Tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023: Không giao chỉ tiêu nếu không cấp kinh phí đào tạo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những tưởng khi có quy định được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí, nhóm ngành đào tạo giáo viên sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thu hút người giỏi theo học. Tuy nhiên, khi triển khai, quy định này vẫn còn cách xa thực tế một khoảng rất lớn.

Chia sẻ tại Hội nghị tuyển sinh ĐH 2023 vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, TS. Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội - cho biết với các trường ĐH, CĐ đào tạo giáo viên cấp trung ương, kinh phí chi trả học phí và sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm được ngân sách Nhà nước cấp trực tiếp. Nhưng vấn đề này chưa có hướng giải quyết đối với một số trường ĐH, CĐ địa phương.

Ông Tuân nêu thực tế từ năm 2021, triển khai Nghị định 116, đến nay chuẩn bị bước vào năm học thứ 3, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội chưa được nhận kinh phí để chi trả cho sinh viên.

Sau khi trường có ý kiến, Bộ GD&ĐT cho biết ngân sách do địa phương trả. Nhưng thực tế, địa phương lại khẳng định không đặt hàng nên nhà trường đứng giữa gặp rất nhiều khó khăn.

Tuyển sinh ngành sư phạm năm 2023: Không giao chỉ tiêu nếu không cấp kinh phí đào tạo ảnh 1

Bộ GD&ĐT, các tỉnh, thành phố cần tìm hướng giải quyết vấn đề hỗ trợ kinh phí đào tạo giáo viên (ảnh: Nghiêm Huê).

Năm học 2021 - 2022, hơn 500 sinh viên Trường ĐH Thủ đô có nhu cầu và làm đơn đề nghị hưởng cũng như cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt đến nhà trường. Nhưng đến hết năm học, những sinh viên này vẫn không nhận được khoản chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116 quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Nghị định 116 đã quy định rõ, các trường địa phương là do tỉnh, thành phố đó chi trả; Luật Ngân sách không cho phép ngân sách Trung ương cấp trực tiếp về các trường ĐH, CĐ địa phương.

Ông Sơn cho rằng, TP Hà Nội cần có trách nhiệm chi trả kinh phí này cho Trường ĐH Thủ đô Hà Nội. Bộ đã nhiều lần có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về vấn đề này.

“Năm nay, địa phương nào không cấp kinh phí theo Nghị định 116 thì Bộ sẽ không cấp chỉ tiêu cho các trường thuộc địa phương đó. Đây là vấn đề trách nhiệm của cả hai phía địa phương và nhà trường”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, thông tin, từ năm 2022, Bộ GD&ĐT chính thức giao chỉ tiêu cho các trường đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu của địa phương. Do vậy, nếu địa phương nào không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong tương lai thì không có căn cứ để giao chỉ tiêu cho trường ĐH, CĐ có đào tạo sư phạm của địa phương.

Ghi nhận từ thực tế cho thấy vấn đề đào tạo sư phạm theo đặt hàng của địa phương hiện nay còn gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho giáo sinh sau khi tốt nghiệp. Ví dụ gần đây nhất là đề án đào tạo sư phạm chất lượng cao của Trường ĐH Hồng Đức và tỉnh Thanh Hóa. Sinh viên theo học dù đã được cấp học bổng, ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình học nhưng đầu ra lại bị “tắc” do vẫn phải theo quy định tuyển dụng viên chức chung, không có trường hợp ngoại lệ hay đặc cách.

MỚI - NÓNG