Chàng thanh niên Nguyễn Đức Vân được cụ gọi vào Huế.
Đoạn ký ức ngắn sau đây, chúng tôi trích từ tập tư liệu hiếm hoi về cụ Phan. Ông già Bến Ngự của NXB Thuận Hoá.
“… Tôi hân hạnh được gần gũi vị lãnh tụ kính mến ấy trong vòng nửa năm khoảng từ năm 1926 đến tháng Giêng năm 1927. Lúc đó cụ đã được Pháp ân xá đưa về giam lỏng ở Huế.
Đồng bào Nam Kỳ do Phan Văn Trường làm đại diện gửi biếu cụ trên một vạn đồng. Số tiền ấy cụ nhờ người mua vườn và dựng nhà ở Bến Ngự vì thế mà có tên là ông già Bến Ngự
Nhà ấy gồm ba gian tượng trưng cho ba kỳ. Cột bằng gỗ, lợp lá, trát đất rất đơn sơ. Trong nhà chỉ bày bàn ghế sách báo. Ngoài sân có một số dụng cụ thể thao.
Nhà vừa cất xong ngay lập tức trở thành nơi nhóm họp của đủ hạng người. Người ta đến để nhìn thấy cụ, nghe cụ nói. Trong số đó có không ít bọn mật thám Pháp.
Bấy giờ ai cũng muốn gặp cụ, mà dung mạo cụ lại rất dễ nhận nên mỗi khi ra đường là bà con xúm lại ngay. Nếu cụ dừng lại một chốc thì ở đấy thành đám họp lớn.
Hồi đó ở trong nhà cụ chỉ vài ba thanh thiếu niên. Hai người con trai của cụ ở Nghệ An chỉ vào thăm cụ vài lần. Các bạn đồng chí của cụ chỉ có cụ Huỳnh Thúc Kháng ở gần còn các cụ khác thi thoảng mới ghé. Như cụ Hải Triều tức Nguyễn Khoa Văn, Đào Duy Anh, Trần Đình Nam, Nguyễn Bá Trác…
Trong nhà cụ có treo hình của Lê nin và ảnh Tôn Trung Sơn. Hình này mua của Hoa kiều trong một cuộc triển lãm… Cụ thường ca tụng Lê nin, Găng - đi vì họ là những lãnh tụ đã thực hiện công cuộc giải phóng cho nhân dân. Cụ còn có ý định thành lập một Đảng tương tự như Đảng Quốc hội của Ấn Độ gọi là Đảng Quốc dân Việt Nam, để bắt Pháp phải thừa nhận sự thành lập của Đảng. Cụ dự kiến cử người đi lấy chữ ký và con dấu ( đồng triện) của tất cả các cụ Lý trưởng trong toàn quốc. Nhưng sau một thời gian không thấy cụ nhắc gì đến đảng ấy nữa.
Trong nhà còn treo bốn bức vẽ. Trưng Vương đánh Tô Định. Quang Trung đánh Tôn Sĩ Nghị với đầy đủ quân lính voi ngựa cờ quạt.
Một bức khác vẽ cảnh đông đúc chuột vây đánh một chú mèo. Bức nữa là người đánh cá tay cắp kè kè một cây đao, một cái thớt sau lưng. Bốn bức họa ấy là do cụ gợi ý cho một sinh viên Trường Mỹ thuật Huế vẽ. Người ta không khỏi cười thầm khi mắt lão đánh cá và chú mèo có màu… xanh lơ!
Cuối năm 1926 cụ có vài hoạt động lẻ như đi diễn thuyết ở Trường Quốc học Huế và đi chơi ở Quảng Trị.
Và có một lần ra Bắc.
Chuyện là có một số học sinh Bắc Hà mời cụ ra chơi có ý để kích động phong trào trong nước. Trước khi đi cụ có tới Tòa Khâm để báo cho viên Khâm sứ Đê-loa. Đê-loa biết trước, nhưng không có cớ gì để cấm đoán cụ bèn thác cớ đi vắng. Sau vài lần không gặp, cụ viết thư tới Tòa Khâm nhờ viên thơ ký chuyển cho Đê-loa và quyết đi.
Cụ và mấy người nữa đi xe lửa ra Đông Hà. Vừa xuống tàu thì bà con đã kéo đến vây kín. Và xa xa từ các xóm làng lân cận không biết bao nhiêu người đang băng đồng chạy đến. Một sự nhạy cảm như thế thật đáng lạ!
Từ Đông Hà, cụ thuê ô tô hàng đi Vinh, khoảng 7 giờ tối thì đến nghỉ ở nhà cụ Lê Thước. Sáng sau đi tiếp. Mới được ba cây số thì có một xe băng lên ngáng đường. Một sĩ quan Pháp xuất hiện nói, theo lệnh của quan Công sứ mời cụ trở lại Vinh ngay!
Quay lại Vinh, Công sứ Marty niềm nở đón tiếp và ngỏ ý rằng dọc đường người ta sẽ không cho cụ đi tiếp…
Đến địa phận Tĩnh Gia, có xe của một sĩ quan Pháp lại gần. Y như ra lệnh “Quan công sứ Pháp có lệnh mời cụ lên xe trở vào Nam ngay”.
Biết sẽ quá nhiều phiền toái ngáng trở, cụ Phan đành phải quay xe. Công sứ Vinh lại cho xe ra đón cụ.
Nhưng khi xe đến Vinh, xe không đi vào con đường cũ Bến Thủy mà lại vòng lên phía Tây. Cụ Phan cười “có lẽ chúng đưa mình sang Lào chăng?” Mãi sau mới biết chúng sợ dân mình nhân đêm tối cướp mất cụ nên không dám đi đường số I mà theo đường vòng về thị xã Hà Tĩnh!
Tượng cụ Phan |
Khoảng 10 giờ đêm xe đến Tòa Khâm Hà Tĩnh, đèn đóm sáng rực. Công sứ Hà Tĩnh niềm nở đón tiếp cụ với những câu nói đẹp đẽ hệt như công sứ Vinh. Hai bàn ăn một ăn Âu một ăn theo kiểu Á bày ra, ai muốn ngồi đâu thì tùy.
Sáng sau ngủ dậy, công sứ Hà Tĩnh lại cho xe đưa cụ vô Quảng Bình. Gần tới tỉnh lỵ Quảng Bình lại gặp xe nói là vâng lệnh của Công sứ Quảng Bình đón cụ vào Đông Hà.
Xe tới Đông Hà đã có các mật thám Pháp chờ sẵn lấy vé cho cụ vô Huế.
Hôm sau cụ đến Tòa Khâm chất vấn thì được trả lời rằng, quan Toàn quyền Đông Dương sợ có nguy hiểm xảy ra nên không đồng ý để cụ ra Bắc”.
Nếp nhà của Ông già Bến Ngự tại Huế |
Sau chuyến ra Bắc không xong ấy cụ biết không thể hành động gì khác nên chuyên chú vào việc viết sách. Các cuốn Nam quốc dân tu tri. Nữ quốc dân tu tri đều viết vào cuối năm ấy.
… Một lần đến chơi với cụ Phan, cụ Lê Văn Huân (một đồng chí của cụ, một thức giả có tầm nhìn xa, rộng) kể lại chuyện. Hồi bị giam ở Côn Đảo, nguồn tiêu khiển độc nhất của các cụ là đọc và bình phẩm thơ văn của nhau kể cả văn chương khoa cử. Nhiều cụ rung đùi mà rằng, nước ta khi đuổi được giặc Pháp ít ra cũng phải mươi năm mở một khoa thi. Cụ Huân bình thêm, các cụ có thể hy sinh tính mạng vì việc nước nhưng chả dễ dàng dứt tình với chế độ cũ. Cho nên lúc đầu Hội (chỉ hội Duy Tân) phải dùng con bài Cường Để là có ý cả!
Cuối buổi chỉ vào cụ Phan, cụ Huân nói với anh em chúng tôi, cụ Phan là tấm gương sáng cho đồng bào trông vào, nhưng không phải là lúc hoạt động nữa. Các cháu ở đây với cụ cũng chẳng khác chi những người đã từng gần gũi Nã Phá Luân (Na-pô-lê-ông) ở đảo Sainte - Hêlène xưa. Nên biết chú ý để sau này mà tha hồ viết hồi ký!
Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu được câu nói ấy…
May mà phần lớn những chuyện chúng tôi nghe đều được cụ Phan chép trong Phan Bội Châu niên biểu rồi”...
… Đọc đến đây thêm chút bâng khuâng là hiếm có người được ở bên cạnh gần gũi một nhân vật lịch sử cụ Phan đến hơn nửa năm như cụ Nguyễn Đức Vân này. Phải chi thời gian ở Hà Nội những năm sáu mươi ấy, nhà dịch thuật Nguyễn Đức Vân bớt chút thời gian và nhà Hán học có thêm cái ham say của một người viết hồi ký thì hậu thế sẽ có những dòng giá trị một thời kỳ đặc biệt về đời thường của nhà yêu nước Phan Bội Châu?