Chuyện không của riêng ai

Chuyện không của riêng ai
TP - Hội đồng nhân dân hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM đang họp để bàn và quyết những vấn đề kinh tế- xã hội lớn trên địa bàn, trong đó có vấn nạn tắc đường, kẹt xe đang ngày càng nhức nhối ở hai đầu đất nước.

> Không thể cứ chất vấn xong rồi để đấy
> Phục vụ dân sinh hay 'làm khó' người dân?

Câu chuyện ùn tắc ngỡ tưởng chỉ là chuyện của giao thông, hóa ra không phải. Ùn tắc chỉ là bề nổi, là kết quả của hàng loạt các vấn đề bất cập khác. Từ sự yếu kém, tùy tiện trong quy hoạch nhà cửa, đường xá tới chuyện dân số nội đô gia tăng chóng mặt khó kiểm soát. Từ chuyện hệ thống giao thông công cộng quá nghèo nàn tới chuyện xe ô tô, xe máy tràn ngập, đến nỗi không có chỗ cả đi lẫn đậu.

Từ chuyện điều hành giao thông, thực thi luật pháp chưa nghiêm tới chuyện văn hóa giao thông kém kiểu “hai con dê qua cầu” khiến ách tắc ngày thêm trầm trọng. Như vậy có thể hiểu, để giải quyết tận gốc bài toán tắc đường, không có cách nào khác ngoài một chiến lược quy hoạch-phát triển tổng thể, bài bản và chặt chẽ trong một thời gian đủ dài để thực thi.

Nhưng bên cạnh đó cũng rất cần những biện pháp ngăn chặn tức thời để “5 năm nữa Hà Nội cũng chỉ tắc đường như hôm nay” - như mong ước của TS Khuất Việt Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Đại học GTVT) trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong.

Sự mong ước mang thông điệp cảnh báo này không thừa, một khi những con đường như Trung Tự - Kim Liên ngày càng lọt thỏm giữa hàng loạt chung cư mới cao vút; cao ốc, siêu thị vẫn mọc lên như nấm khắp các ngã tư, ngã năm trong thành phố, vỉa hè bị chiếm dụng không còn chỗ cho người đi bộ...

Không lo sao được khi một đô thị lớn như Hà Nội chỉ có mỗi loại phương tiện công cộng là xe buýt, lác đác vài trụ cột làm đường sắt trên cao vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, còn tàu điện ngầm mới chỉ có ở trên giấy. Không lo sao được khi hễ vắng bóng CSGT là có người sẵn sàng vượt đèn đỏ; và ngộ nhỡ có bị phạt là sẵn sàng tâm thế “làm luật”, xin xỏ thậm chí mạo xưng “cháu chú Nhanh” hay dọa “gọi điện cho Phó Thủ tướng”.

Không lo sao được khi đây đó CSGT còn bị tai tiếng, đến nỗi TPHCM vừa mới ra quy định mỗi chiến sĩ khi làm nhiệm vụ trên đường chỉ được mang 100.000 đồng trong người cho dễ bề kiểm soát.

Lo lắng là vậy, song hẳn những người tham gia giao thông chúng ta cũng phải tự nhìn lại, tự nâng tầm văn hóa giao thông cho chính mình. Nếu mỗi người đều nhường nhịn thêm chút nữa, tự giác chấp hành luật lệ hơn, chắc rằng hình ảnh giao thông thủ đô cũng sẽ văn minh hơn, không còn cảnh anh thanh niên bức xúc vác điếu cày “chỉ huy giao thông” dọc ngang trên phố như vừa qua.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG