháo ăn mừng, con bé không giật mình, tôi cũng chỉ thắc mắc thoáng qua: Pháo nổ ầm ầm mà sao nó không giật mình? Tài thật. Rồi Mây lớn lên, biết bò, biết ngồi nhưng gọi vẫn không quay lại, con cũng không nói được “măm măm” như những đứa trẻ bình thường khác.

Tôi đi qua cửa trước vòng ra cửa sau vỗ tay gọi con, chỉ thấy bé ngồi im lặng. Lúc này tôi đoán ra, Mây không bình thường. Mang con đi khám thì được bác sỹ cho biết: Mây bị câm điếc bẩm sinh”.Tôi hỏi mẹ của Mây: “Chị có sốc không, khi bác sỹ “tuyên án” như vậy?”. Chị cười nhẹ: “Không đâu. Vì nỗi buồn ấy đã ngấm âm ỉ từ lúc con tôi mới biết lẫy, biết bò.  Tôi nghiệm dần, gặm nhấm từ từ song vẫn nuôi hi vọng, biết đâu lớn dần bé lại thay đổi, sẽ biết nói như người ta. Và tôi cứ chờ đợi, chờ đợi…”.

Chuyện tình cô sơn nữ lặng câm ảnh 1 Tranh của Nguyễn Văn Hổ.
Theo tài liệu thống kê năm 2014, Việt Nam là một nước có lượng người khuyết tật không nhỏ, với khoảng 6,7 triệu người, trong đó có 3,6 triệu người là nữ, khoảng 1,2 triệu người là trẻ em. Tháng 6/2010, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2011. Ngay cả khi Luật Người khuyết tật đã thông qua và có hiệu lực vẫn dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống bình thường, người khuyết tật Việt Nam còn gặp rất nhiều rào cản. 

Triệu Hải Mây sinh năm 1991, sinh trước luật cả chục năm, lại ở  một huyện vùng cao trình độ dân trí cũng như điều kiện sống còn hết sức hạn chế, cô chỉ có điểm tựa duy nhất là mẹ. Người đàn bà này đã bước qua sợ hãi, bước qua ánh mắt tò mò lẫn coi thường của dư luận, để kiên nhẫn nuôi con. Chị không dùng cách dạy con thông thường trong dân gian: “Thương cho roi cho vọt” mà chủ yếu truyền tải thông điệp với con bằng ánh mắt, bằng cử chỉ. Người mẹ trẻ tìm hiểu rồi học cách diễn đạt điệu bộ của người câm để có thể làm bạn với con. Đến năm Mây 10 tuổi, chị gom góp được một khoản tiền nhỏ, đưa con vượt qua đèo, qua núi, về thủ đô tới châm cứu ở bác sỹ Tài Thu nức danh. 

Tại đây, chị thấy có những số phận còn kém may mắn hơn đứa con gái bé nhỏ của chị. Thông qua những người đồng cảnh, chị biết ở Việt Trì, Phú Thọ có một trường câm điếc chất lượng. Với nỗ lực hết mình, chị cũng cạy cục xin được cho Mây đi học xa nhà: “Con bé thông minh lắm. Nó được chọn đi thi viết chữ đẹp, được giải nhất, đi thi ký hiệu tay, nó vẽ giống hệt luôn. Nhưng Mây chỉ được học đến năm lớp 3, do kinh phí tài trợ eo hẹp, nhà trường không nhận con em ngoại tỉnh”. Thế là, Mây lại về với núi rừng, sau ba năm học ở Việt Trì.

Chữa tái mù bằng… điện thoại

Không tiếp tục được đi học, Mây  trở nên buồn chán, thơ thẩn. Người mẹ thương con lại thêm lo lắng: Cứ thế này nó sinh bệnh tinh thần. Chị “đuổi” con sang nhà hàng xóm chơi. Nhà hàng xóm lại có ba cô con gái, lớn hơn Mây vài tuổi. Mây chơi với họ, nhìn họ nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Về nhà, Mây cũng học theo, cũng tập nấu nướng, chẳng bao lâu cô đã có thể thay mẹ quán xuyến việc cơm nước. 

