Chuyện “thần kỳ” ở vùng cát bỏng

Các dây chuyền sản xuất, lắp ráp của nhà máy góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương.
Các dây chuyền sản xuất, lắp ráp của nhà máy góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn người dân địa phương.
TP - Từ Tam Nghĩa, chạy ra Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh, rồi về Cửa Đại phía Duy Xuyên là mênh mông cát trắng. Tam Nghĩa, Tam Hiệp (Núi Thành) từng được mệnh danh là thủ phủ cát, nơi gà phải “đi dép” chống cái nóng như rang may ra mới sống được! Thế rồi hàng chục ngàn con người từ khắp nơi đổ về chọn nơi đây để lập nghiệp, gắn bó tình yêu và cho ra đời những thế hệ mang tên “công dân Chu Lai”.

13 năm kể từ ngày Khu phức hợp sản xuất của Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) được xây dựng và phát triển, miền cát trắng Núi Thành (Quảng Nam) dần đổi thay. Ký ức về miền cát trắng nóng bỏng, khô cằn đã lùi xa.

Nơi gặp gỡ tình yêu

Khu phức hợp của Thaco bắt đầu một ngày mới bằng nhịp làm việc hối hả khẩn trương và kỷ luật. Hàng ngàn công nhân nghiêm ngắn, chuyên nghiệp thành từng hàng dài tiến về nhà máy. Kỷ luật là một yêu cầu gắt gao đối với công nhân kỹ sư khi vào làm việc nơi đây. Yêu cầu đó phải được tuân thủ ngay từ việc đi lại. Camera ghi lại những trường hợp vi phạm lập tức bị xử phạt, nặng sẽ bị đuổi việc. Trật tự, kỷ cương là điều mà nhiều công nhân được rèn khi vào nhà máy.

Ông Nguyễn Văn Kim Lân, Giám đốc hành chính nhân sự, kiêm chủ tịch Công đoàn của Thaco giới thiệu về nhân sự của nhà máy ngắn gọn: Hiện nhà máy có 8.700 lao động, 85% trong đó là dân địa phương, còn lại các tỉnh lân cận. Con số 327 cặp vợ chồng cưới nhau, cùng lập nghiệp, cùng đổi sức lấy cơm áo mà ông Lân nhắc đến khiến chúng tôi ấn tượng. Bởi không phải lẽ thường mà họ chọn nơi đây để lập nghiệp, gắn thân và cho ra đời những thế hệ mang tên “công dân Chu Lai”.

Ông Lân bảo: Hằng tháng vẫn đều đặn đi dự đám cưới của công nhân và được mời lên phát biểu. Đó là niềm vui không chỉ cá nhân ông mà là niềm vui chung của cả công ty, nhà máy. Rồi chuyện một gia đình hai, ba thế hệ gắn bó cùng công ty ông thuộc làu. “Đa phần công nhân của nhà máy là con em ở Quảng Nam. Không ai khác, chính những công nhân hằng ngày miệt mài trong những công xưởng góp sức để ngành công nghiệp ô tô có một Thaco như ngày hôm nay”, ông Lân đúc kết.

Cặp đôi Nguyễn  Phúc Trọng (chuyền trưởng chuyền sản xuất dây điện) - Nguyễn Thị Phương (chuyền may) là một trong số cặp đôi cưới nhau tại nhà máy. Cả 2 quê ở Nam Đàn (Nghệ An). Hơn 6 năm trước, Trọng về nhà máy và gắn bó từ đó đến nay. Trọng kể rằng: Bố mẹ làm nông. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tốt nghiệp đại học nhưng mãi không xin được việc. Năm 2010, được bạn bè giới thiệu, Trọng nộp hồ sơ vào nhà máy.

 Nhà máy nhận và đào tạo tay nghề chuyên môn. Từ một cử nhân, Trọng trở thành công nhân lành nghề của chuyền sản xuất dây điện. Với thu nhập ổn định, mấy năm sau đó, Trọng quyết định về quê dẫn người bạn đời của mình vào Quảng Nam lập nghiệp. Phương (vợ Trọng) giờ là công nhân của chuyền may (nhà máy ghế) ngay cạnh đó. Với thu nhập của cả hai ngót 12 triệu đồng/tháng, cặp đôi này đã tích góp, mua đất, chuẩn bị xây nhà ngay khu tái định cư Tam Hiệp. Đó là điều mơ ước của biết bao người tha hương lập nghiệp.

“Gia đình mới có em bé, hai vợ chồng gọi tên thường ngày của cháu là Thaco để nhắc nhớ về nơi mà bố mẹ cháu đã khởi nghiệp và gắn bó”, Trọng cười nói.

Chị Lê Thị Nghĩa (quê Thanh Chương, Nghệ An) về với Thaco theo con đường khác. Chị chấm dứt làm công nhân may tại TPHCM để theo chồng về Tam Hiệp. Chị làm việc tại chuyền lắp ráp hoàn thiện xe du lịch. Chồng chị, anh Trương Công Phú nay cũng là công nhân làm ở xưởng cơ điện. Thu nhập ổn định, nay hai vợ chồng đã có cơ ngơi khang trang ngay gần khu công nghiệp.

Chuyện “thần kỳ” ở vùng cát bỏng ảnh 1

Các nữ công nhân có cuộc sống ổn định hơn khi được làm việc ngay trên mảnh đất quê hương.

Chị Nghĩa kể, quãng thời gian ở TPHCM là chuỗi ngày vất vả. Lương ba cọc ba đồng, không đủ trang trải cuộc sống. Nhà máy Thaco tuyển người, cả hai quyết định về quê lập nghiệp và nên nghĩa vợ chồng sau khi đã là công nhân nhà máy. Chuyền của chị có đến 150 nữ, đảm nhiệm những công việc tỉ mỉ, khéo léo. Người thu nhập thấp nhất là 4,5 triệu đồng/tháng, cao hơn chục triệu/tháng.

