Nguyên nhân của bệnh gan nhiễm mỡ
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng - Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gan nhiễm mỡ là do uống rượu. Chưa có con số thống kê chính xác nhưng phải tới quá nửa số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh về gan đều có liên quan đến rượu.
nhiên, cũng có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến gan nhiễm mỡ như rối loạn chuyển hóa, chế độ ăn uống, vận động…Vì vậy trong giới chuyên môn người ta chia ra hai nhóm: Gan thoái hóa mỡ do rượu và gan thoái hóa mỡ không do rượu.
Nghiên cứu nhóm bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu người ta nhận thấy có rất nhiều nguyên nhân (ngoài rượu) dẫn đến tình trạng gan thoái hóa mỡ như: mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...) hoặc sử dụng thuốc quá liều. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân lười vận động, béo phì, mắc các bệnh về gan hoặc do tác động xấu của tâm lý.
Ngoài ra, các thống kê cũng cho thấy nếu chế độ ăn quá nhiều chất béo, nhiều đường hoặc quá ít chất đạm cũng có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ. Trong hầu hết trường hợp, chất béo ứ đọng chủ yếu ở gan là triglyceride nhưng trong một số trường hợp phospholiphids chiếm đa số.
vậy, nếu các chỉ số về triglyceride và phospholipids vượt quá chỉ số bình thường, rất có khả năng dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Hậu quả của gan nhiễm mỡ
Gan là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể người. Ngoài chức năng lọc độc tố, gan còn có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa chất đường và các axit béo thành năng lượng, chất dinh dưỡng đi nuôi các cơ quan khác trong cơ thể. Khi gan bị nhiễm mỡ, gan sẽ bị tổn thương, chức năng gan hoạt động sẽ không bình thường nên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.
Gan nhiễm mỡ còn được gọi là thoái hóa mỡ gan do sự tích lũy chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan hoặc thấy nhiều hơn 5% số tế bào gan chứa các hạt nhỏ.
Thời gian đầu, gan nhiễm mỡ không làm ảnh hưởng gì đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể cũng như hoạt động sống hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được khắc phục sớm, gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển nặng hơn, gây những tổn thương nghiêm trọng: làm giảm các chức năng gan, phá hủy các tế bào gan gây xơ gan, viêm gan và có một tỉ lệ nhỏ có biến chứng ung thư gan.
Theo PGS. Hồng, hậu quả đáng lo ngại nhất của gan nhiễm mỡ là xơ gan. Những trường hợp gan nhiễm mỡ không kèm viêm gan thường có một giai đoạn lâm sàng lành tính 10-15 năm, sau đó mới có thể xơ gan. Trong khi đó ở người có tiền sử mắc bệnh viêm gan (viêm gan virus, sốt rét) có đến 25% số người gan nhiễm mỡ sẽ tiến triển đến xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Gan nhiễm mỡ có biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng của gan nhiễm mỡ rất nghèo nàn, hầu như không có dấu hiệu gì đáng lưu ý. Chỉ có một vài bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải hoặc vùng thượng vị lệch sang phải. Tuy nhiên đó không phải là những triệu chứng đặc hiệu cho một nhóm bệnh nào nên thường bị thầy thuốc và bệnh nhân bỏ qua.
Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ sau một xét nghiệm máu thường quy hoặc xác định bởi một bệnh khác thấy men gan SGOT, SGPT, GGT tăng cao hoặc sau khi có kết quả siêu âm. Trường hợp gan nhiễm mỡ cấp tính bệnh nhân sẽ bị vàng da, suy gan, có biểu hiện rối loạn tâm thần.
Điều trị và phòng ngừa gan nhiễm mỡ như thế nào?
Theo PGS. Hồng, ở Việt Nam, các bệnh nhân gan thoái hóa mỡ thường đồng thời mắc nhiều bệnh khác như viêm gan B, C nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Gan nhiễm mỡ do tích lũy quá nhiều lượng mỡ ở gan, do vậy việc điều trị cần phải giải quyết theo nguyên nhân. Các loại thuốc đặc hiệu dùng để điều trị gan nhiễm mỡ hiện nay chưa có nhiều, vì vậy việc dùng thuốc để điều trị không đơn giản.
Do đó nên dùng thuốc gì cần có chỉ định của bác sĩ, người bệnh không tự mua thuốc để điều trị, làm như vậy bệnh không những không khỏi mà còn có thể làm tăng gánh nặng cho gan khiến bệnh trầm trọng thêm.
Việc phòng gan nhiễm mỡ là hết sức cần thiết. Nếu bị thừa cân, béo phì nên áp dụng chế độ ăn hợp lý, giảm đường, mỡ, các loại thực phẩm giàu cholesterol và triglycerid (phủ tạng, lòng đỏ trứng, thịt đỏ), da (gà, vịt, ngỗng, ngan)…
Cùng với đó, cần hạn chế dùng mỡ động vật (trừ dầu cá), hạn chế ăn lòng động vật (lợn, gà, trâu, bò), thay vào đó là dùng dầu thực vật như dầu mè, dầu lạc, đậu nành...
Tăng cường ăn cá vào các bữa ăn chính (mỗi tuần có khoảng 2-3 ngày ăn cá thay cho ăn thịt); Hạn chế hoặc bỏ rượu, bia; Tăng cường ăn các loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu như tỏi ta, giá đỗ, cà chua chín và ăn nhiều rau trong các bữa ăn chính; Tráng miệng bằng các loại quả có nhiều vitamin như cam, quýt, xoài, đu đủ, thanh long.
Ngoài ra, cần tăng cường vận động cơ thể với mọi hình thức khác nhau tùy theo điều kiện của từng người như chơi thể thao (cầu lông, tennis, bóng bàn), bơi, đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh...
Cần có giấc ngủ tốt để cho tinh thần luôn thoải mái giúp cơ thể điều hòa, chuyển hóa nhịp nhàng; Nên khám bệnh định kỳ để biết tình trạng sức khỏe của bản thân và phát hiện điều trị kịp thời.