Luôn tin yêu vào thế hệ trẻ

0:00 / 0:00
0:00
Thêm trí thức để cống hiến cho đất nước - Ảnh: P.V
Thêm trí thức để cống hiến cho đất nước - Ảnh: P.V
TP - Nhân kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2021), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có cuộc trò chuyện với Tiền Phong và tuổi trẻ cả nước. Ông gửi gắm niềm tin, kỳ vọng về sự nỗ lực, vươn lên, sức sáng tạo của thế hệ trẻ đưa đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.  
Luôn tin yêu vào thế hệ trẻ ảnh 1

Tuy tuổi đã cao nhưng Nguyên Chủ tịch nước vẫn tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ
 Ảnh: Ngô Tùng

Trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên

Thưa đồng chí, được biết, đồng chí từng tham gia phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn, đồng chí có thể chia sẻ về những tháng ngày thanh niên sôi nổi đó?

Năm 1961, tôi vào học tại trường Pétrus Trương Vĩnh Ký và được làm học trò của thầy giáo Lê Quang Vịnh. Tôi bắt đầu tham gia vào phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn, từ năm 17, 18 tuổi. Phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ rất sôi nổi.

Chúng tôi tham gia các hoạt động đấu tranh từ thấp đến cao, từ hợp pháp, bán hợp pháp và cả bất hợp pháp như: vận động để học sinh miền Nam không bị bắt đi lính, sinh viên được học tiếng Việt ở trường đại học (thời kỳ đó, sinh viên học đại học bằng tiếng Pháp – PV); rồi rải truyền đơn, biểu tình…

Năm 1962, thầy giáo Lê Quang Vịnh của chúng tôi bị bắt, đày đi biệt xứ. Khi học với thầy, nhìn cung cách, cử chỉ, lời nói của thầy, tôi thầm nghĩ, thầy tôi làm cách mạng. Vì vậy, khi hay tin thầy Vịnh bị bắt, tôi càng cảm phục lý tưởng cách mạng, khí phách hiên ngang của thầy tôi.

Chúng tôi lấy thầy làm hình mẫu tuyên truyền ngầm với nhau, vận động học sinh, sinh viên tham gia cách mạng tích cực hơn. Chúng tôi đã lấy bài thơ “Tiếng hát của người tử tù” do thầy Lê Quang Vịnh viết khi bị tuyên án tử hình, bài thơ “Hận sông Gianh” để tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước, lửa nhiệt thành cách mạng trong mỗi bạn trẻ.

Tôi xin đọc lại mấy câu thơ trong bài thơ “Tiếng hát của người tử tù”: Tôi đi trên đường Mác – Lê nin/Theo ánh sáng Hồ Chí Minh rực rỡ/Cả mùa xuân đang tưng bừng hoa nở/Cả đời tôi dâng hiến Đảng Tiền phong/Thề bước đi cho đến bước cuối cùng/Dưới bóng rợp cờ hồng dù trong đêm miền Nam đen tối nhất/Dù biết đâu ngày mai tôi vắng mặt/Tôi vẫn tin vững chắc ở tương lai/…

Đây là những lời thơ đầy khí phách mà thầy giáo Lê Quang Vịnh đã viết trong ngục tối. Thầy đã tìm cách gói bài thơ lại, lén gửi ra ngoài và được đưa lên đài phát thanh Giải phóng, đài Tiếng nói Việt Nam, truyền lửa nhiệt huyết cách mạng cho lớp trẻ chúng tôi thời đó.

Năm 1963, tôi cũng bị bắt nhưng may mắn lợi dụng sơ hở của địch vượt thoát được. Tôi lên chiến khu, công tác ở Khu Sài Gòn - Gia Định, rồi sau đó về Ban Thanh vận thanh niên miền Nam (sau này là Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam); còn thầy tôi thì ra Côn Đảo.

Luôn tin yêu vào thế hệ trẻ ảnh 2 Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết trò chuyện với sinh viên TPHCM
 ẢNH: NGÔ TÙNG

Đồng chí từng có thời gian dài tham gia công tác Đoàn tại chiến khu, vậy, công tác Đoàn thời đó có thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

Tôi lên chiến khu trải qua một thời gian chờ đợi, xác minh, thử thách, và ngày 30/3/1965, tôi được kết nạp Đảng. Từ năm 1966, tôi được phân công làm Bí thư Đoàn thanh niên Cơ quan T.Ư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, Thường vụ Đoàn thanh niên các cơ quan T.Ư Cục miền Nam.

Giáo dục thanh niên thời chiến tuy có nhiều khó khăn nhưng thuận lợi cũng không ít. Bởi thanh niên lúc đó đều chung một lý tưởng sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân, đấu tranh vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Lớp lớp thanh niên tình nguyện đi bộ đội, ra chiến trường.

