Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ
TP - Bây giờ bên tôi là ông Tuân và trong tay ông là bản chụp đồng thời là bản dịch của các cuốn A.226 và A.838. Trí nhớ của  cụ Trịnh Duy Hy, thân sinh ông Tuân vào những năm cuối đời đã không lầm.

>> Kỳ trước

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ ảnh 1
Ông Lê Trương Nguyện thủ từ Đền Đồng Cổ

Tôi cầm lên cuốn Tam Thai sơn linh tích nhất bản (bản duy nhất về linh tích núi Tam Thai) bằng chữ Hán do Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng tiên sinh viết trong những năm đầu của thế kỷ XIX.

Chưa rõ Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng là ai nhưng bằng lao động công phu cộng với nhiệt tình, sự cảm mến một vùng đất địa linh nơi có đền thiêng Đồng Cổ, tiên sinh đã biên soạn tỷ mỷ và khoa học 4 chương chính. 1. Sự tích thần núi Trống Đồng. 2. Tham khảo linh tích. 3. Bia đá minh và ký. 4. Sắc phong của các triều đại, những lệnh chỉ của các Chúa Trịnh trong đó có Triều Tây Sơn.

Tôi thầm nghĩ, phần thứ 4 hay chương 4 lẫn chương 3 của cuốn sách này mới là quan trọng đã góp phần minh định lẫn sáng tỏ vị thế trong lịch sử lẫn tâm linh của Đền Đồng Cổ Đan Nê suốt cả một chặng dài lịch sử từ Lý Trần đến Tây Sơn.

Điều  quý giá là toàn bộ những sắc phong chiếu chỉ (ở trong đền nếu có) lẫn phần câu đối đại tự bị bom Pháp phá hủy năm 1949 đều được tiên sinh Nguyễn Dật Sảng biên chép kỹ trong cuốn Tam Thai sơn linh tích này!

Điều thú vị hơn trong bản chữ Hán A.838 như lời người dịch (cử nhân kinh tế Hà Văn Giác) rằng là bản sao các sắc phong và các lệnh chỉ của các triều Vua trong đó cũng sao lại Tam Thai sơn linh tích của Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng do các cụ: Cử nhân Hà Phạm Huy kiểm, Tú tài Trịnh Duy Khiêm đọc, Lý trưởng Trịnh Lưu Cầu viết vào năm Duy Tân thứ 6 (năm 1912) tức là hơn 100 năm sau khi Lam Kiều Nguyễn Dật Sảng tiên sinh viết Tam Thai sơn linh tích.

Đến đây,  cái câu của người xưa Châu về Hợp phố để chỉ sự may mắn kỳ diệu nào đó, hẳn có thể vận tương đối chính xác vào người cháu đích tôn của cụ Tú  Trịnh Duy Khiêm, người đã từng tham dự vào việc xuất bản lẫn tác giả của bản A.838 năm 1912 là ông Trịnh Duy Tuân và người em là ông Trịnh Duy Luân, Viện trưởng Viện xã hội học!

...Tôi ngó mãi tấm hình ông cụ thân sinh ra ông Tuân trong bộ comple màu trắng mũ phớt bên cạnh là người vợ  trong bộ sắc phục màu trắng. Cả hai đều e ấp dưới một gốc dừa mới lớn. Ảnh chụp năm 1938 trong ngày cưới. Rõ ra một khung cảnh dư dả của một phú hào ở nông thôn vào những năm ba mươi của thế kỷ trước!

Chuyện ở xứ Đền thiêng Đồng Cổ ảnh 2
Nội thất Đền Đồng Cổ

Thời ấy mấy đám cưới ở nông thôn mà dám bận âu phục và lại dám chụp ảnh? Hết hồi bĩ cực lại đến hồi thái lai và rồi lẽ thịnh suy lại lộn lại. Âu cũng là thứ thường của dịch biến! Dưng mà kỳ diệu thay, cái thứ thụ mộc như gốc dừa, vật chứng của một thời thịnh ấy sau bao nhiêu tao loạn ấy, đến nay như ông Tuân cho hay là hẵng vẫn còn!

Khi tôi hỏi ông có ý định chuộc lại khoảng vườn có gốc dừa kia cùng với ngôi nhà cũ (nghe nói vẫn đang còn) từng bị đem chia quả thực vào những năm gian nan ấy thì ông Tuân cười cười như thể đang hỏi lại rằng không biết có nên tiến hành việc ấy không nhỉ?

