Từ cán bộ Đoàn cơ sở…
Nhà văn Sơn Tùng bị tai biến đến nay đã hơn mười năm. Trong thời gian này, mỗi khi đến nhà ông tại Khu tập thể Văn Chương (Hà Nội), tôi thường nói chuyện lâu với anh Bùi Sơn Định, con trai nhà văn. Anh Định từ quê nhà Nghệ An lên ở với cha đã vài chục năm nay nên hiểu rõ nhiều chuyện về nhà văn Sơn Tùng. Kể từ khi nhà văn bị tai biến, anh Định đã giúp cha hoàn thành khá nhiều việc ông còn dang dở.
Trong lần gặp gần đây, anh Định cho tôi biết vừa qua anh đã giúp cha xuất bản thêm cuốn “Tuyển tập truyện, ký về Hồ Chí Minh”do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Trong bài viết “Về tác giả và tác phẩm” in phần đầu cuốn sách, Bùi Sơn Định có dịp giới thiệu với bạn đọc về nhà văn Sơn Tùng. Qua giới thiệu này, tôi mới hay xuất phát điểm ban đầu của nhà văn là một cán bộ Đoàn cơ sở. Năm 1944, khi 16 tuổi, Sơn Tùng tham gia hoạt động cách mạng tại quê nhà, xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An).
Trong thời gian 10 năm, từ 1944-1954, Sơn Tùng làm liên lạc cho Việt Minh, rồi dần trưởng thành qua các vị trí như Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc xã Diễn Kim, Ủy viên Ban Chấp hành Huyện Đoàn Diễn Châu, Quyền Bí thư Huyện Đoàn Diễn Châu, cán bộ Tỉnh Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh Nghệ An. Công việc chính của Sơn Tùng thời ấy là xây dựng phong trào thiếu nhi hoạt động theo lối hướng đạo sinh và xây dựng phong trào thanh niên học sinh trong nhà trường. “Trong thời gian hoạt động Đoàn tại tỉnh nhà, cha tôi may mắn được gặp chị và anh ruột Bác Hồ là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm, cùng những người thân trong gia đình bên ngoại của Bác. Ông đã được nghe họ kể về những năm tháng tuổi thơ của Bác Hồ, rồi ghi chép lại. Cha tôi coi đây là hạt giống đầu mùa cho những tác phẩm viết về Bác Hồ sau này”- anh Bùi Sơn Định cho biết.
Phóng viên Sơn Tùng (thứ 3 từ trái sang) trong lần đi tác nghiệp tại làng Lỗ Khê được gặp Bác Hồ. - ẢNH CHỤP LẠI TỪ TƯ LIỆU GIA ĐÌNH NHÀ VĂN SƠN TÙNG |
Cuối năm 1954, Sơn Tùng ra Hà Nội học tại trường Đại học Nhân dân Việt Nam. Tại đây, ông vẫn gắn bó với phong trào thanh niên khi được bầu làm Phó trưởng Ban đại diện sinh viên của trường. Tháng 7/1955, Sơn Tùng là Phó trưởng đoàn thanh niên, sinh viên Việt Nam đi dự Đại hội thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ V tổ chức tại thủ đô Ba Lan. Trong chuyến đi này, ông gặp được bà Vera - một nữ cán bộ Quốc tế Cộng sản, nhân chứng lịch sử biết rõ Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong thời kỳ ở Quốc tế Cộng sản. Những tư liệu Sơn Tùng thu lượm được từ bà Vera đã giúp ông có thêm tư liệu quý về Bác Hồ.
… Đến dấu ấn khi làm báo Tiền Phong
Sơn Tùng bắt đầu làm báo cho tờ Nông nghiệp Trung ương. Cuối năm 1962, ông chuyển về báo Tiền Phong, tờ báo của Đoàn Thanh niên mà ông yêu mến.
