Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, Nguyễn Thu Thủy, thống kê kết quả tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2022 cho thấy số liệu thí sinh nhập học toàn quốc là 521.263, đạt 83,39%. Trong đó, tỉ lệ thí sinh nhập học trên toàn quốc theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ chiếm đa số, lần lượt là 47,98% và 37,18%.
Tuy nhiên, một số phương thức xét tuyển chưa hiệu quả, một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển. Ngoài 2 phương thức trên, các phương thức còn lại chỉ đạt tỉ lệ dưới 2%. Trong đó có những phương thức đạt 0% như phỏng vấn; 0,01% đối với phương thức xét tuyển kết hợp học bạ và phỏng vấn…
Một số phương thức xét tuyển có tỉ lệ thí sinh nhập học rất thấp. Nguồn: Bộ GD&ĐT |
Từ kết quả phân tích, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng các cơ sở đào tạo cần đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển để từ đó loại bỏ phương thức không hiệu quả, gây nhiễu thông tin hoặc những phương thức không đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thí sinh.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia TPHCM khẳng định khi đưa ra các phương thức xét tuyển, các cơ sở đào tạo đều dựa trên các kết quả nghiên cứu, đánh giá. Việc phương thức này có ít thí sinh nhập học không có nghĩa là kém hiệu quả.
Ông Chính lấy ví dụ như tại ĐH Quốc gia TPHCM năm 2022 có đưa ra phương thức xét tuyển thẳng mỗi trường THPT 1 thí sinh học tập tốt nhất. So với các phương thức khác, phương thức này có tỉ lệ thí sinh nhập học rất thấp nhưng đó là chính sách thu hút tài năng của ĐH này.
PGS. TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương cũng khẳng định năm nay, Nhà trường giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển như những năm qua.
Theo bà Hiền, Nhà trường đã đối sánh kết quả học tập của sinh viên sau khi vào học giữa các phương thức xét tuyển cho thấy không có sự chênh lệnh. Chính vì vậy nên Trường ĐH Ngoại thương kiên định với các phương thức xét tuyển đã được đưa ra.