Chuyên gia nói gì về 'đồng phục' cho taxi Hà Nội

Quy hoạch số lượng taxi Hà Nội bị vỡ trận vì số lượng xe để gia tăng quá nhiều. Ảnh: A.T
Quy hoạch số lượng taxi Hà Nội bị vỡ trận vì số lượng xe để gia tăng quá nhiều. Ảnh: A.T
TPO - Cùng với Bộ GTVT phản bác quy định “mặc đồng phục” cho taxi Hà Nội, nhiều chuyên gia giao thông cũng cho rằng, quản lý vận tải hiện nay đang được thực hiện bằng công nghệ, việc phân vùng và màu sơn để quản lý taxi bằng mắt thường là không phù hợp xu thế.  

Để quản lý hoạt động của taxi, UBND thành phố Hà Nội vừa giao cho Sở GTVT hoàn thành dự thảo “Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh taxi trên địa bàn Hà Nội” (gọi tắt là Quy chế quản lý taxi). Theo dự thảo, trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 19.200 taxi truyền thống và gần 4.000 xe xin phù hiệu các tỉnh về Hà Nội hoạt động. Cùng với đó, thành phố cũng đang có khoảng 30.000 xe công nghệ hoạt động như taxi. Tổng số phương tiện đang hoạt động theo hình thức kinh doanh taxi là trên 50.000 phương tiện.

Quy chế quản lý, toàn bộ taxi trên trong thời gian tới sẽ được phân vùng hoạt động. Theo đó, vùng 1 sẽ bao gồm địa giới hành chính các quận (nội thành); vùng 2 gồm địa giới hành chính các huyện, thị xã (ngoại thành). Khi đã phân vùng, các xe tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại đây. Điều này cũng thực hiện tương tự với xe vùng 1 ra vùng 2.

Để phân biệt giữa taxi Hà Nội và taxi ngoại tỉnh hoặc “taxi dù” dự thảo cũng đưa ra quy định, toàn bộ taxi tại Hà Nội sẽ “phủ” 3 màu sơn cố định để người dân, cơ quan chức năng dễ dàng nhận biết. Cũng với đó, thành phố Hà Nội cũng thành lập một Trung tâm quản lý để điều hành toàn bộ taxi trên địa bàn Hà Nội.

Về lộ trình thực hiện, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, bắt đầu từ ngày 1/1/2019, các đơn vị taxi phải sử dụng phần mềm dùng chung của Trung tâm quản lý taxi Hà Nội. Dữ liệu phần mềm dùng chung này được kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên xe, với hành khách, lái xe và đơn vị taxi thông qua các thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng).

Sau khi lấy ý kiến các sở, ngành và tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp, UBND thành phố Hà Nội cũng vừa xin ý kiến Bộ GTVT về dự thảo quy chế quản lý taxi để chuẩn bị triển khai thực hiện vào đầu năm tới. Tuy nhiên, trong văn bản vừa gửi UBND thành phố Hà Nội, Bộ GTVT đã không đồng tình với việc Hà Nội yêu cầu các xe taxi phải sơn đồng màu.

Là người từng được Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Hà Nội mời tham gia cho ý về quy chế quản lý taxi để UBND thành phố hoàn thiện dự thảo, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, tại cuộc họp về nội dung trên tổ chức vào tháng 5/2018, ông và gần 50 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đều nhất trí việc taxi trên địa bàn Hà Nội cần phải có quy chế quản lý là phù hợp. Tuy nhiên quản lý như thế nào, giám sát ra sao để vừa hài hòa cả lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân là vấn đề được hội nghị quan tâm, bàn thảo. Theo ông Liên, đa số các ý kiến tại hội nghị đưa ra mong muốn Sở GTVT áp dụng công nghệ để giảm các thủ tục quản lý rườm rà, đang làm chậm sự phát triển của taxi truyền thống.

Vỡ trận taxi, cơ quan quản lý ở đâu?

Cho biết, quan điểm cá nhân của mình về quy định quản lý taxi theo vùng, màu sơn, ông Bùi Danh Liên nhìn nhận: ở thời buổi cách mạng công nghệ 4.0 người ta quản lý taxi nói riêng vận tải nói chung bằng công nghệ, không ai đi ra đường để giảm sát từng xe theo màu sơn, biển số hoặc tem nhãn như thế nào để có vi phạm mà xử phạt. Với công nghệ phát triển như hiện nay, chỉ cần dùng phần mềm quản lý (app), cơ quan chức năng ngồi ở nhà, thậm chí bất kỳ đâu trên thế giới cũng biết được từng xe taxi hôm nay hoạt động thế nào, đi đến những đâu…

Chuyên gia nói gì về 'đồng phục' cho taxi Hà Nội ảnh 1 Chuyên gia cho rằng, taxi cần quản lý bằng công nghệ thay vì luật lệ rườm rà.  

Theo ông Liên, khoa học, công nghệ có thể làm đến như thế thì cần gì phải phân vùng hay màu sơn làm gì. Vậy nhưng, ngoài tuân thủ Luật Giao thông, hiện này mỗi taxi truyền thống tại Hà Nội đang phải chịu tới 17 thủ tục (giấy phép con) ràng buộc. “Nay nếu thêm màu sơn, phân vùng nữa là thêm 2 loại thủ tục. Đây là việc không cần thiết. Hơn nữa, việc này có thực hiện sẽ vừa không hiệu quả, vừa chứng minh sự khôi hài của cơ quan quản lý”, ông Liên nhấn mạnh.

GS.TS Từ Sĩ Sùa, Đại học GTVT cũng nhìn nhận, nếu nhìn vào các điều kiện quản lý và cấp phép kinh doanh taxi ở Hà Nội, ông cho rằng Hà Nội là thành phố quản lý taxi tốt nhất thế giới. Tuy nhiên, nhìn về quy hoạch thì thấy sự thất bại về quản lý. Ông đơn cử, quy hoạch đến năm 2020 toàn thành phố sẽ có 25.000 taxi, và từ năm 2012 thành phố Hà Nội đã dừng cấp phép taxi nhưng đến nay chưa đến mốc thời gian trên nhưng Hà Nội đã có hơn 50.000 xe taxi. “Đi ra đường nhiều tuyến phố, taxi hiện đang nhiều hơn cả các loại ô tô, gây ùn lắc liên miên. Vậy trong nhiều năm qua, cơ quan chức năng quản lý hiệu quả đến đâu?”, ông Sùa đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.