Chuyện quanh Đền ATK Định Hóa

Chuyện quanh Đền ATK Định Hóa
TP - Nói đến An Toàn Khu (ATK) nghĩ ngay đến Pắc Bó (Cao Bằng) Tân Trào, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) ATK Định Hóa (Thái Nguyên). Cách mệnh đã do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi.

> Từ ATK Thái Nguyên tới chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngay tại Hà Nội, trong khí thế hoan hỉ của những ngày Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử các phái viên của mình lặng lẽ trở lại vùng đất tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ (tiến có thể đánh, lui có thể giữ). Vùng đất ấy, ATK Định Hóa đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt như là ngôi đền thiêng của mỗi lương dân Việt.

Coi sóc hương khói cho ngôi đền ấy là thạc sĩ sử học Đồng Khắc Thọ... Một thời gian dài, Đồng Khắc Thọ là CTV báo Tiền Phong ở Thái Nguyên. Cuối những năm tám mươi, nhiều phóng sự về các bãi vàng Na Rì của Bắc Cạn kiêm ảnh minh họa của Đồng Khắc Thọ khá hút bạn đọc.

Bẵng đi một thời gian, tôi mò lên Thái gặp Thọ, anh mừng rỡ khoe tấm ảnh Dự hội bản em vừa đoạt Giải cao nhất trong Liên hoan ảnh nghệ thuật của Hội NSNA Việt Nam.

Giải 15 triệu khi ấy là to lắm! Nhưng Thọ ngập ngừng cho hay có thể sẽ tạm rời mảng tân văn lẫn chụp ảnh. Nghề gì? Khéo mà đất chè Thái khuyết đi một cây phóng sự, với lại Đồng Khắc Thọ đang khá chắc chân trong Hội NSNA Bắc Thái và là Phó Chủ tịch Hội văn nghệ Bắc Thái? Thọ cười, sẽ chuyên sâu bảo tàng nhưng vẫn viết...

Viết và đi học thêm. Nhận bằng thạc sĩ sử, Đồng Khắc Thọ cũng dựng được mấy đầu sách.

Cuốn Bác Hồ ở ATK (NXB Hội Nhà Văn với 4 lần tái bản) Đồng Khắc Thọ đã biết vượt thoát lên những kể lể những thống kê về sự kiện, hiện vật, nhân vật mà nâng cao thêm một tầm nhân văn. Lại nữa, dường như Thọ vừa chạm phải những mong manh lẫn rung động của một tư duy nghiên cứu?

Rồi lại bẵng đi khá lâu không đụng. Nghe nói Thọ phụ trách bảo tàng Thái Nguyên và mới nhất thì là Trưởng ban Quản lý Khu Di tích Lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa.

Có lẽ phải ở tầm cao của một máy bay trực thăng chẳng hạn để bao quát vài vòng địa thế địa hình của ATK Định Hóa, dẫu rất chi là i tờ về quân sự cũng có thể cảm nhận hết thế đắc địa thế chân vạc bọc lót giằng rịt nhau của ATK Thủ đô kháng chiến này.

Địa linh ấy một thời dung chứa tinh những người tài nước Nam? Bày đặt hay chọn lựa linh địa tiến có thể đánh lui có thể giữ, tác giả Hồ Chí Minh đã nôm na mấy vần thế này: Trên có núi dưới có sông/có đất ta trồng có bãi ta chơi/ Tiện đường sang Bộ Tổng. Thẳng lối tới Trung ương/ Nhà thoáng mát kín mái/ Gần dân không gần đường.

Từ ATK Định Hóa, hàng loạt quyết định chủ trương chính sách liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc... Những Việt Bắc Thu Đông 1947, những chiến dịch Biên giới 1950...

Tại Tỉn Keo, cuối tháng 9 năm 1953 Bác đã chủ trì Hội nghị BCT quyết định mở chiến dịch Trần Đình, mật danh của Điện Biên Phủ.

Từ Tỉn Keo, chúng tôi lần theo không phải vệt đường mòn mà những đoạn đường nhựa phẳng lì sang đồi Thẩm Khen hơn cây số là nơi làm việc của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Thêm hơn cây số nữa là Nà Mòn nhà làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh vv... Nếu tạm gọi giăng chân cho hết 14 di tích tầm cấp quốc gia trong ATK Định Hóa rộng tới 165 ha thì một ngày guồng chân cật lực cũng chả khắp.

