Chuyện của một người Anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) khi mới 23 tuổi trong mịt mùng đạn lửa, Dương Công Sửu còn nổi danh là một trong những người có thành tích đặc biệt xuất sắc với 15 lần nhận danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”.

Dịp kỷ niệm 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2022), chúng tôi đến thăm gia đình Trung tướng Dương Công Sửu, 72 tuổi hiện đang sinh sống tại khu gia binh thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn.

Vẫn giọng nói hào sảng, không hoa mỹ, ông kể cho chúng tôi nghe về một thời đạn bom, oai hùng, rất đỗi tự hào.

Nhỏ nhưng “có võ”

Dương Công Sửu, người dân tộc Tày sinh ra và lớn lên trên quê hương khởi nghĩa Bắc Sơn và truyền thống cách mạng của gia đình nên từ nhỏ, Sửu đã tôi rèn một ý chí quyết đoán, tính cách gan dạ.

Chuyện của một người Anh hùng ảnh 1

Dương Công Sửu (ngoài cùng bên phải) vinh dự được bà Nguyễn Thị Định, Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ghi nhận, động viên năm 1973 ảnh: tư liệu

Tròn 17 tuổi, vào tháng 7/1967, Sửu xung phong đi bộ đội, tòng quân vào Nam đánh giặc. Sau khi hành quân gần 4 tháng từ xứ Lạng, người tân binh này đã có mặt tại mặt trận Tây Nguyên và lập tức lao vào trận chiến với quân thù.

Nhấp chén nước chè nóng, phả hương vị thơm dịu, Trung tướng Dương Công Sửu tâm sự rằng: Tung hoành khắp các mặt trận ở chiến trường Nam bộ và nước bạn Campuchia, ông đã tham gia chiến đấu và chỉ huy hàng trăm trận lớn nhỏ. Những trận đánh đã đi vào lịch sử như: Trận tập kích nam Suối Ngô ngày 29/4/1970, trận cầu sắt Bà Chiêm ngày 3/5/1970, phục kích chốt chặn Tây Nam Suông (Lộc Ninh) ngày 28/3/1971, trận phục kích đánh xe cơ giới địch trên đường 13 nam Chơn Thành tháng 4/1972, cuộc tập kích cụm xe phía tây Cây Cầy (Bình Long) ngày 26/6/1972…

Ông Sửu kể lại rằng, tháng 9/1968 khi đến Miền đông Nam bộ, ông được giao nhiệm vụ làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 28 đặc công Sư đoàn 7 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự miền Nam Việt Nam và tại đây ông được kết nạp vào Đảng.

“Tôi nhớ mãi trận phục kích chốt chặn Tây Nam Suông ngày 28/3/1971. Khi đó, khu trận địa nom rất trống trải, xung quanh toàn đồng ruộng nên chúng tôi lập tức triển khai đào công sự. Chưa hoàn thành công việc thì pháo địch ở các hướng bắn dồn dập vào trận địa. Dứt tiếng pháo, địch cho xe tăng kết hợp bộ binh tràn đến. Tôi lập tức chỉ huy ngăn cản địch. Ngay phút đầu, 3 xe địch bốc cháy, đội hình địch rối loạn nên ùn lại”, ông Sửu nhớ lại và kể.

Trong lúc trò chuyện, thi thoảng nhắc đến chiến công, Trung tướng Sửu lại cười sảng khoái. Nhưng cũng có lúc ông trầm tư nghĩ ngợi. Ông tâm sự rằng, ngay sau một ngày chiến đấu ở Tây Nam Suông, quân ta cũng thương vong khá nhiều, đơn vị tổ chức đưa thương binh về tuyến sau. Tuy nhiên, trên đường đi địch phát hiện, chúng cho máy bay đánh chặn đường. Lập tức ông và y tá của đơn vị tên là Vũ Huy Vọng chạy vòng sang hướng khác, bắn AK lên trời để thu hút hỏa lực địch, giúp đồng đội rút lui an toàn. Khi đó, Vọng trúng mảnh bom bị thương nặng bèn nói với ông rằng “anh đã mệt cứ để em ở đây, rút lui đi không rất nguy hiểm”, nhưng ông cương quyết: “Không thể để Vọng ở một mình được, dù có hi sinh tôi cũng cùng bạn chiến đấu”. Cuối cùng, hai anh em đã may mắn trở về đơn vị trong vòng tay ôm chặt của đồng đội.