Anh Bùi Sơn Định cho biết, nhờ làm việc ở báo Tiền Phong mà phóng viên Sơn Tùng được gặp Bác Hồ. Chỉ vào một bức ảnh lớn treo trên tường, anh Định cho biết người đứng gần Bác, đang ghi chép vào cuốn sổ tay là nhà văn Sơn Tùng thời trẻ. “Bức ảnh được chụp ngày mùng Một Tết năm Giáp Thìn (1964), khi Bác Hồ đến thăm làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội), một địa phương điển hình về tổ chức sản xuất giỏi và thực hiện phong trào tiết kiệm của cả nước”- anh Định cho biết.
Qua lời kể của anh Định, tôi lên thư viện của báo Tiền Phong tìm bài viết của phóng viên Sơn Tùng tại thời điểm chụp bức ảnh trên để biết thêm thông tin. Trong quá trình tìm kiếm, tôi có dịp đọc một số bài viết của Sơn Tùng về hoạt động của đoàn thanh niên trên các số báo. Còn trong bài viết “Lỗ Khê ăn Tết” đăng trên một số báo đầu năm 1964 mà tôi cần tìm, Sơn Tùng kể vào chiều 30 tết năm Quý Mão (1963), ông đã trở lại Lỗ Khê để tiếp tục phản ánh hoạt động của Chi đoàn địa phương trong việc thực hiện sáng kiến mà họ đã đề ra trong cuộc vận động tiết kiệm lương thực và thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đến sáng mùng Một Tết hôm sau, khi vẫn đang tác nghiệp tại đây, Sơn Tùng bất ngờ được gặp Bác Hồ khi Người về thăm Lỗ Khê. Dịp may hiếm có này đã giúp Sơn Tùng viết được bài báo hay “Lỗ Khê ăn Tết”.
Sau bài viết trên, nhiều chi đoàn tại các tỉnh, thành đã tích cực hưởng ứng sáng kiến và việc làm của Chi đoàn Lỗ Khê trong việc vận động tiết kiệm lương thực và thực phẩm. Những thông tin này tiếp tục được đăng tải trên báo Tiền Phong. Đây là việc làm rất cần thiết, khi vào thời điểm này, cả nước đang đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm để chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.“Sau khi nghỉ hưu, cha tôi chấp bút viết tiểu thuyết Búp sen xanh, qua những tư liệu về Bác mà ông tích lũy được trong nhiều năm. Để đến năm 1982, cuốn sách này chính thức được xuất bản, trở thành một hiện tượng văn học thời bấy giờ”.
Anh Bùi Sơn Định
Nhờ những năm tháng làm công tác Đoàn và viết về Đoàn Thanh niên mà năm 1967, phóng viên Sơn Tùng được điều vào chiến trường B2 (miền Nam) để phụ trách tờ Thanh niên Giải phóng. Tại Trung ương Cục Miền Nam, địa điểm làm việc của tờ Thanh niên Giải phóng, Sơn Tùng cùng các phóng viên lo tổ chức bài vở để tờ báo luôn xuất bản ổn định.
Rồi vào ngày 15/4/1971, khi Sơn Tùng cùng đồng nghiệp đang chuẩn bị lên khuôn cho một số báo, thì máy bay Mỹ ồ ạt tấn công với mưu đồ triệt phá cơ quan đầu não của Cách mạng miền Nam. Sơn Tùng bị thương rất nặng, khi những mảnh đạn M.79 găm khắp người ông. May mắn, ông được đồng đội không quản hiểm nguy lao vào cứu để đưa đi cấp cứu. Sơn Tùng được đưa ra Bắc điều trị trong thời gian dài. Sau khi được ra viện, với lòng yêu nghề, ông trở lại báo Tiền Phong tiếp tục làm việc, và nghỉ hưu cuối năm 1979. “Sau khi nghỉ hưu, cha tôi chấp bút viết tiểu thuyết Búp sen xanh, qua những tư liệu về Bác mà ông tích lũy được trong nhiều năm. Để đến năm 1982, cuốn sách này chính thức được xuất bản, trở thành một hiện tượng văn học thời bấy giờ”- anh Bùi Sơn Định cho biết.