Chuyện ít biết về 'Cô Dinh'

Ngôi chánh điện trong phủ Kiên Thái Vương - nơi thờ 5 vị vua triều Nguyễn
Ngôi chánh điện trong phủ Kiên Thái Vương - nơi thờ 5 vị vua triều Nguyễn
TP - Hôm nay 17 tháng Giêng năm Tân Sửu (28/2), con cháu, bà con dòng tộc, người thân tiễn đưa “Cô Dinh” tức bà Lê Thị Dinh - người được báo chí gần đây xem là “cung nữ cuối cùng”, “cung nữ đặc biệt” triều Nguyễn, về nơi an nghỉ cuối cùng. Danh xưng này chưa hẳn đã đúng. “Cô Dinh” ra đi, để lại những câu chuyện ít ai biết.

Như bao người dân Huế, nơi an táng cụ Lê Thị Dinh - người theo hầu cận các bậc tôn quý triều Nguyễn một thời, là một vị trí giản dị trong khu nghĩa trang nhân dân thuộc làng Dạ Lê Thượng (nay là phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, TT-Huế).

Từ khi nhà Nguyễn cáo chung hơn 75 năm trước, những con cháu hoàng thân quốc thích như bà Dinh lúc qua đời, việc tổ chức nghi lễ, mai táng cũng chẳng khác là mấy so với người thường. Nhưng nếu ngược về thời các vua Nguyễn còn trị vì, việc tang sự, chôn cất đều theo điển lệ, trong đó, những thân phận cung nhân, hay người trong hoàng tộc đều được quy định.

Tìm hiểu qua những nhà nghiên cứu về cung nữ triều Nguyễn thì được biết, tài liệu chính thức của vương triều Nguyễn dường như không ghi chép gì về thành phần cung nữ.

Trao đổi với ông Phan Thanh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - hiện là Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TT-Huế, liệu cụ Dinh có phải là một “cung nữ” thực thụ thời nhà Nguyễn. Vị giám đốc này cho rằng, thân phận bà Dinh là một người hầu cận, là cung nhân có vị trí đặc biệt thì đúng hơn. Cuối đời, khi đức Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại qua đời, cụ Lê Thị Dinh rời cung An Định về ở phủ Kiên Thái Vương để dành hết quãng đời còn lại lo hương khói, phụng thờ cho 4 vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định, sau này có thêm vua Bảo Đại.

Phủ Kiên Thái Vương (179 Phan Đình Phùng, Huế) -nơi thờ 5 vị vua Nguyễn nêu trên hiện chưa nằm trong danh mục các di tích lịch sử tại Huế. Đây là một công trình thuộc sở hữu tư nhân, nhưng vương phủ cổ xưa này vừa được con cháu Hoàng tộc nhà Nguyễn phát tâm tu bổ, tôn tạo rất chỉn chu, bài bản. Còn đối với Kiên Thái Vương, đó là một câu chuyện dài kỳ và khá ly kỳ về gia đình của một ông Hoàng triều Nguyễn. Kiên Thái Vương tên là Nguyễn Phúc Hồng Cai (1845-1876). Trong lịch sử nhân loại hiếm người được như ông: Không chỉ có 3 con làm vua, ông còn có cháu nội và chắt nội làm vua.

Theo sử sách, vua Tự Đức (Hồng Nhậm) không có con, do từ nhỏ bị bệnh đậu mùa. Khi lên ngôi ông có ba dưỡng tử là con của hai người em ruột. Trưởng tử là Ưng Chân, con đẻ của Thoại Thái Vương. Năm 1883, sau khi Tự Đức băng hà (19/7/1983) Ưng Chân được nối ngôi theo di chiếu, lấy niên hiệu là Dục Đức. Ông vua này đoản mệnh, chỉ tại vị được ba ngày. Em út của vua Tự Đức là Hồng Dật lên ngôi, hiệu là Hiệp Hòa. Rồi Hiệp Hòa cũng không tại vị được lâu; các quan Phụ chính thời đó là Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đã chọn người con nuôi thứ ba của vua Tự Đức là Ưng Đăng lên ngôi, niên hiệu là Kiến Phước.

Ưng Đăng cùng với Ưng Đường đều là con của Kiên Thái Vương. Đây là thời kỳ có nhiều biến động. Thời kỳ này lịch sử gọi là “Tứ nguyệt tam vương”. Trong vòng bốn tháng, ngai vàng ấy có đến 3 vua ngồi lên không lâu là Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước.

Kiến Phước ở ngôi được tám tháng thì qua đời đầy bí hiểm. Hai quan Phụ chính Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường chọn người em cùng cha khác mẹ của Ưng Đường và Ưng Đăng là Ưng Lịch lên ngôi, hiệu Hàm Nghi (2/8/1884). Sau ngày kinh đô thất thủ (ngày 23/5 âm lịch, ngày 5/7/1885 dương lịch), Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra sơn phòng tổ chức kháng chiến chống Pháp, triều đình do Thọ Xuân Vương Miên Định, chú ruột vua Tự Đức, làm nhiếp chính. Tháng 9/1885, theo đề nghị của các quan Đại thần và Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ, Chính phủ Pháp đồng ý đưa Ưng Đường lên ngôi, hiệu Đồng Khánh.

Chuyện ít biết về 'Cô Dinh' ảnh 1Bà Lê Thị Dinh (bìa trái), “cung nhân” triều Nguyễn lúc còn tại thế Ảnh: N.Đ.X

Vua Đồng Khánh qua đời, ngai vàng được trả lại cho con trai của vua Dục Đức là Hoàng tử Bửu Lân. Bửu Lân lên ngôi, hiệu Thành Thái, đến năm 1908 thì bị người Pháp phế truất. Con trai ông là Vĩnh San kế tục ngai vàng, hiệu Duy Tân. Năm 1916, vua Duy Tân bị người Pháp bắt đi đày sau cuộc khởi nghĩa bất thành do Thái Phiên và Trần Cao Vân chỉ huy. Ngai vàng lại trở về với con và cháu của vua Đồng Khánh. Hoàng tử Bửu Đảo lên ngôi, hiệu Khải Định (1916-1925); rồi hoàng tử Vĩnh Thụy nối ngôi, hiệu Bảo Đại (1926-1945).

“Cô Dinh”

Lại nói về bà Lê Thị Dinh, một hầu cận của đức Từ Cung. Bà Từ Cung, nhũ danh là Hoàng Thị Cúc, nguyên quán ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế. Dưới thời Duy Tân (1907-1916), bà là phủ thiếp của Phụng Hoá Công Bửu Đảo. Bà sinh hạ Hoàng tử Vĩnh Thụy vào ngày 20/10/1913. Năm 1916, khi Phụng Hoá Công lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải Định, địa vị của bà Hoàng Thị Cúc trở nên quan trọng trong Hoàng gia. Năm 1925, khi Hoàng tử Vĩnh Thuỵ nối ngôi vua cha, địa vị của bà Cúc càng quan trọng hơn. Tháng 2 năm Bảo Đại thứ 8 (1933), bà được triều đình tấn phong Đoan Huy Hoàng Thái hậu. Từ đó, bà được tôn xưng là Từ Cung.

Người kề cận chăm sóc phục vụ Thái hậu Từ Cung từ những ngày đầu ở cung Diên Thọ cho đến lúc lâm chung vào ngày 10/11/1980, chính là bà Lê Thị Dinh. Năm 8 tuổi, bà Dinh được Vương phủ chọn vào cung phục vụ bà Thánh Cung Hoàng hậu, vợ vua Đồng Khánh, và sau đó phục vụ Hoàng Thái hậu Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại. Bà Dinh sinh năm 1920, tính theo tuổi ta thì năm nay bà 102 tuổi. Bà là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến, em trai 3 vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh.

Bảo Đại là ông vua có nhiều ý tưởng cải cách nội các, thủ tục hành chính, nghi lễ, trong đó có việc bãi bỏ cung tần, mỹ nữ. Vì thế, khác với các cung nhân, cung nữ tiền triều, bà Dinh được phép lập gia đình khi còn làm việc trong cung. Chồng bà Dinh là ông Nguyễn Như Đào, tài xế của vua Bảo Đại và của cả Hoàng hậu Nam Phương. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông Đào lái xe đưa cựu hoàng Bảo Đại ra Hà Nội, ở lại miền Bắc cho đến ngày đất nước hòa bình thống nhất mới hồi hương. Vì đã có vợ thứ và hai người con, nên ông Đào ở nhà riêng tại phường Thuận Hòa, bờ bắc sông Hương.

Đối với bà Dinh, người phụ nữ này vẫn ở vậy nuôi con và dành hết tâm sức lúc cuối đời để lo hương khói, phụng thờ các vua triều Nguyễn tại phủ Kiên Thái Vương. 8 năm trước, khi ở tuổi 96, chồng cũ của bà Dinh là cụ Đào qua đời. Lúc đó, bà Dinh vẫn đến chịu tang chồng. Những ngày qua, khi cụ Dinh vừa qua đời, những người con riêng của cụ Đào cũng đến chịu tang…

Chuyện ít biết về 'Cô Dinh' ảnh 2“Cô Dinh” thời còn trẻ Ảnh: TL

Trong những lần trao đổi về “cung nữ” Lê Thị Dinh, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TT-Huế, luôn gọi bằng danh xưng“Cô Dinh”, mặc dù người phụ nữ này ở bậc bà, bậc cụ. Mới đây, tình cờ đọc một bài viết được chia sẻ về cụ Lê Thị Dinh của Trịnh Bách, nhà nghiên cứu này cũng gọi là “Cô Dinh”.

Theo nhà nghiên cứu Trịnh Bách, công việc của những người như “Cô Dinh” trong nội cung gọi là hầu cận. Các bà hầu cận nội cung này là những người được phép đụng chạm trực tiếp đến thân thể của các thái hậu, quý phi…, khi tắm rửa, mặc áo quần, chải đầu vấn khăn, làm tốt (trang điểm)…

“Họ phải là những người có vai vế cao như công chúa, quận chúa, thân cận trong hoàng tộc. Họ khác với các nữ quan hay thị nữ làm các tạp vụ, tạp dịch trong nội cung là người ngoài, thường phải giữ khoảng cách. Đối với các bà hầu cận đương nhiệm trong nội cung thì dù có là công chúa, quận chúa, người ta cũng gọi là Cô (viết hoa, nói gọn đi từ “lệnh Cô”). Gọi bằng Cô đây cũng để phân biệt với cấp bậc của các bà vợ vua trong tam cung, lục viện…” (Cô Dinh - Nhà nghiên cứu Trịnh Bách).

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.