Về một nữ cán bộ Đoàn được phong anh hùng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cứ mỗi lần vào dịp tháng 3, tôi lại nhớ đến những kỷ niệm thời còn học ở trường Đoàn cao cấp Liên Xô (cũ). Cho đến bây giờ đã hơn ba mươi năm, tôi vẫn không quên cô gái  nhỏ nhắn, mảnh mai, xinh xắn từng học trường Đoàn cao cấp ngày ấy.

Dạo đó, cứ đến ngày nghỉ, mấy anh em chúng tôi thường rủ nhau xuống tàu điện ngầm, đi tham quan, khám phá những danh lam thắng cảnh của thủ đô Mátxcơva rộng lớn và tráng lệ. Có hôm, còn lên cả tháp truyền hình Ostankino để ngắm nhìn thành phố đang chìm dần vào ánh hoàng hôn đỏ rực. Tôi đã đi tàu điện ngầm nhiều nước trên thế giới, nhưng có lẽ các ga tàu điện ngầm ở thủ đô Mátxcơva đẹp và tráng lệ nhất...

Lúc đó, tôi chỉ biết tên cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn cùng học với tôi Đoàn Thị Ánh Tuyết là một cán bộ Đoàn ở phía Nam, nghe nói đã tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi, hoạt động ở nội thành Sài Gòn.

Mãi sau này tôi mới biết đại tá Đoàn Thị Ánh Tuyết đã được phong Anh hùng lực lượng vũ trang (1978); mới biết những chiến công vang dội mà cô gái mảnh mai xinh xắn đó đã cống hiến cho cách mạng.

Về một nữ cán bộ Đoàn được phong anh hùng ảnh 1

Thực lòng, lúc đó, tôi cũng đâu ngờ cô gái nhỏ nhắn ấy từng bị kẻ thù tra tấn dã man, chết đi sống lại nhiều lần, đã từng nhiều năm bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo.

Có một kỷ niệm nữa mà tôi cũng không quên đó là đám cưới của Đoàn Thị Ánh Tuyết được tổ chức ở nhà khách T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tại 15B Hồ Xuân Hương, Hà Nội với anh Huỳnh Đảm lúc đó là Bí thư T.Ư Đoàn (sau này anh Huỳnh Đảm là Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nay anh đã nghỉ hưu). Lễ cưới của hai cán bộ Đoàn (Đoàn Thị Ánh Tuyết lúc đó là ủy viên BCH T.Ư Đoàn) thật vui, giản dị mà đầm ấm. Lúc đó tôi cũng là Thường vụ T.Ư Đoàn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, thay mặt anh chị em trong báo mang hoa đến tặng.

Hôm vào TPHCM dự chung kết Hoa Hậu Việt Nam 2020, tôi tìm số điện thoại và liên hệ với Đoàn Thị Ánh Tuyết người bạn cùng học ở Liên Xô năm xưa, mới được biết nhiều điều mà lâu nay tôi chưa biết.

Đoàn Thị Ánh Tuyết sinh năm 1951 tại Sài Gòn. Năm 14 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng tại khu đoàn Sài Gòn-Gia Định với công việc rải truyền đơn, treo cờ Mặt trận Giải phóng... Năm 1968, Ánh Tuyết tình nguyện tham gia đội biệt động N13, bí mật đưa chất nổ từ căn cứ cách mạng vào nội thành Sài Gòn và trực tiếp tham gia nhiều trận đánh gây tiếng vang lớn thời bấy giờ.

Đoàn Thị Ánh Tuyết kể, vào thời điểm Sài Gòn bị quân địch kiểm soát ngặt, nhiều lần chị đến các điểm bị canh gác nghiêm ngặt quan sát và nhận ra rằng những người phụ nữ có thai khi đi qua các trạm gác, lính khám xét rất gắt gao, nhưng chúng không đụng đến cái bụng bầu. Một ý nghĩ nẩy sinh trong đầu cô gái trẻ: Giả làm người mang bầu để giấu chất nổ. Ý nghĩ đó làm Ánh Tuyết đỏ bừng mặt “Mình còn quá trẻ, mới 18 tuổi, giả mang bầu sao được”. Nhưng tình huống lúc đó cũng không có cách nào khác!

Chị buộc vào bụng hai cái khăn bàn to, ra khỏi nhà, tưởng như không bước nổi. Ánh Tuyết đã tự bảo mình phải cố lên, cố chịu đựng, rồi tự tập đi lại nhiều lần để quen cái cảm giác nặng nề, đau thắt ở bụng.