Nụ cười ấy dường như lan tỏa trên gương mặt của ba người con ông Tuân, cô gái lớn học xong đại học kinh tế tiếp tục làm thạc sĩ bên Úc (ngay từ năm thứ 2 do học giỏi cô đã được một công ty của Nhật trợ cấp học bổng 50 USD/ tháng, hiện cô đang làm cho công ty đó).

Cô con gái thứ hai là kỹ sư hiện đang làm trong một doanh nghiệp lớn. Được biết thêm cả hai cô đều là đảng viên! Cậu út cũng tốt nghiệp đại học, hiện làm ở Hà Nội. Tôi lan man nghĩ thêm đến cái đận ông Tuân đang học cấp hai phải bỏ lỡ và cái đoạn phấn đấu cật lực để vào Đoàn mà vẫn không xong.

... Đền thiêng Đồng Cổ Đan Nê đây rồi. Vài ba bận đến đền thiêng mà lần nào cũng lạ. Lần lạ này là câu chuyện của ông Nguyện thủ từ đền thiêng. Lại nói cái năm đền được công nhận di tích, xã cắt cử cụ Thịnh chuyên coi việc hương khói trong đền và hướng dẫn khách tham quan.

Từ năm cụ Thịnh mất, ông Nguyện thế chân cụ Thịnh. Khách thập phương tham quan đền mỗi ngày một đông, lại việc đèn hương quét tước,  ông Nguyện ôm không xuể nên xã phải kiếm thêm một vị thủ từ nữa. Việc tìm thủ từ là cả một câu chuyện dài lẫn ly kỳ.

Hiện tại ở sườn núi đá Tam Thai của Đan Nê còn lưu lại một bản văn bia bằng chữ Pháp không biết khắc từ năm nào. Bản văn bia này bày lòng tôn sùng của người dân Đan Nê đối với thần Đồng Cổ linh thiêng.

Đáng lưu ý, trong bài văn bia ấy, có nhắc đến chi tiết, tháng 9 năm 1899, có một đoàn người Pháp gồm các ông Thống sứ Chatel, ông Pasguin, ông phó quan cai trị và ông Giáo sư Giám đốc trường Viễn Đông Bác cổ có đến Đan Nê và thăm Đền thiêng Đồng Cổ này.

Các ngài cũng đã cúng vào đền 50 đồng bạc Đông Dương để dân làng sắm sửa ít đồ cúng thần! Chi tiết ngài GS Giám đốc Viện Viễn Đông bác cổ đã đến Đền Đồng Cổ có liên hệ chi đến cuốn Tam Thai sơn linh tích này không? Đó có lẽ cũng là một nghi vấn cần làm sáng tỏ?

Và chiếc trống đồng linh thiêng từng hiện diện ở đền  không thể không bắt mắt các quan chức người Pháp, nhất là có sự hiện diện của ngài GS Giám đốc VĐBC, trước nhiều năm sử gia người Pháp, V. Goloubew đã tận mắt trông thấy mà mô tả trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. vol XXXIII, 1933 như ở trên đã dẫn trong các phần trước của bài này.

Có cụ nửa đêm thấy mình đứng giữa sân đền mà không biết duyên cớ lý do gì mà mình lại đứng như trời trồng giữa hồi khuya khoắt như rứa? Có ông đến đền non nửa tháng. Tưởng ngần ấy thời gian chắc yên hàn rồi nhưng bất đồ một ngày quày quả lên Ủy ban xã dứt khoát trả lại chức thủ từ. Gặng hỏi nguyên do thì ông tái mặt mà rằng cứ ngủ trên đền là mơ. Hỏi mơ gì thì nói sợ lắm không thể kể ra được!? Có đến cả thảy ba ông lên đền một thời gian đều từ chối chức thủ từ như thế...

Rốt cuộc chỉ nhõn lại mỗi ông Nguyện. Người ta nói rằng ông Nguyện có cái căn tu nên được thần Trống Đồng thu nạp!? Tôi gặng hỏi nhưng ông Nguyện chỉ cười... Hỏi thăm gia cảnh, ông chỉ lên tấm ảnh màu treo trên tường ở căn nhà ngang mé phải của đền dùng làm nơi tiếp khách và cũng là chỗ nghỉ đêm của ông Nguyện.

Tấm ảnh phóng to treo trên tường ấy là đại gia đình của ông. Bố đi Vệ quốc đoàn hy sinh năm 1946. Mẹ tái giá. Ông Nguyện ở với ông bà nội. Cái gia đình đông đúc của ông Nguyện là vợ cùng 5 con trai 8 cháu nội 6 trai hai gái. Tôi thấy giữa tiết đông mũ lông áo ấm nhưng lúc nào cũng thấy ông Nguyện đi chân đất.

