Theo Ban tổ chức, những năm gần đây, tỉ lệ học sinh thi đại học vào các ngành Kinh tế cao hơn nhiều so với Khoa học và Xã hội. Trong khi đó, trên thực tế, nhu cầu nhân lực cho khối Khoa học và Xã hội đang rất cao, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024 là năm cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Kể từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi, đòi hỏi học sinh cần định hướng nghề nghiệp sớm và chuẩn xác. Chương trình nhằm cung cấp thông tin mới nhất về quy định, mốc thời gian tuyển sinh năm 2024.
Việc giúp học sinh định hướng đúng ngành, nghề để có lựa chọn chính xác cho bản thân trong năm nay là vô cùng quan trọng.
Tại chương trình đối thoại, tư vấn cho học sinh THPT của Hà Nội, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý học sinh là cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh, đề án tuyển sinh ở những trường mình đang tìm hiểu để nắm rõ các quy định.
Ngoài ra, thí sinh cũng cần lưu ý dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển sớm thì thí sinh vẫn chưa thực sự trúng tuyển. Các em cần phải đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển sớm này lên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian đăng ký xét tuyển. Nếu bỏ sót bước này, kết quả trúng tuyển sớm của các thí sinh sẽ không có hiệu lực.
TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) lưu ý học sinh là cần nghiên cứu kỹ quy chế tuyển sinh |
Các chuyên gia cũng khuyên học sinh chuẩn bị tâm thế, kiến thức vững vàng chuẩn bị bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay. Theo đó, có 4 yếu tố để giúp các em vững tâm bước vào kỳ thi đó là: chuẩn bị tốt sức khoẻ.
Cụ thể, trước kỳ thi, các em học sinh cần lên kế hoạch sinh hoạt khoa học, đảm bảo ăn đủ chất, ngủ đủ giấc. Việc này giúp các em tiếp thu bài tốt hơn. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động thể thao cũng giúp các em có thêm năng lượng, tập trung tinh thần tốt hơn.
Thứ hai là phải có kế hoạch ôn thi, phân bổ thời gian hiệu quả, đồng đều. Trong đó, xếp nhiều thời gian cho những môn còn kém.
Thứ 3 là luyện tập thật nhiều để giúp các em có kiến thức vững vàng.
Yếu tố cuối cùng, là phải tin tưởng vào bản thân mình, vững tâm vượt qua kỳ thi. Ai cũng có nỗi sợ riêng, tuy nhiên hãy thiết lập cho mình một niềm tin và nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.
Học sinh đặt câu hỏi cho chuyên gia tại chương trình. |
Các chuyên gia từ các trường đại học cũng đã trả lời, giải đáp băn khoăn của học sinh về định hướng nghề nghiệp, chọn ngành, chọn trường cùng nhiều lưu ý quan trọng khác khi đăng ký xét tuyển.
Đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân cũng sẽ chia sẻ, truyền cảm hứng động lực thúc đẩy các em học sinh theo đuổi ước mơ, qua đó tạo môi trường tư vấn chất lượng và đa dạng để giúp các em học sinh THPT hiểu rõ hơn về các lựa chọn học tập và nghề nghiệp phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô, hoạt động hướng nghiệp, tư vấn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các em học sinh THPT và toàn xã hội, góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu phù hợp. Hướng nghiệp càng sớm giúp các em có thời gian để chuẩn bị tinh thần, kiến thức cũng như tìm hiểu sâu về nghề từ đó có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân và nhu cầu của xã hội.
“Người chịu trách nhiệm và ra quyết định chọn ngành, chọn trường sau khi tốt nghiệp THPT chỉ có thể là chính các em học sinh. Để trở thành công dân số và thích ứng với sự phát triển không ngừng của công nghệ 4.0, các bạn cần phải trang bị sự hiểu biết, tự tin và chủ động ngay từ bây giờ”, ông Nguyễn Mạnh Hưng nhấn mạnh.
Chương trình do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Trường ĐH Thành Đô và các đơn vị tổ chức nhằm cung cấp cho các học sinh THPT những thông tin về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề; đồng hành cùng các em trên hành trình lập thân, lập nghiệp; giúp các em hiểu rõ hơn về các ngành nghề trong khối Khoa học và Xã hội, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp; góp phần giải quyết tình trạng mất cân bằng trong lựa chọn ngành nghề hiện nay, hướng đến sự phát triển cân bằng của các lĩnh vực trong xã hội.