Tôi ngước nhìn Trung tướng Dương Công Sửu và buột miệng hỏi: “Em trông sức vóc anh bé nhỏ (lúc trẻ ông chỉ nặng 45 kg, cao khoảng mét rưỡi), mà sao lại được vào binh chủng đặc công và đã từng quật được vài tên lính Mỹ ?”

Ông cười hồn nhiên rồi bảo, cũng chính từ hạn chế về chiều cao và cân nặng nó khiến cho người lính đặc công phải có những cách đánh mưu trí, dũng cảm, tiên đoán trước các âm mưu, thủ đoạn của địch.

“Có thể chỉ huy nhìn nhận tố chất con người tôi nên bố trí vào lực lượng đặc biệt. Mà khi đó, tôi đã có võ rất khá. Ngày đi học ở quê hương Bắc Sơn do được yêu quý nên một ông thầy giỏi võ cổ truyền đã dạy cho nên giúp tôi khi chiến đấu với kẻ thù. Cũng có thể, nhờ có võ và nhỏ con nên tôi đã tránh được đường tên, mũi đạn của đối phương”, tướng Sửu hóm hỉnh nói.

Truyền thống

Tháng 4/1974, Dương Công Sửu được vinh dự tham gia đoàn đại biểu các đơn vị Anh hùng, Chiến sĩ thi đua các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, báo cáo thành tích với Trung ương Đảng, Chính phủ và đã vinh dự được tập thể Bộ Chính trị và Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tiếp đón, hoan nghênh.

Chuyện của một người Anh hùng ảnh 2

Tuổi trẻ xứ Lạng nghe ông Sửu kể chuyện chiến trường Ảnh: Bích Hợp

Sau giải phóng miền Nam, Dương Công Sửu nhận quyết định về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn và từ 1990 đến năm 1999, ông được giao trọng trách làm Chỉ huy trưởng. Có thể nói, từ những kinh nghiệm trận mạc thời đánh Mỹ đã giúp ông chỉ huy đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bộ Quốc phòng ghi nhận và đánh giá cao.

Từ năm 2000 đến năm 2010, tướng Sửu được cấp trên điều động giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân khu 1. Nhận nhiệm vụ mới, tên tuổi ông lại gắn với những ngày đầu khởi công xây dựng dự án đường tuần tra biên giới. Ông luôn khắc khoải mong ước thắp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ, chỉ đạo công tác quốc phòng toàn dân và giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng toàn dân. Đến năm 2011, ông được nghỉ hưu.

Trở về với đời thường, tướng Sửu luôn quan tâm đến việc giữ gìn phẩm chất “Anh Bộ đội cụ Hồ”, ông thường xuyên được các cơ quan, đơn vị, trường học, tuổi trẻ địa phương mời đến trò chuyện, kể lại quãng đời binh nghiệp.

Ở gia đình, tướng Sửu là người khá nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con nhưng chan hòa với các cháu nhỏ, hàng xóm láng giềng. Các con ông đều nỗ lực học tập, phấn đấu, trưởng thành, đang công tác tại địa phương, trong đó có Dương Công Anh nối nghiệp cha, hiện là Đại úy, trợ lý Tài chính Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Câu chuyện về chiến trường, về nhân tình thế thái giữa chúng tôi với Trung tướng Dương Công Sửu như kéo dài mãi, đến khi ánh nắng đã tắt dần trên phía núi Phai Vệ. Trước lúc chia tay, ông níu tay tôi lại rồi nói nhỏ: “Tuy là dân nhà võ, nhưng mỗi dịp 30/4, tôi lại viết vài trang “nhật ký cuộc chiến đời mình”, để lưu lại truyền thống cho con cháu, đến nay đã được trên 100 trang”.

“Sau những chiến công oanh liệt, ngày 20/12/1973, Thượng úy Dương Công Sửu, Tiểu đoàn 28 Đặc công, Sư đoàn 7, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTNDVN” (trích bách khoa toàn thư).

MỚI - NÓNG