“Ở đây công nhân Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định đều có hết. Ngoài lương cao, ổn định, công nhân được công ty hỗ trợ giúp đỡ từ chỗ ở đến đi lại nên anh em xa quê cũng đỡ được phần nào”, chị Nghĩa cho hay.

Từ Tam Nghĩa, chạy ra Tam Hiệp, Tam Hòa, Tam Anh, rồi về Cửa Đại phía Duy Xuyên là mênh mông cát. Tam Nghĩa, Tam Hiệp (Núi Thành) từng mệnh danh là “thủ phủ cát”, nơi “gà phải đi dép” may ra mới sống được trên cát bỏng! Chàng trai Trần Văn Khương, Phó quản đốc xưởng hàn của nhà máy sản xuất ô tô bus là người sinh ra trên miền cát trắng Tam Hiệp này. Ký ức của anh là miền quê nghèo xơ xác, cả vùng đất chỉ có cây dương liễu sống nổi. Dân làng thả cây rau xuống cát, gánh nước rách vai mới may có được mầm xanh. 

Ngày đó, thanh niên như Khương vì nghèo khó phải bỏ xứ vào Nam mưu sinh, làng xóm chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Chật vật nơi đất khách quê người, Khương quay về quê vào làm công nhân cho nhà máy và khấm khá dần lên. Riêng ở xã Tam Hiệp, làm ở xưởng hàn thôi cũng gần 200 người. Khương kể: “Làm ở đây, lương thưởng đều đặn cũng gần chục triệu đồng/tháng”. Rồi Khương nhận xét: “Với người dân và con em miền cát này đó không thể gọi là sự đổi thay mà phải gọi là đột biến”.

Nhiều địa phương mơ ước

Đang là sinh viên năm nhất trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, nhưng Nguyễn Thị Kim Đào (SN1997, quê ở Tam Anh Nam, Núi Thành) quyết định nghỉ học để về quê học trung cấp may tại trường CĐ nghề của Thaco. 

Lớp có gần 30 học sinh, đều con em địa phương. Lý do Đào và nhiều bạn khác bỏ dở việc học ngoài hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em lo sợ học đại học xong không xin được việc làm. “Nhiều anh chị trong xã, đi học nghề rồi được nhà máy bố trí việc làm, có thu nhập ổn định nên em quyết định về học nghề. Nhà nghèo, chỉ cần học xong 3 tháng nữa, em sẽ được bố trí việc làm. Như thế em sẽ có thu nhập sớm đỡ đần được bố mẹ phần nào”, Đào cho biết.

Chuyện “thần kỳ” ở vùng cát bỏng ảnh 2

Học sinh trường nghề của Thaco ăn cơm miễn phí ngay tại căng tin của nhà trường.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam từng tâm sự rằng: Ngoài đóng góp cho ngân sách địa phương, những gì mà Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó có khu phức hợp của Thaco làm được là việc tạo công ăn việc làm cho con em người dân địa phương. Việc giữ nguồn lực lao động tại chỗ để phát triển kinh tế địa phương là điều mà tỉnh Quảng Nam luôn khuyến khích và hoan nghênh. 

Bởi cũng với thu nhập đó, nhưng ở thành phố lớn người lao động sẽ chật vật. Nhưng nếu ở quê nhà thì nó là một nguồn thu lớn, cuộc sống ổn định hơn. Quảng Nam đang nỗ lực để có những khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy hoạch lan về vùng quê để giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Niềm mơ ước về cuộc sống tươm tất, việc làm ổn định có lẽ là mong muốn và khát khao của nhiều địa phương. Thaco đã đáp ứng mong muốn đó, khi năm 2015 nộp ngân sách 13.856 tỷ đồng (trong đó tại tỉnh Quảng Nam là 10.096 tỷ đồng) và 85% (trong tổng số nhân sự gần 8.700 người) là người dân trong vùng.

Mới đây, tại buổi làm việc với huyện ủy Hòa Vang (Đà Nẵng), ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ghi nhận: Không ở đâu xa, ngay Quảng Nam chỉ cần một nhà máy ô tô của Trường Hải thôi là đã vực dậy, làm thay đổi số phận của tỉnh Quảng Nam. 

Một tỉnh phải nhận tiền “cứu trợ” từ ngân sách trung ương thì nay Quảng Nam điều tiết về trung ương 15%... Ông Thơ mơ ước: Nếu Đà Nẵng tìm được vài, ba “ông” như kiểu Trường Hải thì số phận thay đổi liền, chứ không phải cứ thương mại dịch vụ mãi.

Sau 13 năm từ khi Thủ tướng đặt bút ký quyết định (3/12/2002) “Phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2010”, tầm nhìn đến năm 2020 đến nay, nơi đây đã hình thành nên một khu phức hợp rộng gần 400 ha. Bao gồm 24 nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng với các dây chuyền thiết bị hiện đại được chuyển giao từ các đối tác châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… Trường Cao đẳng nghề đào tạo trung cấp và kỹ sư thực hành. Cảng biển và kho bãi diện tích 173ha, 2 tàu biển tải trọng 10 ngàn tấn, với tổng vốn đầu tư đến thời điểm hiện nay gần 30.000 tỷ đồng. Năm 2016, Thaco đặt chỉ tiêu tổng nộp ngân sách 20.018 tỷ đồng, trong đó tại tỉnh Quảng Nam 15.178 tỷ đồng.

Khi mà những công ty, tập đoàn thua lỗ nghìn tỷ “trùm mền”, “đắp chiếu” những con số này luôn là ước mơ của nhiều địa phương.

MỚI - NÓNG