'Chuyển đổi xanh không thể là hành động đơn độc của từng doanh nghiệp'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - "Chuyển đổi xanh không thể chỉ là hành động đơn lẻ, đơn độc của từng doanh nghiệp. Nó cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, của mỗi người dân", PGS, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - cho biết. 

Sáng nay (26/6), tại Hà Nội diễn ra lễ phát động Chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - vì tương lai xanh”, nhằm kêu gọi toàn thể cộng đồng chung tay, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi xanh vì hôm nay và mai sau.

'Chuyển đổi xanh không thể là hành động đơn độc của từng doanh nghiệp' ảnh 1

Lễ phát động Chiến dịch mãnh liệt tinh thần Việt Nam - vì tương lai xanh” tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - ghi nhận, đánh giá cao ý tưởng và việc khởi xướng chương trình.

“Đây là hành động thiết thực để góp phần cụ thể hóa những mục tiêu mà Đảng, Chính phủ và nhân dân ta đang hướng tới. Đó là mục tiêu đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030: “Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh với năng lực sản xuất mới, tự chủ, khả năng thích ứng, chống chịu cao, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền của các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn”. Đó cũng một trong những hành động thiết thực, cụ thể để thực hiện cam kết hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26”, ông Lê Công Thành phát biểu.

'Chuyển đổi xanh không thể là hành động đơn độc của từng doanh nghiệp' ảnh 2

Ông Lê Công Thành - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - phát biểu tại buổi lễ.

Để thực thi cam kết này, tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải”. Theo lộ trình, đến năm 2040, Việt Nam sẽ dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam - cho biết ô nhiễm không khí (bụi mịn PM2.5) đang là vấn đề nóng bỏng của nhiều thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội và TPHCM.

“Qua theo dõi số liệu quan trắc mấy năm gần đây, tại Hà Nội, có năm có tới hơn 30% số ngày trong năm chỉ số chất lượng không khí ở mức xấu và mức kém. Đáng lo ngại hơn là xu thế này không giảm mà ngày càng tăng. Nhiều người đã dùng từ “mùa ô nhiễm” thay cho “mùa đông” ở các tỉnh miền Bắc”, TS. Hoàng Dương Tùng nói và cho rằng chuyển đổi xanh là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi. Chuyển đổi xanh trong sản xuất, trong phát triển kinh tế, trong tất cả mọi lĩnh vực.

'Chuyển đổi xanh không thể là hành động đơn độc của từng doanh nghiệp' ảnh 3

TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam - tại buổi lễ.

Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam đưa ra những chính sách giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông như: Sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường, cũng như hệ thống xe buýt và sân bay công cộng; đưa ra chính sách bắt thăm xổ số cho những người muốn dùng xe xăng/dầu; yêu cầu những xe cũ, gây ô nhiễm không được sử dụng và phải bị thu hồi, hủy bỏ; tăng cường thanh tra, kiểm tra khí thải các phương tiện giao thông chạy nhiên liệu hóa thạch trên đường; thắt chặt tiêu chuẩn phát thải đối với xe tải chạy dầu.

Tại chương trình, PGS TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - cho hay: “Phát triển xanh là một sứ mệnh lịch sử - thời đại, là nhiệm vụ có tính toàn cầu. Nó không chỉ có tầm quan trọng to lớn mà còn là mệnh lệnh sống còn đặt ra cho cả thế giới, cho tất cả quốc gia, doanh nghiệp, cho mọi cá thể.

Theo ông Thiên, việc thực hiện sứ mệnh lịch sử đó đang đặt ra như một thách thức gay gắt bậc nhất, đòi hỏi sự đồng lòng, chung sức ở tầm trí tuệ cao nhất, với quyết tâm hành động mạnh mẽ nhất của tất cả chúng ta.

'Chuyển đổi xanh không thể là hành động đơn độc của từng doanh nghiệp' ảnh 4

PGS TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

"Chúng ta thấy được rằng, chuyển đổi xanh không thể chỉ là hành động đơn lẻ, đơn độc của từng doanh nghiệp. Nó cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp ở tất cả các lĩnh vực, của mỗi người dân. Việt Nam đã có những cam kết chuyển đổi xanh mạnh mẽ với cả thế giới.

Mục tiêu “zero carbon 2050” là một trong số đó. Nghĩa là tuy đi sau, chưa thực sự mạnh mẽ, song Việt Nam dám chấp nhận thách thức và hành động. Đặc biệt, Việt Nam coi thách thức đó chính là một cơ hội tầm lịch sử, thời đại, là động lực mạnh để tiến vượt và tiến kịp thế giới", ông Thiên chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup - khẳng định xe điện là giải pháp hiệu quả nhất giúp làm giảm phát thải CO2. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí đã và đang trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sức khỏe và tương lai của nhân loại, xe điện được cả thế giới đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả nhất giúp làm giảm phát thải CO2 cho một tương lai xanh hơn và bền vững hơn.

'Chuyển đổi xanh không thể là hành động đơn độc của từng doanh nghiệp' ảnh 5

Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup.

"Chúng tôi quyết tâm đẩy nhanh lộ trình phát triển xe điện và kiên định với lựa chọn này, cho dù đây là một trong những lĩnh vực khó nhất, tốn nhiều nguồn lực nhất và cạnh tranh khốc liệt nhất. Mong muốn của chúng tôi là đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế”, ông Quang cho biết và nói thêm: “Muốn đi xa chúng ta phải đi cùng nhau, chúng tôi không thể làm được điều đó một mình".

MỚI - NÓNG