Kỳ 1: Chiếc máy đếm tiền bị cháy
Bươn bả với thương hiệu cam Hàm Yên
Lẩn mẩn lật sử, thẳm xa huyện Hàm Yên của xứ Tuyên, thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X) có tên là Sóc Sùng. Triều Lý có tên là châu Tô Mậu, sau đổi là châu Đô Kim. Lúc thuộc Minh là huyện Văn Yên. Đầu thời Lê đổi là huyện Sùng Yên, năm 1466 đổi là huyện Phúc Yên (thuộc phủ Yên Bình). Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) kiêng húy chữ Phúc bèn đổi thành Hàm Yên (Hàm là chứa, là hết thảy. Là xứ này chỉ có bình yên trở lên mà thôi!) Cái tên Hàm Yên dai dẳng tận bây giờ.
Xứ mình hay có lắm tên oách như vậy chứ nhiều thời Hàm Yên cũng từng oằn mình cùng xơ xác những đận tao loạn giặc giã, binh đao. Và đói nghèo. Đất thì thoáng (chừng hơn 907 km2) người thưa (khoảng 109 ngàn dân, theo thống kê năm 2008) nhưng việc làm ăn mưu sinh khá là chật vật. Tỷ lệ hộ nghèo của bà con các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao H Mông có đến mấy chục phần trăm.
Châu bản thời Nguyễn từng chép sản vật vùng thượng du Hàm Yên có thứ gạo nếp gạo tẻ cùng giống vịt có tên là Minh Hương nổi tiếng nhưng chắc chẳng phải đại trà phổ biến và chỉ là của hiếm của khoanh vùng hẹp mỗi xã Minh Hương. Và tra mãi cũng chẳng có từ cam nào cả? Ấy thế mà bây giờ đang nẩy nòi một thương hiệu cam Hàm Yên, thứ cây loại quả đắc lực trong việc xóa đói giảm nghèo.
Ngồi một lúc với ông Hà Phúc Phình, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, lẩn thẩn nghĩ thêm, chắc bà chị ông là quan chức của Đảng, bà Hà Thị Khiết hẳn hài lòng với một địa phương của tỉnh nhà Tuyên Quang mấy năm nay đương nổi danh thương hiệu cam Hàm Yên. Mà thương hiệu ấy lại do chính cái cậu em út của mình từng bươn bả góp sức tạo dựng? Biên vội mấy con số do ông Phình cung cấp. Hiện diện tích cam sành Hàm Yên đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với diện tích khoảng 4.430 ha, năng suất bình quân 12,7 tấn/ha, sản lượng 34.000 tấn/năm, giá trị đạt trên 340 tỷ đồng. Năm 2013, sản phẩm cam sành Hàm Yên được Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam bình chọn là 1 trong Top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. Do vậy, giá trị sản phẩm cam sành được nâng lên, tăng thu nhập cho người dân, giúp giảm nghèo, giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn 20 phút ngồi xe với ông chủ tịch đã chạm mặt với trập trùng vùng đồi rừng của xã Phù Lưu nổi danh trồng cam.
Như là đương khoe cái bộn bề khó giấu của sự ăn nên làm ra. Hai bên đường vào các thôn bản của Phù Lưu, những căn nhà tầng, biệt thự mới xây hoặc đương cất dở xen lẫn với những căn nhà sàn cũ kỹ của người Dao. Trông hơi lộn xộn nhưng vui mắt. Xã Phù Lưu có doanh thu đến gần 200 tỷ đồng mỗi năm từ trồng cam, ông Phình khẳng định, một xã thuần nông mà lại miền núi đương phất như Phù Lưu là hơi bị hiếm ở xứ Tuyên.
Những chiếc xe tải đến lấy cam chạy thẳng vào lòng xã trên con đường mới láng bê tông. Xa hơn rìa quốc lộ là hơn chục container nối nhau đợi lấy cam Hàm Yên. Cam được vận chuyển đi tiêu thụ ở khắp các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm buôn bán trong toàn quốc.
Chủ tịch Phình vừa hé cho cái tin Hội chợ xuân Ất Mùi Thủ đô năm nay có quy mô trên 2.000 gian hàng tiêu chuẩn từ các vùng miền của đất nước đem về trưng bày, giới thiệu tại hội chợ. Cam sành Hàm Yên là một trong những mặt hàng khá được khách. Việc đưa sản phẩm cam sành tham gia Hội chợ xuân lần này vẫn nằm trong lộ trình quyết liệt tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường thương hiệu cam sành Hàm Yên.
Ven núi thôn Lăng Đán, cam phủ rộng khắp nơi. Xe dừng, ông Phình định dẫn chúng tôi vào nhà ông Ma Hoa Tàm chủ tịch UBND xã Phù Lưu. Nhưng sau một lúc bấm máy, ông Phình đổi hướng…
Một chiếc Innova trắng toát tới. Trên xe là một người đàn ông có vẻ khó đoán tuổi, hơi hói nhưng trông vẻ trẻ trung. Ông Phình cười: Chủ tịch Ma Hoa Tàm đấy. Cái xe ông ấy đang lái cũng là nhờ cam.
Chuyện với ông chủ tịch người Tày này khá thú vị. Cái sự dưỡng nhân loại chi công kế tổ tông chi nghiệp của hai cụ thân sinh thật đáng nể. Chỉ… 15 con cả thẩy! Nhưng giờ đã mất 2 còn lại 13 anh em. Ông Tàm là con trưởng. Trong số 9 anh em trai thì 7 người có nhà xây trị giá vài tỷ đồng, có ô tô. Riêng ông Tàm và em trai út vẫn giữ nếp nhà sàn của người Tày. Ông Tàm là chủ tịch xã đầu tiên ở Hàm Yên mua ô tô. Anh em ông xây nhà, mua ô tô đều từ tiền bán cam. Người dân ở Phù Lưu bao năm qua cứ nhìn vào nỗ lực vượt khó của anh em ông Tàm để mà vươn lên.
