Anh chủ nhiệm từ đời đến thơ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Rất ít người biết đến hoàn cảnh ra đời của bài thơ nổi tiếng một thời của Hoàng Trung Thông, bài Anh chủ nhiệm . Hoá ra câu chuyện lại liên quan đến quê hương và người anh ruột của Đại tá – Nhà báo Trần Nhung…

Đại tá Trần Nhung, bình luận viên quốc tế từng tác nghiệp báo chí trong nước và hơn 50 nước của cả 5 châu lục. Từng là Trưởng phòng Biên tập Thời sự Quốc tế Báo Quân Đội Nhân dân và TBT Báo Cựu Chiến binh. Trần Nhung trí nhớ bền dai, cung cách chuyện trò rủ rỉ, lại biết chọn và lẩy ra vô khối các chi tiết bắt tai người nghe nên những chuyện về thời làm lính, làm báo, chuyện quê kiểng nhất là quá vãng về tuổi ấu thơ… nghe khá hấp dẫn!

Chuyện nhà của đại tá Trần Nhung như hao hao những lát cắt của sử làng sử nước. Về một thời bi thương lẫn bi hùng? Chuyện này tôi đã có dịp nói đến ở một bài báo đã đăng trên Tiền Phong Chủ nhật. Ở đây chỉ xin nói những gì liên quan đến hoàn cảnh ra đời của bài thơ nổi tiếng một thời của Hoàng Trung Thông, bài Anh chủ nhiệm.

Làng quê của Trần Nhung một thuở nghèo xơ nghèo xác ở vùng chiêm trũng Bình Lục Nam Hà trước đây mà bây giờ là huyện Mỹ Lộc cuả tỉnh Nam Định có cái tên nghe đến tức tưởi: Bườn. Làng Bườn. Bườn na ná cái nghĩa bươn chải? Sau này yên hàn đổi thành những Tân Tiến, Bình Dân… nhưng vẫn nghèo.

Bườn cách Nam Định 5 km cách đường QL nối Nam Định và Hà Nam 3 km. Làng nằm dọc sông Châu Giang. Trong số mấy người anh trai của đại tá Trần Nhung có người anh trai thứ hai Trần Sĩ Tưởng. Người anh cả hy sinh, anh Tưởng thành trưởng nam.

Đức tính lam làm, khéo tay giỏi tính toán của người cha lão nông tri điền, ông Trần Sỹ Ngái (bà cả 5 con, 3 trai, 2 gái. Bà hai 4 con, 2 gái, 2 trai) đã dựng nên một cơ ngơi khá khẩm ở xứ chiêm trũng đói nghèo. Gia đình ông nông dân giàu có Trần Sỹ Ngái năm 1946 ấy, trong Tuần Lễ Vàng, đã hăng hái cho người đến kho lẫm nhà mình ủng hộ kháng chiến 5 cót thóc (mỗi cót 100 thúng). Số lượng thóc đó là một gia sản khủng khi ấy.

Trong kháng chiến chống Pháp, anh Tưởng tham gia Mặt trận Việt Minh. Anh làm công tác đoàn thể rồi được kết nạp Đảng. CCRĐ, anh Tưởng bị khai trừ Đảng vì bị vu cho là “quốc dân đảng”. Sửa sai được kết nạp Đảng trở lại. Rồi cưới vợ.

Do thừa kế được kinh nghiệm làm ăn của bố mẹ là những nông dân giỏi làm lụng tính toán căn cơ, vợ chồng anh Tưởng làm được nhà bằng gỗ lim hai chái khang trang và có hơn mười mẫu ruộng. Lại mắn đẻ. Có tới 12 người con trai và gái nhưng mất 3. Con cái đều ngoan hiền cả.

Kinh nghiệm làm lụng cá thể đã được Trần Sĩ Tưởng mang ra áp dụng cho cái sự làm ăn chung. Anh được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX cấp thấp. Khi làng Bườn tiến lên thành lập HTX cấp cao (HTX toàn xã) thì Trần Sĩ Tưởng cũng được bầu làm chủ nhiệm. Rồi làng Bườn thành xã Mỹ Thắng, chủ nhiệm Trần Sĩ Tưởng vẫn trúng chân chủ nhiệm HTX cấp cao Mỹ Thắng. Dần dà cái nếp làm ăn lẫn quản lý qua các thời 4-5 tấn thóc một ha, 2 con 2 lợn một sào; Rồi thóc không thiếu một cân quân không thiếu một người; Mỹ Thắng đã trở thành điển hình nông nghiệp tiên tiến dẫu hầu hết gia đình xã viên vẫn thuộc dạng đói nghèo! Lớp cán bộ xã khi ấy gương mẫu tuyệt không tư túi tham ô. Không có ai hay nhiệm kỳ nào vướng phải cái nạn Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho quản trị mua đài mua xe. Mỗi người làm việc bằng ba/ Để cho quản trị xây nhà xây sân/ Mỗi người làm việc bằng tư/ Để cho quản trị có dư thóc thừa vv… Mỹ Thắng động viên xã viên ăn chắt nhịn thèm, thắt lưng buộc bụng đóng góp. Lại được sự đầu tư trở lại khơ khớ của huyện của tỉnh và của cả Trung ương theo kiểu nuôi gà nòi, gà chọi. Mỹ Thắng xây được sân kho, trại thúc mầm, trại chăn nuôi quy mô… (Miền Bắc khi ấy có những điển hình lớn hơn, tiếng vang xa hơn Mỹ Thắng như Minh Sinh, Bình Đà của Hà Tây, Định Công của Thanh Hóa vv… Mãi sau này chỉ khi có Chỉ thị khoán 100, người nông dân và nông thôn Việt Nam mới thực sự đổi đời).

Là một trong những điển hình của các HTX tiên tiến, Chủ nhiệm Trần Sĩ Tưởng được mời đi tham quan báo cáo điển hình nhiều nơi. Hồi bé đi chăn trâu, vì mải đuổi trâu nên Tưởng bị té sấp đổ máu mồm máu mũi. Cú ngã đó khiến Tưởng bị sứt một mảng môi. Do không được điều trị chu đáo kịp thời nên thành sẹo. Cái tên Tưởng sứt thưở nhỏ đi học lại trở thành lời nhắc khâm phục trìu mến đâu đó trong đám cán bộ huyện, tỉnh đại loại làm ăn phải như Tưởng sứt Mỹ Thắng. Hoặc cố phấn đấu đuổi kịp ông Tưởng Sứt.

Ông em đại tá Trần Nhung luôn tự hào khi nghĩ về quê nhà có người anh làm chủ nhiệm giỏi. Đám bạn ở Ty Văn hóa Nam Hà của Trần Nhung cứ kể đi kể lại một chuyện sau. Nhà văn Chu Văn (tác giả tiểu thuyết Bão biển) - Trưởng ty Văn hóa tỉnh vốn quen thân với chủ nhiệm HTX Mỹ Thắng Trần Sĩ Tưởng. Lần ấy các bạn viết, bạn văn từ Hà Nội về Nam Hà đi thực tế lẫn sáng tác, ông Trưởng ty Chu Văn đã đưa đoàn nhà văn về điển hình Mỹ Thắng…

Anh chủ nhiệm từ đời đến thơ ảnh 1
Một phần của đại gia đình Đại tá Trần Nhung (người đứng giữa)

Có lẽ đến đây phải có một cái mở ngoặc dài? Có vài thế hệ đã từng thuộc lòng bài thơ Anh chủ nhiệm. Anh chủ nhiệm trang trọng trong quốc văn giáo khoa thư của chế độ mới. Anh chủ nhiệm trong đề thi văn quốc gia vv…

Hẳn mọi người đã đoán ra. Trong số nhà văn nhà thơ do nhà văn Chu Văn dẫn về Mỹ Thắng có tác giả bài thơ. Đó là nhà thơ Hoàng Trung Thông. Anh chủ nhiệm là sản phẩm sau chuyến đi thực tế ấy!

Không hẳn là một sự sao chép trần sì về làng Bườn - Mỹ Thắng. Chắc cũng thấp thoáng đâu đó những anh chủ nhiệm ở nhiều vùng quê mà thi sĩ Hoàng Trung Thông từng gặp? Nhưng cứ như đại tá Trần Nhung thì cái cảnh tả trong Anh chủ nhiệm khi thì nhang nhác, khi hệt hền hên quang cảnh Mỹ Thắng quê anh một thời!

Anh chủ nhiệm từ đời đến thơ ảnh 2

Nhà thơ Hoàng Trung Thông (bìa phải) khi còn trẻ

Anh chủ nhiệm từ đời đến thơ ảnh 3

Nhà thơ Hoàng Trung Thông

Người ta ít biết một Hoàng Trung Thông, tỉnh ủy viên Nghệ An. Rồi Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Tạp chí Tác Phẩm Mới, Giám đốc NXB Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn T.Ư rồi Viện Trưởng Viện Văn học. Một thi sĩ Hoàng Trung Thông tài hoa sâu sắc với gần 10 tập thơ và nhiều công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, thư pháp…

Nhưng lại quá nhiều người thuộc lẫn quá nhớ cái phần dung dị chất phác của nhà thơ thời 1962 khi mới ở tuổi băm say mê ca ngợi con người mới XHCN anh chủ nhiệm? Cái thuở hăm hở trong trẻo viết Bài ca mở đất bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm (sau này nhiều người đùa vui cái tính hay rượu của thi sĩ bèn chế thêm là cũng thành men).

Người anh ruột của đại tá Trần Nhung, Trần Sĩ Tưởng có lẽ là người làm chủ nhiệm HTX nông nghiệp lâu nhất nước? Tới 35 năm, từ năm 1960 đến tận năm 1995.

Nguyên mẫu Anh chủ nhiệm của thi sĩ họ Hoàng ấy khuất núi ở cái tuổi 81!

Hoàng Trung Thông

Anh chủ nhiệm

Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre

Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về

Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ

Áo nâu bạc màu bay với gió

Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh

Vẽ cả ngày mai thành bức tranh

Kìa dòng mương chảy cầu đương bắc

Lò gạch xây cao, đường thẳng tắp

Nơi đây kho thóc nhà chăn nuôi

Tiền đã lo xong đất cắm rồi

Chân vẫn bước đều miệng vẫn nói

Phơi phới lòng anh như gió thổi

Anh làm chủ nhiệm đã ba năm

Ba năm vật lộn cùng khó khăn

Có mùa mạ cháy đồng khô cạn

Mười bậc nước leo lên ruộng hạn

Có mùa lúa chín lụt tràn qua

Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra

Người nhiều, ruộng ít trâu bò ít

Chạy ngược chạy xuôi lo rối rít

Ngoài ba mươi tuổi máu đương sôi

Không chịu khoanh tay đứng ngó trời

Xoay mùa, chuyển vụ, tăng năng suất

Thiếu đất lên rừng tay vỡ đất

Còn nhiều nếp cũ thói riêng tây

Trăm miệng, trăm người, trăm cái gay

Hõm mắt thâu đêm lo việc xã

Gió rét đường trơn, chân bấm đá

Hết làng, hết ruộng thôi đi về

Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe

Cùng bao đồng chí, anh đi trước

Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược

Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo

Vợ yếu, con đông, chưa hết nghèo

Nhưng rồi thấy rõ đường đi tới

Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi

Lại lao vào việc lòng say sưa

Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa

“Ơi anh chủ nhiệm! Anh chủ nhiệm”

Bao tiếng thân thương, lời cảm mến

Tay anh nắm chặt tay xã viên

Xốc cả phong trào vững tiến lên

Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ

Áo nâu bạc màu bay với gió

Mắt tôi ôm hết cả đồng xanh

Cả dáng hình anh thành bức tranh.

MỚI - NÓNG