Để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc - làm thế nào? - Bài 4:

Tăng xuất khẩu, tiêu thụ nội địa để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Ngành dệt may đang có chương trình giảm dần phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Ảnh: Phong Cầm
Ngành dệt may đang có chương trình giảm dần phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Ảnh: Phong Cầm
TP - Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong ngành dệt may, giày dép, thủy hải sản đang đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu từ các nước châu Á ngoài Trung Quốc, tăng xuất khẩu thành phẩm, để ý hơn tới thị trường trong nước…

Nhập siêu lớn

“Vì nhập siêu rất lớn từ Trung Quốc nên nền kinh tế Việt Nam có sự lệ thuộc nhất định vào thị trường này”, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nói. 

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), vì nhập khẩu nguyên liệu lớn nên phần giá trị gia tăng doanh nghiệp (DN) tạo ra rất ít. Ngoài ra, Việt Nam còn tiêu thụ công nghệ cho các DN Trung Quốc.

“Nguy hiểm hơn, thương lái Trung Quốc còn vào nước ta mua đủ thứ (mầm cây thảo quả, lá khoai lang, móng trâu, rễ hồ tiêu...) và cũng không ít lần thương lái Trung Quốc thao túng thị trường tạo nên những cơn sốt giá nông, thủy, hải sản sau đó không mua khiến người dân khốn cùng vì hàng hóa bị rớt giá”, vị này nói.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa có công văn gửi các DN trong ngành, đề nghị cung cấp số liệu nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may gồm bông, xơ sợi, vải, các loại phụ liệu khác (chỉ, bông tấm lót, mex, cúc, khóa kéo...), thuốc nhuộm từ thị trường Trung Quốc giai đoạn 2013-2014.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Vitas, cho biết, từ số liệu được các DN cung cấp, Vitas sẽ nắm rõ hơn chủng loại, số lượng nguyên phụ liệu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc để làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển nguồn cung ứng trong nước. Đồng thời, tìm kiếm thị trường cung ứng thay thế, hướng đến mục đích cuối cùng là tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

“Các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc đang được Vitas đề xuất DN chủ động giao thương, tìm kiếm nhà cung ứng là Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ”, bà Dung cho biết.

Tăng tiêu thụ trong nước

Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, Việt Nam cần xem xét điều chỉnh, giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô và hướng đến chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng chất xám trong sản phẩm xuất khẩu. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng, đây là cơ hội, là cú hích để DN trong nước, nhất là ngành dệt may, da giày tìm kiếm giải pháp giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo ông Hải, quan hệ kinh tế Việt - Trung vẫn đang tiếp tục phát triển là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. 

Các hoạt động xuất nhập khẩu vẫn đang diễn ra bình thường, kể cả qua đường chính ngạch hay tiểu ngạch. “Việt Nam đang xuất siêu sang Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc như dệt may, da giày, thủy hải sản. Chúng ta nuôi con cá nhưng thức ăn cũng phải mua từ Trung Quốc”, ông Hải nói.

Về cơ cấu xuất nhập khẩu hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Hải nói rằng, trước đây, nhiều người đã nói Việt Nam không nên quá phụ thuộc vào một thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu. Vì vậy, ngay từ sớm, Bộ Công Thương đã có hệ thống giải pháp đồng bộ để giảm nhập siêu, giảm phụ thuộc từ nước láng giềng. Cơ bản, đó là những biện pháp nhằm thúc đẩy tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu đối với thị trường này. 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc tăng xuất khẩu đang được thực hiện khá tốt. Bốn tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 28,4%. “Đây là con số rất ấn tượng, là cách rất tốt để giảm nhập siêu”, ông Hải nhấn mạnh. 

Về việc giảm nhập khẩu, ông Hải cho rằng, phải bằng cách tăng cường sản xuất hàng hóa trong nước và vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Với 90 triệu dân Việt Nam mà ưu tiên dùng hàng Việt sẽ tạo ra lượng kim ngạch không nhỏ, góp phần làm giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. 

Ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công Thương, cho biết, Việt Nam đã tự sản xuất, nhiều mặt hàng (hoa quả, giày dép, quần áo, thủy sản...) với chất lượng có thể xuất khẩu mạnh sang các nước châu Âu, Mỹ..., nhưng nhiều người Việt vẫn chưa chú trọng lựa chọn ưu tiên dùng hàng Việt.

“Nhiều mặt hàng ta sản xuất được, đã xuất khẩu được, tại sao người Việt lại không dùng mà dùng hàng ngoại giá cao hơn?”, Bộ trưởng Hoàng nói.

Theo Bộ Công Thương, để thúc đẩy sản xuất trong nước và chuẩn bị sẵn sàng cho các điều kiện khai thác cơ hội đến từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, nhiều DN sản xuất sợi quy mô lớn trong nước đã có kế hoạch mở rộng đầu tư, nâng cao năng lực cung cấp sợi, giảm dần giá trị nhập khẩu.

Lật tẩy trò thu mua hoa thanh long của thương lái Trung Quốc

Ngày 12/6, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh long ruột đỏ Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), nói rằng, cách đây mấy tháng có một số thương lái Trung Quốc đến liên hệ đặt mua hoa thanh long khô giá 50.000 kg (10 kg hoa tươi được 1kg hoa khô) số lượng không hạn chế, để chế biến trà xuất khẩu.

“Khi tôi yêu cầu ký kết hợp đồng thu mua thì các thương lái cho rằng khi nào có đủ số lượng theo yêu cầu sẽ ký hợp đồng. Bị lật tẩy nên từ đó đến nay họ không quay trở lại”, ông nói. 

Tại tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng và nhiều địa phương khác, thương lái thông báo thu mua bông thanh long trước khi nở một ngày, không phân biệt lớn nhỏ với giá 3.500 đồng/kg là chiêu lừa mới, nhà vườn nên cảnh giác vì cây thanh long sẽ kiệt sức vụ sau, chưa kể khi nông dân ồ ạt phát triển cây thanh long, sản lượng cung vượt cầu sẽ không có nơi tiêu thụ, ông Thân nói. 

Diệu Hiền

MỚI - NÓNG