Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với sự tham gia của hơn 100 trường Đại học, hàng chục nghìn thí sinh, phụ huynh tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đã có cơ hội được tiếp cận với nhiều nội dung của mùa tuyển sinh năm nay. 

Sáng nay, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2023 do báo Tuổi trẻ TPHCM phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức đã nhận được nhiều băn khoăn, thắc mắc của thí sinh, phụ huynh tham gia.

Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023 ảnh 1

Anh Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn tới thăm gian hàng của Trường Đại học Thủy lợi. Ảnh: TLU

Một phụ huynh ở Hà Nội có hai con đang học THPT cho biết đã nghiên cứu khá kỹ chương trình Toán của con và thắc mắc những phần kiến thức quá hàn lâm như tích phân, vi phân, đạo hàm không biết có cần thiết để sinh viên học ở bậc đại học hay không. Nếu không thì ông không hiểu con phải học những kiến thức hàn lâm đó để làm gì. Câu hỏi này khiến ban tư vấn xôn xao và phải cùng trao đổi.

Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023 ảnh 2

Trên 20.000 học sinh, phụ huynh tham gia Ngày hội

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay đây là chủ đề được tranh luận khá nhiều và ông rất quan tâm. Theo PGS Điền, nhiều người nói môn Toán học của Việt Nam nặng nhưng so với các trường Đại học đào tạo kỹ thuật, công nghệ của Pháp, của Đức vẫn nhẹ hơn nhiều.

Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023 ảnh 3

Thí sinh quan tâm nhiều đến các ngành Công nghệ

Ông không trả lời trực tiếp cho câu hỏi của vị phụ huynh nhưng khẳng định bản thân học và giảng dạy chuyên ngành Cơ điện tử - Điều khiển robot, ông phải sử dụng nhiều kiến thức về Toán dưới dạng các lập trình. Nếu không trải qua các bài toán như đạo hàm, vi phân, tích phân thì sẽ không thể đạt được đến trình độ cao trong khoa học kỹ thuật. Vì tất cả các lập trình của công nghệ phần lớn đều dựa trên phương trình vi phân.

Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023 ảnh 4

Khối trường quân đội cũng được rất nhiều thí sinh quan tâm

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa chia sẻ chuyên môn của ông cũng cần rất nhiều kiến thức về Toán. Nhưng không phải tất cả các ngành học đều đòi hỏi đào tạo Toán học như nhau. Do đó, trong chương trình học của Trường, tùy mức độ được xây dựng chương trình môn Toán theo yêu cầu phù hợp.

Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023 ảnh 5

Nhiều phụ huynh cùng con đến tìm hiểu ngành nghề đào tạo

Còn PGS. TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho hay nhà trường có 10 ngành ngôn ngữ và các ngành đào tạo khác. Trong đó, các ngành ngôn ngữ chỉ yêu cầu môn Toán khi xét tuyển đầu vào để đánh giá tư duy, không yêu cầu sinh viên phải học. Các ngành còn lại, tùy từng mức độ sinh viên sẽ phải học môn Toán.

Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023 ảnh 6

Ban tư vấn giải đáp các thắc mắc của thí sinh

Một thí sinh đặt câu hỏi đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nhưng khi đăng ký chỉ đặt là nguyện vọng 2. Lúc xét tuyển không trúng nguyện vọng 1, vậy kết quả trúng tuyển ở nguyện vọng 2 có được bảo lưu?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&Đ khẳng định trong quy chế, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường không được bắt buộc thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm phải đăng ký nguyện vọng đó là nguyện vọng 1. Vì vậy, kết quả trúng tuyển của thí sinh hoàn toàn được bảo lưu.

"Con thích học kế toán, nhưng đó lại là một trong số ngành sẽ biến mất trong tương lai nên bố mẹ rất băn khoăn có nên để con chọn ngành này", học sinh Nguyễn Thu Thủy, Hà Nội hỏi.

Những câu hỏi 'xoắn não' tại ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học 2023 ảnh 7

Tại ngày hội, thí sinh có thể quét mã QR để đăng ký thông tin xét tuyển sớm

Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều ngành học sẽ có những điều chỉnh về chương trình, mục tiêu đào tạo để sát nhu cầu về nhân lực. Trong đó công nghệ là phương tiện để ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau chứ không phải công nghệ thay thế hoàn toàn một số ngành.

PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương cho rằng không chỉ ngành Kế toán mà nhiều ngành cũng đang gặp thách thức trước những biến động và sự phát triển của công nghệ. Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp.

Tuy nhiên, công nghệ không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm.

Phát biểu tại Ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định năm 2023, Bộ vẫn cơ bản tiếp tục giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh như năm 2022. Về tuyển sinh, Bộ chủ yếu cải tiến về mặt kỹ thuật, ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa, giảm thiểu các sai sót đối với thí sinh, đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, cũng như tạo sự thuận lợi cho các cơ sở đào tạo trong quá trình tổ chức xét tuyển.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.