Tuy nhiên một nguy cơ đặt ra: Cô đang tái mù chữ . Đúng lúc ấy, điện thoại di động xuất hiện ở huyện nghèo vùng cao. Những đứa trẻ con nhà hàng xóm giờ đã là thiếu nữ, họ dùng điện thoại như vật bất li thân và tặng cho Mây chiếc điện thoại cũ kỹ không dùng nữa. Về nhà, Mây tò mò nhắn tin cho tất cả những người mình quen. 

Dùng điện thoại của mình chưa đủ, cô mượn luôn điện thoại của bố, mẹ chỉ để gửi tin nhắn đi khắp nơi, với câu hỏi ngô nghê: “Chưa ăn cơm ?”, chỉ có mẹ cô, người đã lớn lên cùng cô, mới có thể “dịch” được. Mẹ cô chỉ cho cô, phải đẩy chữ này lên trước, chữ kia xuống sau, thành câu: “Ăn cơm chưa?”, người nhận tin mới hiểu. Rồi mẹ lại chỉ cho cô viết phải có dấu, có chủ ngữ… Mây chăm chỉ rèn luyện hằng ngày.  Dần dần, Mây nhắn tin, có người nhắn lại.  Cô đã thoát nguy cơ tái mù chữ. 

Chuyện tình cô sơn nữ lặng câm ảnh 2 Mây tự tin không hề mặc cảm.

Không phải lúc nào mẹ cũng theo Mây, mẹ là một viên chức bình thường, bận đi làm. Ở nhà, ngoài việc nấu nướng, dọn dẹp, Mây còn tự học những kỹ năng khác khiến mẹ cô ngỡ ngàng. Từ ngày sinh Mây, mẹ Mây đau yếu triền miên, không thể đi xe máy vì hoa mắt, chóng mặt. Một hôm chị bước ra chợ mua đồ, bỗng thấy còi xe máy inh ỏi, chiếc xe máy đỗ lại, chị không tin nổi mắt mình, khi người điều khiển chiếc xe máy là Mây. 

Khi đó Mây 19 tuổi, cô bảo mẹ ngồi lên xe máy, cô chở mẹ đi chợ. Người mẹ tuy hoang mang không biết “trình độ” lái xe của con gái đến đâu nhưng cũng ngồi lên để con chở. Mây kể với mẹ: Để biết lái xe máy, cô đã phải trông con cho một chị, đổi lại chị dạy cô biết đi xe.

Rồi Mây học cách làm đẹp của con gái, dù điều kiện không dư dả, mẹ cũng mua cho Mây thỏi son, hộp phấn, để Mây xinh đẹp hơn trong những dịp lễ, tết. Mây luôn cố gắng thoát khỏi mặc cảm tự ti, tích cực giao lưu cùng bạn bè, bắt đầu  nỗ lực học nói, hạn chế dùng tay biểu đạt ý nghĩ. Cô học phát âm từng tiếng một, học đi học lại, khó khăn như kẻ đãi cát tìm vàng, nhiều khi cũng muốn đầu hàng.

Yêu “người biết nói”

Ngày đầu Mây chơi facebook, mẹ Mây không khỏi hồi hộp. Chị cứ len lén vào xem “phây” của con, của bạn bè con. Chị lo thế giới bề bộn, đứa con gái khuyết tật của mình bị lừa nhưng  chị không ngăn  con dừng chơi “phây”. Rồi một ngày, chị phát hiện ra Mây có tình cảm với một chàng trai tên Lủ họ Triệu. 