Khó khăn là đạn bom, chiến tranh ác liệt, rừng thiêng, nước độc. Có những đợt, cả đơn vị gần như ai cũng bị sốt rét. Dù vậy, anh em đều tràn đầy ý chí, sẵn sàng “nếm mật nằm gai” vì một lý tưởng chung.

Tuy chiến tranh ác liệt, nhưng công tác Đoàn, phong trào thanh niên tại chiến khu vẫn tràn đầy khí thế. Ban ngày, thi đua lao động sản xuất, chiến đấu; tối, sinh hoạt Đoàn, học văn hóa, biểu diễn văn nghệ “tiếng hát át tiếng bom”. Cuộc sống của chúng tôi thời đó, tuy gian khổ nhưng rất vui tươi.

Tôi thuận lợi hơn là có một chút kiến thức văn hóa nên được phân công chủ trì chương trình bồi dưỡng học tập cho anh em ở cơ quan, đứng lớp về chính trị, văn hóa. Có những đồng chí khi vào chiến khu, văn hóa mới cấp 1 nhưng đến ngày giải phóng đã tốt nghiệp cấp 3.

Luôn tin yêu vào thế hệ trẻ ảnh 3

Khoảnh khắc đẹp của TNTN trong chiến dịch Hè tình nguyện - Ảnh: P.V

Làm bạn với thanh niên đạp xích lô, xe kéo

Được biết, đồng chí cũng trải qua 13 năm công tác tại T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, đồng chí có thể chia sẻ kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ trong quãng thời gian đó?

Khi chiến đấu ở miền Nam, tất cả chúng tôi đều hướng về Thủ đô Hà Nội, trái tim thân yêu của cả nước. Những ngày tháng Mỹ ném bom Hà Nội, chúng tôi ở trong này đau xót lắm và lắng nghe tin tức để cổ vũ cho Hà Nội. Vì vậy, sau giải phóng được điều về Thủ đô công tác tại T.Ư Đoàn, tôi thấy đó là một may mắn, niềm hạnh phúc lớn lao.

Mở rộng, đoàn kết, tập hợp thanh niên là câu chuyện được đặt ra lúc bấy giờ. Tôi nhớ, tôi cùng đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, lúc đó đang là Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội (sau này là Bí thư Thành Đoàn Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) đã đi đến các ngõ ngách, khu phố Hà Nội để gặp gỡ, trò chuyện với thanh niên. Những thanh niên nghèo, đạp xích lô, xe kéo, quét rác... khi được gặp cán bộ Đoàn, được lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, họ mừng vui lắm!

Các chi hội thanh niên xe kéo, bốc vác, xích lô… được thành lập tại các khu nhà trọ của lao động nghèo. Họ được sinh hoạt trong tổ chức Hội, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, như: biểu diễn văn nghệ, kết nối việc làm, học hành. Những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn được Hội hỗ trợ, tạo điều kiện vươn lên.

Giai đoạn tôi làm Bí thư T.Ư Đoàn cũng là thời kỳ đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới nên đội ngũ cán bộ Đoàn như tôi cũng nhanh chóng chuyển mình với xu thế để thúc đẩy thanh niên tiến lên. Một thuận lợi lớn là lực lượng trẻ lúc bây giờ tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, đồng thời, cũng luôn năng động, sáng tạo. T.Ư Đoàn cũng nhanh chóng đổi mới, tạo nên khí thế thi đua lao động sản xuất; khắp trên cả nước đều có công trình thanh niên cộng sản. Trong đó, đi vào lịch sử là công trình thanh niên cộng sản Thủy điện Hòa Bình.

Những tháng ngày tham gia công tác Đoàn, phong trào thanh niên có ý nghĩa thế nào đối với đồng chí?

Tôi có 27 năm gắn bó với Đoàn, Hội. Những năm tháng đó thực sự có ý nghĩa với tôi rất lớn. Hồi đó, tuổi trẻ chúng tôi khí thế hừng hực, đi vào lĩnh vực nào cũng nhiệt huyết, sôi nổi hết mình. Khi chuyển sang công tác Đảng, tôi thấy mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm của thời tuổi trẻ và vẫn còn giữ ngọn lửa nhiệt huyết ngày nào.

Dù ở bất cứ vị trí nào, tôi vẫn luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chăm sóc các bạn trẻ, vì đây là một tiềm năng rất lớn của đất nước. Chúng tôi chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng họ về nghề nghiệp, đạo đức, phẩm chất con người, ngoại ngữ để lớp trẻ vừa có trình độ chuyên môn, vừa có đạo đức tốt, vừa có ngoại ngữ hội nhập quốc tế, có bước đi vững vàng hơn trong tương lai.

