Rồi cha là Nguyễn Ðức Công (tức Hoàng Trọng Mậu) có tài “văn chương trác lạc” (lời khen của Phan Bội Châu), từng đậu đầu xứ (do đó có tên là Ðầu Xứ Công), nhưng đã bỏ chốn khoa trường, dấn thân cứu nước, trở thành một nhà cách mạng rạng danh trong phong trào Ðông Du, Việt Nam Quang phục Hội.
Những người con trai của cụ Tân đều thành danh với nghiệp chữ. Như con cả Nguyễn Đức Vân; em trai là Nguyễn Đức Tịnh là tác giả của sách Lão Tử (nhờ Ngô Tất Tố đứng tên) và sách Luận lý. Sau Cách mạng tháng Tám, là chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất (1951). Đi dự Đại hội, được Bác Hồ tặng cho tấm lụa và cái đồng hồ đeo tay! Nghị lực tự học đặc biệt nên ông có trình độ cao về Hán học và Pháp văn. Năm 65 tuổi vẫn theo học Đại học tại chức Đại học Bách khoa Hà Nội. Độc đáo là Nguyễn Đức Tịnh từng thuộc lòng (dân Nghệ kêu là thuộc trầm) cuốn Tự điển Pháp Việt dày cộp của Trương Vĩnh Ký.
Người em Nguyễn Đức Bính cũng là nhà giáo, nhà báo nổi tiếng và có tài văn chương. Có sách văn học sử liệt ông vào hàng những người viết tiếng Pháp hay nhất Đông Dương thời Pháp thuộc.
Chúng ta đã biết về người con trai cả của cụ Nguyễn Đức Vân là nhà văn Nguyễn Đức Đàn, từng là Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và thế giới. Và cũng nên biết thêm, người con gái út duy nhất của cụ Nguyễn Đức Vân ở cái tuổi 80 lại vướng phải nghiệp… chữ. Bà Nguyễn Thị Minh Thâm. Hơi bị hiếm có một người cháu gái nội viết sách về ông nội và cha mình như bà?
Có lẽ ít người biết người con trai út của cụ Nguyễn Đức Vân và là người em trai út của bà Nguyễn Thị Minh Thâm là Nguyễn Đức Ngọc.
Nguyễn Đức Ngọc là ai vậy? Chính là nhà thơ Anh Ngọc.
Cái nghiệp chữ của Anh Ngọc cũng thuộc dạng đáng nể.
Sinh năm 1943. Tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Tổng hợp, từng dạy Trung cấp và đại học Thương nghiệp. Gia nhập quân đội là lính thông tin ở mặt trận Quảng Trị, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Trưởng Ban Văn học nước ngoài Tạp chí Văn nghệ Quân đội, hàm đại tá.
Anh Ngọc là tác giả của nhiều tập thơ có tiếng vang xa. Hương đất màu cờ (thơ -1977), Ngàn dặm và một bước (thơ -1984), Ba cuộc đời một trái bóng (truyện ký - 1986). Và đặc biệt sở trường thế mạnh trường ca đã bầu nên tên tuổi Anh Ngọc. Sông Mê Công bốn mặt (trường ca - 1988), Điệp khúc vô danh (trường ca - 1993), Sông núi trên vai (trường ca - 1995).
Hình như nhà ấy có cái gene trội gene trầm? Nếu như cụ Nguyễn Đức Vân và người em là Nguyễn Đức Tịnh từng thuộc lòng những cuốn tự vị Pháp Việt, không hiểu thông điệp tổ tiên hay nếp gia phong có điều chi hướng dẫn mách bảo mà nhà thơ Anh Ngọc cũng từng thuộc lòng một cuốn từ điển Nga Việt nặng trịch! Anh Ngọc chưa từng học ở Nga nhưng lại rất có duyên dịch thuật. Trong mặt bằng thi phẩm dịch thi Nga của nhiều nhà thơ Nga như Exenhin, Evtousenco… được nhà thơ Anh Ngọc chuyển ngữ luôn có vị trí xứng đáng!
Luôn sâu đậm trong ký ức của nhà thơ Anh Ngọc là thời gian được hầu thân phụ Nguyễn Đức Vân khi người dịch Tùy viên thi thoại.
Nhà báo Nguyễn Đức Giáp ( sau xe Honda) ở chiến trường |
Tùy viên thi thoại là tác phẩm nổi tiếng của Viên Mai, nhà thơ kiêm phê bình đời nhà Thanh. Tùy viên thi thoại thuộc loại khó dịch. Nhà thơ Anh Ngọc may mắn và vinh dự được đọc bản thảo của người cha. Những trang bản thảo nhọc nhằn thời bao cấp khốn khó. Chứng kiến thứ lao động khổ sai của người cha đau yếu bệnh tật trên cái bàn gỗ cập kênh tự đóng… Dịch đến đâu thì ông cụ trao bản thảo cho con trai để giúp cụ chỉnh sửa lỗi chính tả, dấu tích thổ âm phương ngữ vùng Nghi Lộc cà có cuống cá có đuôi.
Chẳng hay cha con bàn thảo trao đổi những gì mà cụ thân trao cho anh con trai toàn quyền viết lời tựa Tùy viên thi thoại.
… Trong số những người con của cụ Nguyễn Đức Tịnh ( em trai cụ Vân) tôi có quen với Nguyễn Đức Giáp.
Một người yêu thơ. Hơn thế, là người đang bắt đầu làm thơ và viết phê bình như Anh Ngọc thì thực sự Tùy viên thi thoại là một kho báu! Anh say mê như thuở nhỏ từng đắm đuối với những Tam Quốc, Thủy Hử…
Trước khi là Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Đức Giáp trực tiếp trông nom bài vở cho tờ Tuần tin tức. Khó quên những ngày gian khó làm cộng tác viên cho tờ báo có thời gian từng rất bắt mắt bạn đọc này. Anh Đức Giáp thường hay khích lệ lẫn kích động.
Bài vở các ông làm sao để thiên hạ đọc Tuần tin tức mỗi cái tin hay bài phải để thiên hạ tức (đại loại là phải nhớ, băn khoăn day dứt…) suốt cả một tuần hoặc lâu hơn!
Đó là những ngày may mắn khi tôi thi thoảng được gần gụi một người làm báo có nghề và dày thâm niên.
Từ năm 1964, Đức Giáp đã vượt Trường Sơn vào Nam bộ, trở thành một hạt nhân của Hãng tin Thông tấn xã Giải phóng. Hơn 10 năm viết ở chiến trường, trở lại Tổng xã ở Lý Thường Kiệt năm 1976, anh lần lượt đảm nhiệm nhiều mảng công tác của ngành, từ công tác thông tin (lãnh đạo Ban Thế giới, chỉ đạo việc biên tập ở các ấn phẩm Tuần Tin Tức,Thể thao & Văn hóa. Tổng biên tập báo Le Courrier du Việt Nam,Viet Nam Courrier.
Ít người biết, khi đương làm báo và ở cương vị lãnh đạo Thông tấn xã, anh Đức Giáp, chỗ ngăn kéo bàn anh ngồi có một tập vở như vở tập viết học trò. Hoặc những tờ tin tham khảo Thông tấn xã một mặt còn trống, trắng. Một lần ghé, anh nhanh tay ập đóng vào. Tôi đồ anh đương viết chi đó dạng như hồi ký? Thì nhiều lần ngồi với nhau, anh chả bộc bạch nhiều chuyện nghe này khác cũng đường được hồi ở chiến trường?
Nhà thơ Anh Ngọc |
Khi anh hưu hẳn một thời gian, thì ngạc nhiên chưa ( chắc với nhiều người, nhưng với tôi anh Nguyễn Đức Giáp chả thể nào khác mà là tất nhiên, tất yếu) những cuốn sách của tác giả Nguyễn Đức Giáp lần lượt xuất hiện.
Nếu như “Miền thùy dương cát trắng” tập truyện ngắn của anh xuất bản năm 2006 là những độ đằm của những ký ức được thăng hoa ở tầm vừa phải, thì tiểu thuyết “Hương quê”( năm 2013) rồi truyện dài “Ngõ tịch dương” (năm 2014) là những chứng chỉ cho một người viết chững chạc nghiêm ngắn vào địa hạt văn chương! Tiếc là anh đã phải vội chia tay với nghiệp chữ vì một cơn bạo bệnh.
Một người anh của người viết Nguyễn Đức Giáp cũng phạm cũng vướng phải cái bí kíp truyền đời của tổ tông là nghiệp chữ. Xin khất bạn đọc vào một dịp khác sẽ chi tiết thêm về người viết này.
Vâng người ấy là Nguyễn Chí Tình, Phóng viên một thời, một thuở của tờ báo Tiền Phong!