Càng lo lắng, khi chị đọc phần giới thiệu về chàng trai dân tộc Dao: Đang học Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên. “Làm sao một chàng trai sáng sủa, học đại học lại yêu đứa con gái câm điếc của mình?”, người mẹ xót xa thương con. Cố gắng bình tĩnh, chị gọi con đến, nói với con rằng: “Mây ơi Mây, không được yêu người biết nói đâu. Họ không yêu mình đâu”. Mây lắc đầu rồi Mây chạy đi, Mây khóc. Và lần đầu tiên trong cuộc đời Mây không nghe lời mẹ. Mây yêu người biết nói.

Chuyện tình cô sơn nữ lặng câm ảnh 3 Triệu Hải Mây hạnh phúc bên chồng.
Mồng 2 tết năm ấy, giữa cái rét căm căm của vùng núi cao, Mây đưa mẹ điện thoại có dòng chữ : Người yêu của Mây sắp đến. Mẹ Mây bủn rủn như sét đánh ngang tai. Rồi người yêu của Mây đến thật. Mẹ Mây quan sát cách chàng trai ứng xử với Mây, bỗng vui vui: Vì hình như “nó” cũng thích con gái mình. Mây tiễn người yêu ra về, quấn quít, bịn rịn. Mẹ vẫn nhòm theo. Sau đó, chị đã làm một việc đáng ra không nên làm với những đứa con trưởng thành bình thường, theo dõi tin nhắn trên điện thoại của con. 

Một lần, chị đọc được tin: “Anh ốm rồi, Mây ơi”. Đọc các tin nhắn trước đó, chị mới hiểu: “Anh” của Mây về xã nhà thực tập, mỗi lần nhắn tin cho Mây, “anh” phải trèo đồi cách nhà 2 cây số, phải lên cao điện thoại mới có sóng, mới nhắn tin được cho Mây. Tấm lòng của chàng trai người Dao đã dần dần thay đổi nhận thức của người mẹ có con khuyết tật. 

Chị đã đồng ý với Mây: Người câm điếc có thể yêu người biết nói. Thế là, chàng trai tốt nghiệp đại học, ra trường, có công việc ổn định, đã đưa bố mẹ sang hỏi cưới Mây. Một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, nhiều người mừng cho Mây, đã lấy được chồng biết nói, lại còn có học và còn trùng họ nữa: Triệu Mây- Triệu Lủ. 

 

Chồng là “anh hùng”

Mây bảo: Chồng là anh hùng. Đi đâu anh cũng đưa Mây đi theo, không hề xấu hổ. Đồng nghiệp cùng cơ quan tổ chức sinh nhật cho chồng, Mây cũng được dự. Hai người uống rượu vui lâng lâng. Chồng Mây tâm sự: “Biết Mây khuyết tật nên càng yêu thương Mây hơn và quyết tâm lấy Mây, để bù đắp cho Mây thiệt thòi”. Bình thường Mây cũng phụ giúp mẹ bán hàng, làm mấy món hàng thủ công, để có thêm thu nhập, cùng chồng san sẻ gánh nặng kinh tế. Hỏi Mây bí quyết để níu chân được một anh chồng có học hành lại đẹp trai, Mây nhắn tin trả lời: Mây chăm chỉ nấu ăn, dành phần ngon cho chồng và thương chồng lắm.

Trải qua thời kỳ khó khăn, mới rồi Mây đã sinh con ở tuổi 25. Cô học làm vợ, cần mẫn, chăm chỉ, song song với học nói, học viết. Ban đầu, Mây chỉ biết gọi con là “em bé”, sau mới biết gọi “con ơi” bằng tiếng Kinh. Mây cũng biết hát cho con nghe một vài câu tiếng Kinh, có thể nói những câu tiếng Kinh rất ngắn với chồng. Ở một huyện vùng cao heo hút, mọi người thường nói tiếng dân tộc mình, Mây nghe và hiểu tiếng dân tộc mình cùng một số dân tộc anh em khác…

MỚI - NÓNG