Luôn mở rộng cánh cửa chào đón bạn trẻ

Để phát huy được người trẻ cống hiến cho đất nước, theo đồng chí cần những điều gì?

Trong một cuộc phỏng vấn, khi tôi đang là Chủ tịch nước, tôi được đặt câu hỏi: Thanh niên, sinh viên Việt Nam đi học ở nước ngoài, khi học xong, họ chưa chịu về nước làm việc, ông nghĩ thế nào? Tôi nói câu hỏi này rất hay, rất là khó đấy, nhưng theo tôi, việc thanh niên Việt Nam đi học ở nước ngoài mà chưa về nước để phục vụ, tôi chưa vội trách họ mà tôi tự trách mình. Người lãnh đạo phải làm sao tạo môi trường sống, làm việc, đầu tư trong nước thật hấp dẫn để họ quay về. Tôi đặt vấn đề, trước hết đó là trách nhiệm của người lãnh đạo, chưa vội đổ lỗi cho thanh niên.

Giờ, nếu được đặt lại câu hỏi đó, câu trả lời của tôi không thay đổi. Đảng, Nhà nước, địa phương, đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển và cống hiến. Chúng ta hãy luôn mở lòng, mở rộng cánh cửa chào đón các bạn trẻ.

Mỗi người dù làm việc gì khi gặp khó khăn, phải tự hỏi mình trước đã, đừng đổ người khác, phải xem trách nhiệm mình ở đâu, đã làm tốt chưa, cần phải cải tiến cái gì? Thanh niên Việt Nam có câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Mỗi người nếu tự vấn mình, nghiêm khắc với mình trước hết thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.

Thưa nguyên Chủ tịch nước, đồng chí có niềm tin thế nào đối với sự nỗ lực, vươn lên và cống hiến của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay?

Thanh niên ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển; tuy nhiên, cũng không ít khó khăn, vì cuộc đấu tranh trên toàn thế giới vẫn diễn ra vô cùng phức tạp. Tuy nhiên, các bạn trẻ, hãy biết nắm bắt thuận lợi và luôn sẵn sàng đối mặt khó khăn, thử thách để tiến lên.

Tôi có một điều tâm đắc là Đoàn Thanh niên lúc nào cũng trẻ. Năm nay, Đoàn 90 tuổi nhưng vẫn là tuổi Đoàn, lúc nào cũng trẻ trung, năng động, sáng tạo. Đoàn thanh niên phải kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, của Đảng kính yêu! Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, trí tuệ, nghị lực, ý chí Việt Nam không thua kém ai. Tôi tin vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ vươn lên cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa đất nước phát triển, sánh vai với bè bạn năm châu.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

“Đoàn thanh niên phải kế tục trung thành, xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ, của Đảng kính yêu! Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, trí tuệ, nghị lực, ý chí Việt Nam không thua kém ai. Tôi tin vào thế hệ trẻ hôm nay sẽ vươn lên cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đưa đất nước phát triển, sánh vai với bè bạn năm châu”. 
Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết

“Đảng, Nhà nước, địa phương, đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát triển và cống hiến. Chúng ta hãy luôn mở lòng, mở rộng cánh cửa chào đón các bạn trẻ”. 
Nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Minh Triết  

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết từng có 27 năm rèn luyện, trưởng thành trong công tác Đoàn, Hội. Năm 1961, ông tham gia phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn. Ông từng được cử làm Bí thư Đoàn thanh niên Cơ quan T.Ư Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam, Thường vụ Đoàn thanh niên các cơ quan T.Ư Cục miền Nam. 
Từ năm 1974-1987, ông về công tác tại T.Ư Đoàn, trải qua nhiều vị trí công tác: Phó Văn phòng T.Ư Đoàn, Trưởng ban Thanh niên xung phong T.Ư Đoàn, Trưởng ban Mặt trận T.Ư Đoàn; Bí thư Đảng ủy cơ quan T.Ư Đoàn tại TPHCM và Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký T.Ư Hội LHTN Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Việt Nam thua ngược Thái Lan ngay tại Mỹ Đình
Việt Nam thua ngược Thái Lan ngay tại Mỹ Đình
TPO - Dẫn trước đối thủ khá sớm nhờ bàn thắng của tiền đạo Tiến Linh nhưng sự sơ hở của hàng thủ đã khiến đội tuyển Việt Nam thua liền 2 bàn, để Thái Lan thắng ngược 2-1 trong cuộc đối đầu trên sân vận động Mỹ Đình. Như vậy, đội bóng của HLV Kim Sang-sik thua cả hai trận giao hữu quốc tế trước Nga và Thái Lan.