Vùng đất ấy, ATK Định Hóa đã trở thành Di tích quốc gia đặc biệt như là ngôi đền thiêng của mỗi lương dân Việt.
Bác với Tường Giáp và Cụ Bùi Bằng Đoàn sau Lễ phong tướng.

Thế mà vẫn thấy thiêu thiếu đi cái gì? Vẫn chưa kịp kính cẩn đặt những sải chân đến Khuôn Tát để ngó lại ngôi nhà sàn mà Bác từng ở nhiều lần từ năm 1947 đến 1954.

Tại đây tháng Giêng năm 1954 Bác dặn tướng Giáp Tổng Tư lệnh ra mặt trận tướng quân tại ngoại trao cho chú toàn quyền quyết định... Cũng chưa ngó lại cây đa phía sau căn lán làm việc của Bác trên đồi Khau Tý, Điềm Mặc năm nào đã ghé.

Nghe nói bây chừ con suối Đình quanh đồi Khau Tý đã cạn trơ từng khúc chẳng được ăm ắp thơ mộng như hồi năm 1947 Bác viết tiếng suối trong như tiếng hát xa.

Và cũng tại Khau Tý, không rõ trong bao nhiêu ngày đêm Người chế ra thứ “bùa” để yểm ngõ hầu giúp cán bộ ta tránh việc xa dân giữ vững đạo đức cách mạng. Đó là “lá bùa” của Hồ Chí Minh Sửa đổi lối làm việc.

Sáu mươi lăm năm sau, cán bộ mình bây giờ ngồi kiểm điểm theo tinh thần NQ TW 4 vẫn còn hôi hổi tính thời sự và vẫn còn giật mình thon thót trước tầm nhìn xa của Bác!

Và cũng chưa được đặt chân đến địa điểm tiền nhân quyết định phát động cuộc cải cách ruộng đất ngay tại Điềm Mặc của ATK này?

Đành trở lại không gian trên ngàn mét vuông nơi trưng bày hàng trăm bức ảnh lẫn hiện vật của Bảo tàng. Tôi tìm thấy tại kho tàng của Đồng Khắc Thọ bao thứ lạ. Có nhiều tấm ảnh chưa hoặc mới chỉ loáng thoáng hoặc khiêm tốn xuất hiện trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ảnh Bác chụp với người đẹp Bí thư Trung ương Phụ nữ cứu quốc Hoàng Ngân tức Phạm Thị Vân. Nhà báo Úc Wilfred Burchett đang ngồi trên bệ nứa chỗ cổng vào nhà sàn Bác Hồ.

Ảnh Bác Hồ với Bác Tôn (do con gái cụ Hoàng Quốc Việt là Hạ Chí Nhân tặng riêng Đồng Khắc Thọ), ảnh Bác Tôn khi ấy là Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội liêm Trưởng Ban thi đua ái quốc đến thăm nhà máy giấy tại ATK Định Hóa.

Bác Hồ tiếp Đoàn đại biểu Nam Bộ ra ATK Định Hóa. Bác với cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng Ban thường trực Quốc hội cùng các thành viên Hội đồng Chính phủ tại buổi phong Quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Một bức ảnh độc đáo nữa chỉ có 3 người chụp rất nét nghe nói của Vũ Năng An.

Bác, Đại tướng và cụ Bùi Bằng Đoàn. Bên cạnh đó là bản chụp sắc lệnh nghe nói tự tay Bác đánh máy Ông Võ Nguyên giáp Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ nay thụ cấp Đại tướng kể từ ngày ký sắc lệnh.

Buổi phong tướng nhằm ngày 25 tháng 8 năm 1947 tại Hội trường lớp học của Trại thiếu nhi Nà Lọm trên đồi Pụ Đồn ven suối Nà Lọm xã Lục Giã nay thuộc Tỉn Keo Phú Định Định Hóa một hạng mục quan trọng trong lãnh địa ATK.

Có điều bây giờ ít ai dùng hết cái tên lòng thòng ấy mà chỉ ngắn gọn bằng ba từ Đồi phong tướng.

Coi xét dẫu chỉ thoáng qua một lượt tài sản của ông coi Đền thiêng họ Đồng này thấy nhiều, rất nhiều tấm hình thuở ấy tại ATK mà Vũ Năng An là tác giả. Nhìn tấm ảnh Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê chợt nhớ đến một kỷ niệm nhỏ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Khoảng năm 1986, do công việc chúng tôi phải xác định chính xác tấm ảnh Hồ Chủ tịch trực tiếp lên trận địa trong chiến dịch Biên giới 1950 ngoài Bác là những ai? Ai còn ai mất?

Cách tốt nhất có lẽ là hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng nghĩ vậy thôi chứ việc gặp Đại tướng không dễ. Nhưng rồi cũng thông đồng bén giọt. Tôi với anh Nguyễn Hoàng Sơn và Phạm Yên có mặt tại nhà riêng Đại tướng ở Hoàng Diệu

Chiều đó hơi rét nhưng tạnh ráo. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi đến tư gia Đại tướng. Bên ấm trà mới pha hôi hổi nóng, Đại tá Huyên (thư ký Đại tướng) chừng đoán trước vẻ mau miệng lẫn lắm mồm của đám nhà báo nên dặn luôn Đại tướng rất bận, chỉ làm việc với các anh chừng 30 phút, liệu mà thu xếp bố trí câu hỏi.

Vừa nói đến đó thì Đại tướng xuất hiện bên cửa ngách căn phòng. Quen thấy vị Tổng tư lệnh quân đội thường xuất hiện trong sắc phục nhà binh nay nom đại tướng thoải mái trong bộ đồ mặc nhà, thấy là lạ nhưng lại gây ngay một cảm giác gần gũi nhất là khi Đại tướng cười hồn hậu các cậu uống nước đi. Mà này, biết yêu cầu của nhà báo ra sao mà gia hạn chỉ có 30 phút?

Cặp mắt không dùng kính của Đại tướng ánh lên những nét là lạ khi ông ngồi trước tấm ảnh. Tôi đâm lo lo vì yêu cầu của chúng tôi có vẻ ngớ ngẩn vì sợ làm mất thời gian của Đại tướng? Một sự kiện trận mạc đã lùi xa ngót 40 năm? Với cương vị Tổng tư lệnh mặt trận làm sao Đại tướng bao quát hết mọi thứ lại nhớ cho ra những thứ bé mọn kia? vv...

Hình như Đại tướng đang xúc động? Chất giọng trầm ấm nhưng hơi đanh, bàn tay phải đưa lên đưa xuống lúc khoan thai lúc dứt khoát, chuyện với ba anh em chúng tôi mà như nói trước hàng quân...

Đại tướng nói đến tầm quan trọng của chiến dịch Biên giới trên cục diện chiến trường thời điểm đó ra sao? Nếu thất bại thì phần lớn quân số đạn dược tích cóp qua mấy năm kháng chiến sẽ gây thảm họa đến như thế nào?

Việc khai thông mở cửa của Việt Nam kháng chiến với các nước XHCN thông qua ngả Trung Hoa quan trọng đến như thế nào? Vv... và vv... Vậy nên quyết định mở chiến dịch Biên giới.

Tất cả các tầm cấp đã phải đắn đo tính toán kỹ càng đến như thế nào và đặc biệt trận này Bác dặn Đại tướng, chỉ có thắng không được bại! Và Người đã bí mật trực tiếp lên quan sát binh tình địch trước giờ nổ súng..

Tôi kín đáo ngó đồng hồ thấy 30 phút vèo qua từ hồi nào may mà đại tá Huyên chưa thấy ra nhắc nhở gì... Khi cầm tấm ảnh lên, bất đồ ông hỏi chúng tôi có biết tác giả là ai không?

Giờ nghĩ lại còn thấy ngớ ngẩn bởi mãi đến tận thời điểm ấy mà chúng tôi vẫn chưa biết lại còn mang máng đâu như là Đinh Đăng Định nữa chứ? Vẫn cái cười hồn hậu, Đại tướng cho chúng tôi biết tác giả tấm ảnh là Vũ Năng An.

Trí nhớ của Đại tướng thật đáng nể. Ngay vài chi tiết ông sơ khởi về tác giả tấm ảnh cũng đủ bừng dậy một chân dung nếu như muốn viết về tác giả này. Vào Sài Gòn kiếm sống từ rất trẻ. Có tấm ảnh đánh chiếm phủ Khâm sai in trên sách giáo khoa.

Sau đó vào quân đội và làm tại Văn phòng Bộ Tổng tư lệnh và Cục Tuyên huấn Tổng Cục chính trị. Trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Vũ Năng An được điều về làm công tác nhiếp ảnh tại Bộ chỉ huy chiến dịch.

Bữa đó, chiều mùa đông năm 1950 quãng gần Đèo Mã Phục trời khá rét Bác Hồ dùng ống nhòm - khi đó gọi là ống viễn kính - để quan sát cứ điểm của địch.

