Hình thức thứ nhất là chuyển nhượng quyền thu phí đường bộ cho tổ chức, cá nhân thực hiện trong một thời hạn nhất định theo hợp đồng. Hằng năm, Bộ GTVT thống kê, rà soát, lập phương án bán quyền thu phí sử dụng tài sản hạ tầng đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính mới là cơ quan quyết định việc bán quyền thu phí đường bộ đối với các tuyến đường thuộc trung ương quản lý theo đề nghị của Bộ GTVT và được thực hiện theo hình thức đấu giá. Thời hạn bán tối đa không quá 10 năm.
Thứ hai, Nghị định này cũng định nghĩa rõ hình thức chuyển nhượng có thời hạn tài sản hạ tầng đường bộ. Với hình thức này, Nhà nước chuyển giao quyền đầu tư nâng cấp, mở rộng và quyền khai thác tài sản hạ tầng đường bộ trong một thời hạn nhất định theo hợp đồng để nhận một khoản tiền tương ứng.
Bộ Tài chính vẫn là cơ quan quyết định chuyển nhượng (tài sản hạ tầng đường bộ thuộc trung ương quản lý) theo đề nghị của Bộ GTVT và được thực hiện thông qua hình thức đấu giá (trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định). Thời hạn chuyển nhượng không quá 49 năm.
Trao đổi bên lề tại một hội thảo kinh tế cuối năm 2014, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH&ĐT) cho biết, cần hiểu đúng bản chất ý kiến liên quan đến việc bán một số cơ sở hạ tầng giao thông xuất hiện gần đây.
Theo ông Cung, cụm từ “bán đường cao tốc” dễ gây nhầm lẫn nhất định. Bán ở đây là bán quyền khai thác, chuyển nhượng quyền khai thác trên công trình đó, không phải bán “đứt” công trình cho bất cứ cá nhân, tập thể nào.