Cây cam đối với ông Tàm không lạ. Từ bé lớn lên đã thấy cam. Cam bố mẹ trồng ở vườn. Nhưng chỉ là thứ cam trồng dịp Tết thắp hương và trẻ con ăn vặt. Sau khi tham gia chiến trận ở biên giới trở về, năm 1995 ông Tàm được phân công làm Bí thư Đảng ủy xã. Phù Lưu manh mún một ít diện tích ngô xen canh lúa… Tất thảy dân trông vào hột thóc vụ mùa năm mất năm được bấp bênh nên luôn là xã nghèo. Hơn mươi năm nay, giống cam sành Hàm Yên, phần do được cải tạo chăm bẵm này khác nên chất lượng đột nhiên nhô nhỉnh hẳn lên trong mặt bằng cam xứ Bắc và dần dà lan nhanh khắp nước. 15 năm ông Tàm làm Bí thư Đảng ủy xã Phù Lưu thì có tới 7 năm ông cùng tập thể cán bộ chèo lái chạy vạy đôn đáo hướng dẫn bà con đưa cây cam nhỏ lẻ manh mún giống đã thoái hóa thành giống tốt trồng trên diện tích đại trà, thành thứ nông sản hàng hóa làm giàu. Đây là cả một câu chuyện dài gian nan.
Lúc lỉu mùa cam
Từ chỗ cây cam ở Phù Lưu chỉ được trồng tự phát và tùy hứng ở vườn nhà. Phù Lưu đã làm cầu nối với huyện với tỉnh tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc phát triển vùng cam thành thương hiệu hàng hóa. Từ chỗ chỉ có trên 1.000 gốc cam, bây giờ Phù Lưu đã có 1.618,9 ha cam với 1.400 hộ trồng cam. Năng suất bình quân 160 tạ/ha đến 180 tạ/ha. Sản lượng bình quân 15 nghìn tấn/năm, giá trị đạt 1.500 tỷ đồng. Những con số này cao gấp nhiều lần so với trước kia. Từ chỗ việc chăm sóc cây cam còn lạc hậu thì đến nay việc trồng cam ở đây đều theo quy trình để đảm bảo thương hiệu cam sạch. Theo Đề án phát triển vùng sản xuất cây cam tập trung của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2014 - 2020, Phù Lưu tiếp tục được quy hoạch trồng mới 150 ha trên các loại đất sản xuất. Cam đã giúp cho người dân ở đây đổi đời, xây nhà to, mua ô tô.
Nhiều hộ thu nhập từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm từ trồng cam. Tỷ lệ hộ nghèo của Phù Lưu trước đây gần 70% thì giờ chỉ còn 18,7%. Đó là cả sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền xã. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của người lãnh đạo cấp ủy, chính quyền như ông Tàm.
Có chuyện vụ cam năm ngoái đương rộ, hai chiếc máy đếm tiền đã cũ của ngân hàng nông nghiệp huyện mang về giao dịch với Phù Lưu do hoạt động liên tục đã bị cháy!
Vườn cam nhà ông Tàm có hơn 2 ha cam đã trồng hơn 10 năm tuổi. Vườn đồi xen lẫn đá tai mèo. Những vạt cam khép tán gốc đã xù xì u mấu phủ rêu xám mốc. Và chạm ngang mặt, nhỉnh hơn đầu là lúc lỉu là bạt ngàn sắc vàng rộm của giống cam Hàm.
Chín ngàn đồng một cân tại vườn. Nhà ông Tàm ước thu mùa này hơn 300 triệu đồng. Chỉ thuê vài người chăm bón bắt sâu lúc mùa vụ, chi phí thêm chút tiền công, tất cả chỉ hết vài chục triệu đồng. Ông Tàm đưa khách sang thăm khu vườn đồi của người em trai thứ tư là Ma Văn Long. Nhà ông Long hơn 3 ha, trồng khoảng trên 2.400 gốc cam tuổi gần 10 năm. Đợt đầu vừa mới thu hái cũng được gần 500 triệu đồng.
Ở Phù Lưu người ta làm cáp treo (chi phí khoảng 60-70 triệu đồng/cáp, xã đã có 10 cáp treo) để vận chuyển cam xuống núi, tính ra rẻ hơn thuê người gánh. Vậy mà người làm thuê vẫn đổ về Hàm Yên, đông nhất là những tháng cận Tết. Nhọc nhằn núi đá trơn trượt gánh cam xuống núi, nhưng ngày cũng kiếm hơn 500.000 đồng tiền công.
Triệu Mùi Cái má hây hây vậm vạp khỏe mạnh quê ở Quảng Nguyên Xín Mần về đây hái cam thuê đã hơn tháng. Chính xác là cô gùi cam. Ngó cái gùi nặng chịch ngất nghểu trên lưng cô mà ngại. Mỗi gùi như thế là 80 kg. Nhưng mấy trăm mét dốc đường trơn mà cô cứ phăm phăm. Vừa làm vừa nghỉ cũng 9 chuyến/ từ sáng đến chiều thu nhập hơn 600.000 đồng/ ngày. Mùa mận Xín Mần, cô lại về quê gùi thuê.
Gần 3 năm trước, cam sành Hàm Yên đã được bình chọn là 1 trong 50 trái cây đặc sản ngon bậc nhất Việt Nam. Rồi lễ công bố kết quả và cấp chứng thư cho các thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng do Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam công bố tại TPHCM năm 2013 đã vinh danh cam sành Hàm Yên vào top 10 thương hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam…