Chuyện ít biết về bà và mẹ của Obama

Chuyện ít biết về bà và mẹ của Obama
TP- Ứng cử viên (ƯCV) Tổng thống của đảng Dân chủ ở Mỹ Barack Obama chủ yếu được mẹ và đặc biệt là bà ngoại giáo dục, bởi cha ông đã bỏ đi từ khi ông mới 2 tuổi.

Bà ngoại của người da đen đầu tiên trở thành ƯCV Tổng thống Mỹ cũng từng làm nên lịch sử: Đầu những năm 1970, Madelyn Dunham là một trong những người phụ nữ đầu tiên làm Phó thống đốc ngân hàng. “Toot” là cách gọi biến tấu từ “Tutu” tức là những người bà ở Hawaii.

Khi đến Honolulu, bà Madelyn được làm thư ký ở Ngân hàng Hawaii. Trong nhiều năm, bà dậy rất sớm, lên xe bus lúc 6 giờ 30 và là người đến công sở sớm nhất. Bà rất ít khi nghỉ phép. Dù không có nhiều bằng cấp, bà vẫn thành công. Bà cũng gặp trở ngại về màu da! Bà là người da trắng, trong khi ở Hawaii thời đó, người từ nơi khác đến thường bị phân biệt đối xử.

Trong đêm mừng chiến thắng, người mà Barack Obama nhắc tới đầu tiên chính là bà. “Cám ơn bà ngoại, người đã góp phần biến tôi thành người đàn ông như hôm nay. Đêm nay là đêm dành cho bà”. Lời cảm ơn này càng cảm động hơn vì bà Madelyn Dunham có cuộc sống không dễ dàng. Sinh ra ở Kansas, bà lớn lên trong một gia đình theo dòng giám lý khắc khổ.

Khi cô học sinh xinh đẹp này gặp Stanley Armour Dunham, chàng trai vừa bị đuổi học khỏi trường cấp ba vì tát thầy hiệu trưởng, cú sét ái tình đã đến. Ông là một người hài hước, quyến rũ, đầy mơ ước... Năm học cuối, hai người đã bí mật làm đám cưới. Bà tiếp tục sống với bố mẹ mà không hề nói với họ điều đó cho đến khi tốt nghiệp phổ thông, vào tháng 6/1940.

Hai năm sau đó, con gái họ ra đời. Trở về sau chiến tranh, ông Stanley kinh doanh bất động sản. Nhưng ông là người thích đi đây đi đó, và nhà Dunham bắt đầu một cuộc sống lưu động, chuyển từ phía Tây nước Mỹ sang đến Hawaii. Những người đã gặp bà đều mô tả Toot như một bà chủ đảm đang, rất vững vàng trong cuộc sống.

Giờ đã vào tuổi 85, bà Toot vẫn sống ở Honolulu, nơi Obama đã qua tuổi ấu thơ. Bà không ra ngoài nhiều, nhưng luôn xem cháu ngoại qua vô tuyến và mơ ước vào Nhà Trắng cùng cháu.

Stanley Ann - Người mẹ phá vỡ điều cấm kỵ

Trong các bài diễn văn của thượng nghị sĩ Obama, đôi lúc mẹ ông cũng xuất hiện. Đó là một người phụ nữ da trắng ở Kansas, lấy một người da đen Kenya, rồi một mình vật lộn với cuộc sống để lo chuyện học hành.

Năm 18 tuổi, tại Hawaii, Stanley Ann Dunham yêu người sinh viên châu Phi đầu tiên được nhập học cùng trường. Ông nổi bật và quyến rũ. Vài tháng sau, họ cưới nhau dù gia đình nhà Dunham không hài lòng.

Cuộc hôn nhân của bà Dunham không kéo dài. Năm 1963, cha của Barack nhận được học bổng Harvard và bỏ rơi vợ cùng con nhỏ. Năm 20 tuổi, Stanley Ann đã phải ly dị chồng, sống với con trai. Trở lại trường học, bà lấy một sinh viên người Indonesia và theo ông sang Jakarta cùng với Barack.

Nhưng một lần nữa, cuộc hôn nhân bị đổ vỡ sau khi Maya ra đời. Stanley Ann, bị nền văn hóa Indonesia hấp dẫn, ngày càng bản địa hóa trong khi chồng bà chỉ muốn được Mỹ hóa. Cuối cùng bà quay lại Hawaii,  làm tiến sĩ nhân chủng học và nuôi dạy các con bằng chính học bổng của mình.

3 năm sau, bà trở lại Jakarta để hoàn thành luận văn. Lần này, Obama từ chối đi cùng - một quyết định gây choáng váng đối với Stanley Ann bởi bà rất yêu con trai. Tuy nhiên, dù cách xa hàng ngàn cây số, bà vẫn là “khuôn mặt có ảnh hưởng trong những năm trưởng thành của tôi”, như Obama khẳng định.

Ông thừa hưởng ở bà sự tự tin, năng động. Nhưng ông đã chọn một cuộc sống khác. Ông định cư ở Chicago, lấy một người vợ mộc mạc, đổi sang Thiên chúa giáo.

Stanley Ann trải qua phần còn lại của cuộc đời ở Indonesia, nơi bà đã mở ra các chương trình tín dụng nhỏ. Khi bà qua đời vì căn bệnh ung thư buồng trứng ở tuổi 52, Obama đã không ở bên cạnh bà. Đó là lúc ông đang tranh cử làm thượng nghị sĩ bang Illinois lần đầu tiên.

Bạch Dương
Theo Le Point

MỚI - NÓNG