Tấm ảnh này có được có lẽ từ Vũ Năng An đứng ở vị trí vách núi bên cạnh... Rồi Đại tướng chậm rãi chỉ cho chúng tôi, chính xác tên từng người trong tấm ảnh lịch sử ấy... Đó là Thái Dũng, Trung đoàn trưởng 308, Dũng Mã tiểu đoàn trưởng 36 phối thuộc và Thế Dũng, Chính ủy Trung đoàn 102.

Bây giờ ngắm ngó tấm ảnh về cuộc họp Bộ chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ tại bảo tàng ATK, tôi lại cũng chợt bừng nhớ câu chuyện của một nhà báo đàn anh thường đi công tác với Đại tướng.

Lần ấy tại Bảo tàng ATK Định Hóa này đây, trước tấm ảnh lưu lại sự kiện ấy, Đại tướng trầm ngâm giây lát trước tấm ảnh chụp 5 người: Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một cán bộ quân đội đứng ngoài cùng rồi chợt nói: “Không đúng! Bức ảnh này của thời điểm khác”.

Do anh đứng rất gần Đại tướng nên nghe rất rõ ông nói như vậy. Khi ấy, nhiều người cùng đi và các cán bộ bảo tàng của tỉnh đã hết sức ngỡ ngàng và xúm quanh Đại tướng đề nghị ông nói rõ thêm.

Ông cho biết thời điểm ấy chỉ có 4 người có mặt tại cuộc họp lịch sử này. Đại tướng kể lại “Cuộc họp ở Tỉn Keo” do Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị.

Dự họp có các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Không phải là 5 người. Trong cuộc họp lịch sử ấy, sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến, đôi mắt Bác rất chăm chú, bàn tay Bác trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại.

Người nói: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ, ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”, bàn tay Bác mở ra mỗi ngón tay trỏ về một hướng...

Trầm ngâm trong giây lát, Đại tướng nói: Lịch sử chỉ xảy ra một lần. Viết sử thì có thể viết nhiều lần và có nhiều người viết. Nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng sự thật lịch sử.

Trong nhóm chúng tôi về ATK lần này có đại tá nhà văn Phạm Hoa một thời nổi như cồn với Đùa của Tạo hóa... Nhà văn Phạm Hoa ngắm ngó khá kỹ cuốn sách ảnh nặng chịch Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa mà thạc sĩ sử học Đồng Khắc Thọ chủ biên do NXB Quân đội Nhân dân mới ấn hành.

Phạm Hoa nguyên là Cục phó cục Tuyên huấn thuộc Tổng Cục chính trị nên rất rành cái khoản di tích với bảo tàng nghe đâu trước đây ông có thời gian tham gia xây dựng góp ý chi đó về nội dung bảo tàng chính tại ATK Định Hóa này?

Phạm Hoa đặt nhiều câu hỏi với Đồng Khắc Thọ cứ như là kiểm tra nghiệp vụ bảo tàng ông Trưởng ban quản lý Khu Di tích Lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa. Tỷ như xuất xứ bức ảnh hiện vật này khác, độ tin cậy của tư liệu của hiện vật vv...

Rồi căn cứ vào tiêu chí nào để xác định trên 5 triệu lượt khách đã đến với ATK Định Hóa? Được biết thêm Hội lồng tồng truyền thống được lồng ghép sáng tạo ngay tại trung tâm ATK làm tăng thêm phần sinh sắc sống động của khu di tích cũng như mỗi năm ATK Định Hóa có thêm hàng vạn người dừng chân.

Chính vì sự hỏi đáp này mà tôi biết thêm được công sức và những gắng gỏi của anh em trong Ban Quản lý 54 cán bộ của Ban (2/3 có trình độ đại học về nhiều lĩnh vực) nhưng có mà gồng hết mình 24/24 cũng khó đáp ứng yêu cầu công việc.

Nhưng họ có hệ thống CTV khá sáng tạo trong việc nối mạng thông tin cũng như việc sưu tầm hiện vật. Cũng nghe thêm để tạm vỡ vạc phần nào cụm từ sinh thái trên cái nhãn của ATK Định Hóa.

Không đơn thuần là việc hành chính nối mạng với các công ty du lịch lữ hành trong việc đưa khách tham quan ATK mà họ đương cung cấp thứ văn hóa thứ thông tin phi vật thể mà khách có quyền được hưởng từ bề sâu 14 cụm di tích quốc gia của chiến khu cách mạng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG