Chuyện phía sau 'Trước mặt là con đường'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở tuổi 84, bàn tay chưa hề run, tác giả cùng cái cười tự tin cởi mở trao cho những người được tặng một cuốn sách nặng trịch ngót 700 trang có cái tên “Trước mặt là con đường” của NXB Hội Nhà văn mới in.

Ông là Vũ Phạm Chánh, tuổi Bính Tý (sinh năm 1936) chuyên môn ghi trong lý lịch là kỹ sư cầu đường nhưng qua đủ nghề, lắm việc. Nào khảo sát thiết kế, dạy học ở Trường trung cấp sửa chữa cầu đường. Từng tạt sang làm phóng viên biên tập viên, quay phim biệt phái bên Điện ảnh Quân đội. Hơn mười năm bươn chải chiến trường giao thông sắt bộ sông biển. Từng theo tàu đi rà phá thủy lôi ở các luồng hàng hải ở Vịnh Hạ Long, Hải Phòng và Vịnh Bắc Bộ. Từng chốt hàng năm trời trên đường mòn Hồ Chí Minh. Và tự quay hàng ngàn mét phim tư liệu về đảm bảo giao thông Vịnh Bắc Bộ.

Và nữa, ông là một kỹ sư, một cán bộ ngành giao thông hiện diện hơn 6 thập kỷ trên con đường xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông của nước nhà cả thời bình, thời chiến. Từng là Phó Văn phòng Bộ GTVT, Giám đốc rồi Tổng GĐ vài Công ty lớn của Bộ GTVT…

Ông là cháu nội của cụ Thám hoa Vũ Phạm Hàm. Triều nhà Nguyễn có ba người đỗ Tam nguyên: Vị Xuyên Trần Bích San, Yên Đổ Nguyễn Khuyến và Vũ Phạm Hàm. Nhưng lịch sử Việt Nam chỉ có Vũ Phạm Hàm và Lê Quý Đôn (triều Lê) là đỗ Đệ nhất giáp Tam nguyên trong ba kỳ thi đó. Vũ Phạm Hàm là Tam khôi cuối cùng trong lịch sử.

Trước tác, thơ văn của cái người tài hoa đỗ Thám hoa ở tuổi 29 ấy lưu lại cho hậu thế thì nhiều. Nhưng có đôi câu đối nhiều người biết hơn cả hiện biên ở Đền Kiếp Bạc danh tiếng thờ Trần Hưng Đạo, “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí/ Lục đầu vô thủy bất thu thanh” (Núi Vạn Kiếp đâu đâu cũng có tiếng gươm đao/ Sông Lục Đầu không ngọn sóng nào không có tiếng trống trận).

Nếu chẳng bị vướng lý lịch ông nội từng làm Đốc học Hà Thành, Án sát nhiều tỉnh (riêng việc kết nạp Đảng đã trầy trật trục trặc nhiều năm) có lẽ ông còn đóng nhiều chức tước khơ khớ khác của ngành Giao thông. Nhưng ông chẳng lấy đó làm vì. Ở đâu, với bản tính vui vẻ cởi mở mặn chuyện cùng ngang thẳng ông thường dễ phát lộ tông tích tài hoa.

Nhớ cái năm xa, ông ôm bó hoa cùng nhóm bạn thân trong đó có nhạc sĩ Văn Dung, nhà báo Phạm Mạnh… cùng tôi trong đêm mưa ở ga Hàng Cỏ đợi chuyến tàu muộn từ trong Nam đưa nhạc sĩ Phạm Duy lần đầu trở lại Hà Thành.

Lần giở cuốn sách nặng trịch mà mình được tặng, tự dưng dậy lên một ý nghĩ ngồ ngộ. Rằng nhiều vị cao niên, trong đó có không hiếm người từng đóng ngôi chức cao (như ông Phạm Quang Nghị nguyên Ủy viên Bộ Chính trị chẳng hạn) khi hưu đã phải cậy nhờ đến chữ nghĩa cùng văn bút để giải tỏa tiêu khiển cái lòng cái trí của mình qua thể loại hồi ký?

Sách ông chả phải thứ tập đại thành dày cộm của những vụn vặt kê biên. Hoặc những vụ việc đơn từ cùng oan ức nọ kia giờ mới có cơ hội để giải trình cùng thanh toán với thiên hạ. Mà là những con chữ khá thú vị của một người trong cuộc, từng can dự nhiều sự kiện suốt cả một hoa giáp công việc. Ông tưng tửng biên nó ra với tâm thế lành cùng cái nhìn vị tha độ lượng!

Ngồ ngộ là những trang thú vị trong mục lục như Cử người đi nước ngoài, cái vớ vẩn của cơ quan quản lý/ Phó văn phòng Bộ, một chức vụ vớ vẩn/ Văn phòng Bộ là tổ chức kiểu gì/ Vào Đảng hụt…vv…

Có cảm giác, sách của ông như một thứ găm giữ, để mà nhắc nhớ những đầu việc. Phải là ngồi với ông kia!

Vâng, tôi đương làm cái việc tãi ra một việc, một sự kiện.

***

… Anh phóng viên trẻ Báo Giao thông vận tải Vũ Phạm Chánh trong những ngày trụ bám tuyến lửa Khu Tư ở Quảng Bình đã có một đêm ghé Trạm gác đèn của cha con cô Thắm, Lê Thị Thắm. O Thắm khi ấy tròn 17 tuổi, con gái của ông lão Vùm ở làng Đại Lộc ven quốc lộ số 1 thuộc địa phận huyện Quảng Ninh phía ngoài thị xã Đồng Hới. Cuộc gặp gỡ tạm gọi là phỏng vấn với cha con O Thắm đã khiến anh phóng viên trẻ Vũ Phạm Chánh xúc động và cảm phục.

Trạm gác đèn thoạt nghe hơi bị oai. Chỉ là ngọn đèn tự tạo thắp bằng dầu hỏa của dân quân trên vùng đất lửa Quảng Bình để báo hiệu cho xe lưu thông vô ra Nam- Bắc, một sáng tạo độc đáo trong chiến tranh.

Những ngọn đèn dầu dằng dặc những đêm chiến tranh Khu Tư. Nơi nào khá ra thì dùng đèn bão. Nơi nghèo, nông thôn thì đèn tự tạo: Phao dầu làm bằng chai hay lọ mực Cửu Long, bóng đèn làm bằng cái chai ¾ lít, cắt đáy và cắt cổ, chụp bên ngoài để ngọn lửa khỏi tắt dù mưa gió hay dông bão trong đêm thâu... Trùm bên ngoài là một chụp kín vuông bốn cạnh - giống chiếc đèn của người gác đường sắt. Ở hai hướng ngược nhau, mặt kính của chụp đèn sơn hai mầu xanh - đỏ. Xanh báo hiệu yên bình, an toàn. Đỏ cảnh báo bắt đầu vùng nguy hiểm.

Cha con O Thắm, nông dân nghèo miền đất lửa Quảng Bình tự nguyện bám trụ nơi hiểm nguy nơi túi bom thù. Hình ảnh cha con họ thay nhau gác đèn nhiều bận thâu đêm báo hiệu cho xe qua an toàn đã ám ảnh cây bút Vũ Phạm Chánh. Một bài báo nhỏ, khiêm tốn trên Báo Giao thôngkhông làm anh yên lòng. Và thế là trên Báo Văn Nghệ tháng 6/1965 xuất hiện truyện ngắn “Lửa đêm”. Tác giả là Vũ Phạm Chánh.

Chuyện phía sau 'Trước mặt là con đường' ảnh 1

Ông Vũ Phạm Chánh và quyển sách mới

Hiệu ứng của những con chữ trên báo chí thời chiến tranh quả là rộng lớn! Truyện ngắn “Lửa đêm” đến với nhiều người đọc. Lại thêm sự lan tỏa khắp nơi trên mục “Đọc truyện đêm khuya” nhiều buổi của Đài tiếng nói Việt Nam qua giọng đọc của Tuyết Mai. Nhà thơ Chính Hữu có tiếng là người viết chậm nhưng chắc đã có ngay bài “Ngọn Đèn Đứng Gác”.

Trên đường ta đi đánh giặc

Dù về Nam hay ta lên Bắc

Ở đâu

cũng gặp

Những ngọn đèn dầu chong mắt suốt đêm thâu

Rồi sau thời điểm bài thơ ra đời chỉ mấy tháng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã thăng hoa xúc cảm ấy của nhà thơ quân đội Chính Hữu với ca khúc giữ nguyên tên bài thơ là “Ngọn đèn đứng gác“ được phổ biến rộng khắp.

Xin trở lại tác giả “Lửa đêm”...

Vũ Phạm Chánh có người em ruột là Vũ Phạm Chuân - theo học và tốt nghiệp Trường điện ảnh VGIK ở Liên Xô năm 1965.

Về nước Vũ Phạm Chuân được vào biên chế của Xưởng phim truyện Việt Nam. Thời gian đầu anh đi quay phim phụ cho đạo diễn Khương Mễ trong phim “Lửa rừng” của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Những ngày không quay phim, rỗi rãi anh tranh thủ từ đơn vị tận Lạng Sơn vù về Hà Nội. May mắn được gặp người anh ruột Vũ Phạm Chánh giữa những lần vô ra từ tuyến lửa Khu Tư.

Những câu chuyện chi tiết ở tuyến lửa của ông anh cùng những bài báo, bút ký rải rác của người anh đã cuốn hút Vũ Phạm Chuân. Rồi truyện ngắn “Lửa đêm” đã khiến nhà điện ảnh trẻ ấy ám ảnh. Anh nằn nèo ông anh kể thêm về những nhân vật trong bài ký đó.

Vũ Phạm Chuân tha cái ký trên Báo Văn Nghệ ấy về cho đạo diễn Hải Ninh. Hình như Hải Ninh đã sớm phát hiện những nét nghề nổi trội của tay máy Vũ Phạm Chuân. Chả biết hai anh em đã bàn soạn những gì… Nghe nói Vũ Phạm Chuân đã nì nèo ông Hải Ninh lấy nguyên cái tên O Thắm… Hải Ninh thêm cho chữ “Rừng”. Hai anh em dành nhiều thời giờ chau chuốt thêm kịch bản “Rừng O Thắm”. Và Vũ Phạm Chuân đã trở thành quay phim chính của phim do Hải Ninh đạo diễn.

Chuyện phía sau 'Trước mặt là con đường' ảnh 2

Áp phích quảng cáo phim “Rừng O Thắm”

Người anh Vũ Phạm Chánh một hôm đã may mắn chứng kiến lao động cật lực của chú em ruột cùng kíp làm phim. Khi quay, Vũ Phạm Chuân táo bạo thường chơi hẳn một cú bấm máy (Un coup de camera) dài chừng 10 phút (hết 60 mét phim 35mm của máy quay hiệu Konvats cổ lỗ khi ấy. Trong trường đoạn đó, xen kẽ liên tục những cảnh động rộng hẹp và cả đặc tả… Quay xong một cảnh như thế, Vũ Phạm Chuân quăng máy nằm phượt ra vì căng thẳng. Hải Ninh giục thư ký trường quay chuẩn bị quay đúp 2. Chuân cười “không phải quay lại nữa đâu”. Xem đoạn phim tráng Hải Ninh mới thở phào yên tâm!

Khoảng giữa năm 1968, khi “Rừng O Thắm” công chiếu rộng rãi thì trước đó Vũ Phạm Chuân đã xung phong đi vào chiến trường B cùng nhóm làm phim (truyện, tài liệu của quân đội).

… Chất giọng ngậm ngùi, tác giả “Lửa đêm” Vũ Phạm Chánh đang trở về với một quá vãng buồn.

Nhà quay phim chiến trường Vũ Phạm Chuân mất ở vùng B Đại Lộc Tây Quảng Nam đêm 13 tháng 8 ta, khi ấy trăng sáng lắm. Còn 2 đêm nữa là đến Trung thu. Lúc đó anh mới 28 tuổi. Và 28 năm sau gia đình mới có điều kiện vô Đại Lộc đưa hài cốt anh về an táng ở nghĩa trang gia đình.

Hiện Bảo tàng Quân khu 5 trên Bia lưu niệm các Liệt sỹ quê miền Bắc có tên Vũ Phạm Chuân ở dòng thứ 28.

Cái cười cởi mở cố hữu như tắt lặng hồi lâu trên gương mặt khi ông nhắc đến đoạn báo tử em trai.

“Mẹ tôi ngồi trân trân trên giường hai tay bó gối mắt như lạc thần. Mãi sau mẹ mới thốt lên nó chưa chết! Mẹ vừa lĩnh tiền đi B của nó hôm qua mà. Nó bảo cuối năm về cưới vợ. Nó chưa chết đâu. Nó phải về chào mẹ rồi mới chết được”.

MỚI - NÓNG