“Mình chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược là vì đất nước, vì nhân dân,mình quyết không để một người dân lương thiện nào còn ở lại trong căn cứ đó... Mình phải chờ, chờ thôi... Chờ đợi mỗi phút, mỗi giây như dài như cả tháng... Cho đến khi không còn người dân nào ra vào, Tuyết cùng đồng đội hành động... Trận đánh đó đã gây một tiếng vang lớn, làm kẻ thù khiếp sợ...” Ánh Tuyết tâm sự.

Sau chiến công vang dội đó, các cô chú trong đội biệt động đón Ánh Tuyết trở về trong niềm cảm phục và coi đó là “ Một cuộc đấu trí ác liệt...”. Đoàn Thị Ánh Tuyết đã tham 7 trận đánh, lập nên nhiều chiến công, làm kẻ thù và quân xâm lược khiếp sợ.

Ngày 14/9/1970, chị Tuyết bị bắt. Những đòn tra tấn dã man không làm cô gái biệt động Ánh Tuyết hé răng nửa lời... Qua nhiều nhà tù, cuối cùng chúng đày Đoàn Thị Ánh Tuyết ra Côn Đảo. Năm 1975, Côn Đảo được giải phóng, Đoàn Thị Ánh Tuyết được trở về Sài Gòn.

Tâm sự với tôi, chị luôn đau đáu một điều là mong muốn thế hệ trẻ hôm nay luôn nhớ tới công lao của những thế hệ cha anh.

Tháng 1/1978, chị Tuyết được tham dự Liên hoan thanh niên, học sinh, sinh viên thế giới lần thứ 11 tổ chức ở Cu Ba. Ra với thế giới, Ánh Tuyết mới hiểu được niềm vinh dự khi hình ảnh Việt Nam, một Việt Nam anh hùng được nhiều người dân, nhiều nước trên thế giới ngưỡng mộ.

Về một nữ cán bộ Đoàn được phong anh hùng ảnh 2

Nhà tù Côn Đảo - Địa ngục trần gian nơi Đoàn Thị Ánh Tuyết bị giam cầm

Qua Liên hoan thanh niên, học sinh, sinh viên thế giới lần đó, Ánh Tuyết mới cảm nhận hết những tấm lòng, những tình cảm của bạn bè quốc tế với Việt Nam. Người dân Cu Ba luôn coi Việt Nam là tấm gương sáng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của mình.

Đoàn Thị Ánh Tuyết có hai người con đều học hành chăm chỉ, giỏi giang. Gia đình Ánh Tuyết nhiều năm được công nhận là “Gia đình kiểu mẫu”; “Gia đình văn hóa”. Ánh Tuyết được vinh danh là CÔNG DÂN KIỂU MẪU... Luôn sống giản dị, khiêm tốn, hòa đồng với mọi người.

Từ năm 1982 đến năm 1987, Đoàn Thị Ánh Tuyết được bầu vào BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Năm 1994, chị được tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhất, được bầu là Ủy viên Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tôi mong sao người nữ anh hùng mảnh mai, xinh xắn mà tôi đã cùng học ngày xưa vượt lên tất cả, sống yên vui, hạnh phúc bên con cháu...

Nhiều năm Đoàn Thị Ánh Tuyết là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM; Đại biểu HĐND TPHCM và là Giám đốc Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Vào TPHCM lần này, tôi điện thoại cho Ánh Tuyết muốn mời vợ chồng chị đi xem chung kết Hoa hậu Việt Nam tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ, nhưng chị đang bị đau chân...

Đột nhiên, tôi nhớ tới thời gian chúng tôi cùng học ở Liên Xô, những lần xuống tàu điện ngầm đi tham quan thủ đô Mátxcơva, Ánh Tuyết có vẻ mệt. Có lần đang đi trên đường Ánh Tuyết bảo muốn ngồi nghỉ một chút... Lúc đó trong đầu tôi cứ đặt ra câu hỏi, một cô gái mảnh mai, yếu ớt như Ánh Tuyết sao có thể là một biệt động thành Sài Gòn nổi tiếng nhỉ?

Bây giờ tôi mới hiểu, Ánh Tuyết nhiều lần bị quân thù tra tấn dã man, đi hết nhà tù này qua nhà tù khác. Ở tuổi bây giờ, mỗi lần trái gió, trở trời chắc không khỏi những cơn đau, di chứng của những trận tra tấn tàn độc của kẻ thù.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
Chủ tịch Quảng Nam trả lời việc doanh nghiệp xin cấp phép thăm dò vàng
TPO - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, khu vực doanh nghiệp đề xuất khoan thăm dò không thuộc khu vực cấm, khu vực thuộc đất quốc phòng an ninh, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vấn đề ô nhiễm môi trường hay không do Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đánh giá, việc xem xét cấp phép hay không do Trung ương quyết định.