Ông bộc bạch rằng đi như thế quen rồi và chỉ khi ngủ ở đây ông Nguyện mới thấy khỏe khoắn sảng khoái! Tôi theo ông Nguyện lạt sạt chân đất lên đền dâng hương. So với lần viếng đền trước, nội thất đền có vẻ như khang trang hơn?

Hay bên dưới bức đại tự Hồng Bàng Duy Vận có đôi câu đối của Hoàng giáp đời Lê Nguyễn Đức Lý Thiên vi anh địa vi linh Tất mã giang tây Thanh miếu cổ/ Thần đương trung, tử đương hiếu Thăng Long thành bắc thệ đàn cao (Tạm hiểu: Trời đất anh linh bên phía Tây dòng Mã giang sừng sững tòa miếu cổ/ Làm tôi phải trung làm con phải hiếu, vang vọng lời thề trời bắc Thăng Long). Dâng hương xong đang giật lùi lại thì ông Nguyện dáng vẻ trân trọng thành kính pha chút sợ hãi chỉ cho tôi chiếc trống đồng của tổ chức văn hóa Thụy Điển Việt Nam tặng cho đền đặt ngay trước ban thờ.

Tôi ngó kỹ thấy cái trống đường kính non một mét này tuy lớn nhưng là loại trống thường thấy được sản xuất hàng loạt với các kích cỡ khác nhau. Trong đền có một cái trống đồng cổ nhưng không phải trống mà trong tập kỷ yếu B.E.F.E.O. vol XXXIII, 1933, học giả V. Goloubew đã mô tả  như đã nói, chiếc trống thiêng có từ thời nảo nao truyền rằng có từ thuở Vua Hùng ấy chắc đã thất lạc rồi!

Cái trống thờ hiện được đặt trang trọng  trong hậu cung là thời Đông Sơn và đã được làm lễ hô thần nhập trống cái năm khánh thành đền. Mãi khi ra đến sân, vẫn giữ nguyên nét mặt thành kính có pha chút sợ hãi ấy, ông Nguyện thầm thĩ kể tôi nghe trong khu vực đền có một con rắn trắng mà ông Nguyện gọi là ngài!

Ngài to bằng cỡ cổ chân dài hơn hai thước sống ở đây bao lâu không biết nhưng thi thoảng những ngày nắng ráo lại bệ vệ oằn mình diễu trên sân đền. Những người yếu bóng vía thường run rẩy lặng phắc thậm chí chết khiếp mỗi khi chứng kiến ngài oằn mình như thế. Ông Nguyện thường xuyên gặp ngài.

Cái đận mà mọi người bắt gặp ngài khoanh tròn như chiếc nia nghiêm ngắn ngay trước cái trống đồng là vào cữ tháng 2 Âm lịch năm 2006.  Bữa đó có cô giáo Oanh ở một trường đại học nào đó ở Hà Nội dẫn học sinh chật ních trên 2 chiếc xe ca đến tham quan đền.

Khi chứng kiến ngài khoanh như thế, từ cô giáo đến học sinh không ai dám vào đền thắp hương nhưng khi ông Nguyện đốt hương khấn khứa một lúc thì ngài lặng lẽ bỏ đi đâu mất. Bữa ấy, sau khi cô trò lễ xong thì một đàn bướm sặc sỡ có đến hàng ngàn con bay tóa ra làm rợp cả khoảng sân đền.

Sau khi chia tay ông thủ từ, tôi có nán lại chuyện vãn với hai cụ đang dong đàn bò mé trước cổng tam quan. Các cụ đều xác nhận trong đền có con rắn trắng ấy và cho biết thêm, ba quả núi đá che chắn cho đền và cái hồ bán nguyệt có tên là Tam Thai ấy từ bao đời nay thủy thổ rất thích hợp cho nhiều loại trăn rắn cư trú và cũng có vô số loại bướm nữa nên việc rắn vào đền có lẽ cũng là sự thường!   

Đất tuần nhân vận. Tạm biệt ông thủ từ đang có một gia cảnh đông đúc, ban nãy có bộc bạch rằng hai anh em nhà ông Tuân có công lắm lắm trong việc xây dựng đền nhất là việc tìm được sách cổ để di tích này mau được công nhận... 

Tôi ngoái lại lần nữa ngôi  Đền Đồng Cổ Đan Nê linh thiêng được sắc phong của chính thể đang tỏa linh khí ấm áp phù trợ đất nước lẫn lương dân Việt hay sinh khí của làn gió Đổi mới đã và đang làm lành bao thân phận như gia đình ông Tuân?

Làng Lon mùa lạnh
Xuân Ba

MỚI - NÓNG