Ông Doanh cho biết, cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Trung Quốc đang thể hiện rõ tình trạng lệ thuộc bất đối xứng, nguy hiểm thuộc về Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam, năm 2013, nước ta nhập khẩu từ Trung Quốc 36 tỷ 960 triệu USD, bằng 28% tổng nhập khẩu của nước ta nhưng chỉ tương đương 1% tổng xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi nước ta xuất khẩu sang Trung Quốc 13 tỷ 320 triệu USD, bằng 10% tổng xuất khẩu của nước ta.
Các ngành như dệt may, da giày có tỷ lệ nhập khẩu trên 50% số nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Trung Quốc rất giỏi trong việc quà cáp, tiếp đãi các giám đốc ký kết hợp đồng với họ. Trong số 5,5 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc mà số liệu của Hải quan Việt Nam không phản ánh có rất nhiều sản phẩm hoàn toàn không cần thiết như ô mai, tăm xỉa răng v.v. và nhiều sản phẩm có hại cho sức khỏe mà chính báo chí Trung Quốc cũng thừa nhận.
Ngoài lĩnh vực thương mại, Trung Quốc còn nhận tổng thầu 23/24 nhà máy xi măng, 5/20 dự án nhiệt điện. Nhiều tỉnh biên giới đã cho Trung Quốc thuê đất trồng rừng ở những địa bàn chiến lược. Thực trạng đó không chỉ phản ánh sự yếu kém của công nghiệp và dịch vụ trợ giúp trong dệt may và da giày mà còn thể hiện sự mất cảnh giác rất nghiêm trọng. Do đó, hơn bao giờ hết, cần đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn lậu qua biên giới, kể cả xuất lậu lẫn nhập lậu.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào khoa học công nghệ, nâng cao nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh. Nếu làm quyết liệt, sau vài năm chúng ta sẽ mạnh lên và có thể tiếp tục hợp tác một cách bình đẳng, hai bên cùng có lợi với nền kinh tế và các doanh nghiệp Trung Quốc.